Rộng mở cơ hội
Nhằm giúp người học nâng cao tay nghề, trình độ bằng cấp và cơ hội việc làm bền vững, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Thông tư này quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học.
Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng ký kết Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH về đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học. Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng và đại học theo quy định.
ThS. Nguyễn Trung Kiên, giảng viên Trường Cao đẳng nghề Đường sắt (Hà Nội) cho biết, lợi thế lớn nhất của việc học nghề là tiết kiệm thời gian, người học chỉ phải mất từ 3-30 tháng vừa học lý thuyết vừa thực hành. Nhiều chương trình Cao đẳng chiếm tới 70% thời lượng là thực hành, giúp người học có được kỹ năng nghề vững chắc. Đảm bảo ra trường các bạn vẫn có thể kiếm được việc luôn nếu học hành chăm chỉ.
“Việc học liên thông, học đại học sẽ dễ dàng nếu đã có bằng trung cấp hay cao đẳng nghề. Người học chỉ phải học thêm từ 1,5 năm đến 2 năm cho chương trình liên thông lên đại học. Như vậy, người học nghề tốt nghiệp vừa kiếm tiền vừa có thể học liên thông, đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình”, ThS. Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Hiện nay, học nghề không phải là “hết đường” để học tiếp. Hi vọng trong tương lai không xa, học nghề sẽ trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ tốt nghiệp THCS và THPT.
Học nghề để vươn ra thế giới
Phan Bá Thành đã chọn học nghề lái tàu tại Trường cao đẳng Đường sắt ngay khi tốt nghiệp THPT. Trong quá trình thực tập, Thành đã tiếp cận chương trình “Du học và hành nghề lái tàu hoả tại CHLB Đức” hợp tác giữa Trường cao đẳng Đường sắt và Công ty đường sắt MEV của CHLB Đức.
Năm 2018, Phan Bá Thành trở thành 1 trong 6 học viên đầu tiên của Việt Nam hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao nghề lái tàu hoả tại CHLB Đức, nắm bắt cơ hội nghề nghiệp làm việc dài hạn trong Công ty đường sắt MEV, thành phố Mannheim, CHLB Đức.
Câu chuyện về chàng trai sinh năm 1992 quyết tâm chinh phục ước mơ làm việc tại CHLB Đức bằng con đường học nghề là cảm hứng cho tất cả các bạn trẻ lựa chọn học nghề để lập thân, lập nghiệp. Khi các bạn không coi đại học là lối đi duy nhất thì sẽ có nhiều lựa chọn.
Theo bà Đặng Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm tư vấn của Trường cao đẳng Đường sắt, nhu cầu nhân lực nghề lái tàu tại CHLB Đức khá lớn và được tạo nhiều điều kiện và ưu đãi. Các bạn chỉ cần học 6 tháng là được cấp chứng chỉ nghề lái tàu tại Việt Nam. Sau đó, tập trung học tiếng Đức đến khi đạt được chứng chỉ B2 tiếng Đức, các bạn có thể sang Đức học nâng cao và làm việc trong Công ty đường sắt Đức với mức lương khoảng 3.500 euro/tháng.
Theo bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, nhu cầu nhân lực điều dưỡng nói riêng và các ngành giáo dục nghề nghiệp nói chung ở Đức cũng khá lớn. Do đó, các trường với sự hỗ trợ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường kết nối với các tập đoàn quốc tế có nhu cầu nhân lực.
"Sinh viên học ở Đức chỉ tốn tiền học tiếng Đức, còn lại chi phí học tập ở Đức miễn phí. Thậm chí, đối tác ở Đức còn hỗ trợ các bạn 1.000 - 1.500 euro/tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên được ở lại làm việc 5 năm với mức lương 2.500 - 3.200 euro/tháng. Hết thời gian, các bạn có thể chọn về nước hoặc tiếp tục các hợp đồng ở lại", bà Thu nói.