Đây là dự án học tập trải nghiệm môn lịch sử với nội dung phần lịch sự địa phương được triển khai từ tháng 10/2020.
Dự án đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của học sinh đến từ một số trường THPT của Quận 1, Quận 3 gồm: Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Trưng Vương, THPT Ten Lơ Man, Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm và Trường THPT Bùi Thị Xuân.
Học sinh tham gia dự án được chia theo nhóm khoảng 6-8 em/nhóm. Các em trải nghiệm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, buýt sông, xe buýt mui trần 2 tầng… để khám phá cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua trang phục, ẩm thực… của Sài Gòn.
Những điểm dừng chân như Bảo tàng lịch sử, Bến Nhà rồng, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Dinh Thống Nhất, đền thờ Vua Hùng… hay những quán ăn lâu đời, những tiệm may áo dài, đồ vest… đã được học sinh tìm hiểu, “review” và ghi bằng những video, những bài báo cáo công phu.
Tại buổi báo cáo học sinh đại diện cho các trường đã những tiết mục, bài giới thiệu vô cùng hấp dẫn, độc đáo về những sản phẩm mà nhóm đã tham gia.
Theo ban tổ chức, trang Sài Gòn by bus đã thu được 101 video clip, 12 bản đồ, 32 brochure, 14 poster. Qua đánh giá của thầy đây là những sản phẩm của học sinh được đầu tư công phu, đầy sáng tạo. Sài Gòn hiện lên qua lăng kính của học sinh rất sinh động.
Nổi bật trong đó là nhóm của lớp 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn gồm các thành viên Quốc Hưng, Quốc Việt, Trung Nguyên, Tường Vân, Xuân Nghi, Phương Du đã thực hiện một bài báo cáo dự án rất độc đáo qua Rap.
Theo đó, Quốc Việt-Quốc Hưng hai thành viên của nhóm đã viết lời cho bản Rap trong một buổi tối về giới thiệu cảnh đẹp Sài Gòn qua video mà nhóm thực hiện.
Các em cho hay, qua một số clip mà các nhóm khác thực hiện,đa phần sử dụng lời thoại, thuyết minh có phần đơn điệu nên nhóm đã nghĩ đến việc đọc rap tạo sự mới mẻ.
(Clip của nhóm 11A1 Trường THPT Lê Quý Đôn)
“Thể loại Rap đang được nhiều bạn trẻ yêu thích và bản thân tụi con cũng rất yêu Rap nên đã quyết định “phá cách” để giới thiệu về những cảnh đẹp Sài Gòn qua clip mà nhóm thực hiện”, Quốc Hưng nói.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, dự án dạy học với nội dung lịch sử địa phương đã tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia. Các em đã có những sản phẩm rất sáng tạo, đầu tư công phu.
Cách học mới mẻ này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử địa phương, về nét văn hóa truyền thống mà còn điều kiện cho học sinh rèn luyện kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tổ chức sắp xếp thời gian, công việc, sử dụng các phương tiện công cộng để khám phá lịch sử của TP.HCM. Và qua đó, phát huy được sở trường, năng lực của học sinh.
Nhiều em học sinh còn “bật mí”, trước khi dự án này thực hiện, các em chưa đi xe buýt bao giờ. Khi tham gia dự án đó là lần đầu các em đi xe buýt, trải nghiệm trên phương tiện công cộng và có những điểm dừng chân rất thú vị, để hiểu hơn về thành phố mà mình đang sống.
Bên cạnh đổi mới dạy học môn lịch sử, qua đó các giáo viên cũng đã đổi mới hình thức đánh giá, kiểm tra. Học sinh tham gia dự án sẽ được tính điểm kiểm tra định kỳ (hệ số 2).