Hoạt động trải nghiệm: Mối liên kết trong phát triển toàn diện

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới là hoạt động giáo dục bắt buộc. Đây cũng là lần đầu tiên, hoạt động này được xây dựng chương trình một cách bài bản và song hành cùng hoạt động dạy học các môn học khác để tạo ra sự phát triển toàn diện, hài hoà cho học sinh (HS).

Học sinh tham gia trải nghiệm sẽ có cơ hội phát triển khả năng riêng của mình. Ảnh: Quy Trung
Học sinh tham gia trải nghiệm sẽ có cơ hội phát triển khả năng riêng của mình. Ảnh: Quy Trung

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – giảng viên cao cấp Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội – Chủ biên SGK môn HĐTN1 trong CTGDPT mới đã trao đổi xung quanh vấn đề môn học Hoạt động trải nghiệm lớp 1.

Song hành cùng hoạt động dạy học các môn học

- Trong CTGDPT mới, sách giáo khoa (SGK) môn HĐTN1 có gì khác và mới so với SGK môn HĐTN1 theo chương trình giáo dục hiện hành?

- Hoạt động trải nghiệm trong CTGDPT mới là hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong chương trình hiện hành, hoạt động này tương đương với hoạt động ngoài giờ lên lớp (ngoài giờ chính khoá) hoặc hoạt động tập thể... Và trong chương trình hiện hành không có chương trình được thiết kế đúng chuẩn của phát triển chương trình và cũng không có SGK (hoặc tài liệu giáo khoa) cho hoạt động này. Chính vì vậy, đây là lần đầu tiên, hoạt động giáo dục trong nhà trường được xây dựng chương trình một cách bài bản. Trên cơ sở của chương trình, tài liệu hỗ trợ HS và giáo viên cũng được biên soạn theo đúng quy trình viết SGK như cho các môn học.

- Với đối tượng HS vừa bước vào ngưỡng cửa đầu đời thì mục đích, yêu cầu đặt ra của việc dạy và học môn HĐTN1 là gì? Dạy học môn HĐTN1 quan trọng ra sao trong quá trình đổi mới giáo dục và giúp HS phát triển toàn diện?

- Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, không phải là môn học nên hoạt động này tập trung phát triển các kỹ năng sống, thái độ sống, phát triển các năng lực tâm lý xã hội, phẩm chất nhân cách cho HS. Chính vì vậy, hoạt động này mang tính trải nghiệm cao, HS phải tích cực tham gia các hoạt động khác nhau dưới sự hướng dẫn của GV để phát triển nhân cách của chính mình. Hoạt động trải nghiệm là mảng hoạt động giáo dục song hành cùng hoạt động dạy học các môn học để tạo ra sự phát triển toàn diện và hài hoà cho HS.

PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa

- Xin bà cho biết những nội dung cơ bản, điểm đáng chú ý, khung thời lượng trong SGK môn HĐTN1 ở CTGDPT mới?

- Với Hoạt động trải nghiệm, chương trình quy định 4 mạch nội dung hoạt động: Hoạt động hướng vào bản thân; Hoạt động hướng đến xã hội (gia đình, nhà trường và cộng đồng); Hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp (bắt đầu từ lớp 2). Như vậy, chúng ta thấy, lấy đứa trẻ làm trung tâm thì các nội dung giáo dục xoay quanh đứa trẻ: Trẻ với chính trẻ; trẻ với xã hội, trẻ với tự nhiên và trẻ với nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm là 3 tiết/tuần. Tuy nhiên, hai tiết đã dành cho Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp rồi nên chỉ còn 1 tiết để thực hiện nhiều mục tiêu khác của chương trình đưa ra và chúng tôi gọi tiết này là tiết trải nghiệm thường xuyên, được xếp thời khoá biểu 1 tiết/tuần.

GV đóng vai trò then chốt

- Bà có thể đánh giá về chất lượng dạy học môn giáo dục ngoài giờ lên lớp bậc tiểu học hiện nay? Với thực tế đó, việc triển khai môn HĐTN1 có những ưu thế và hạn chế nào? Đội ngũ GV cần được hỗ trợ, tập huấn ra sao để việc truyền thụ kiến thức đạt hiệu quả cao nhất?

- Như chúng ta thấy, xã hội chưa thực sự hài lòng với sản phẩm của giáo dục. Một trong những nguyên nhân của sự không hài lòng đó là trẻ em của chúng ta thiếu nhiều kỹ năng sống cơ bản, thiếu sự tự tin, sự sáng tạo... Và tại sao trẻ em lại thiếu những điều đó? Một phần lỗi ở hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Phụ huynh nên cùng con thực hiện các yêu cầu của hoạt động trải nghiệm được trình bày thông qua SGK hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, GV cần dặn phụ huynh chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết để các em có thể thực hiện hoạt động khi GV tổ chức trên lớp. Chắc chắn HS sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu phụ huynh và nhà trường cùng đi về một hướng.

Để khắc phục những thiếu sót ấy, chương trình Hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế nhưng việc triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng, đội ngũ giữ vai trò quyết định. Chất lượng đội ngũ luôn là yếu tố then chốt. Về nguyên tắc, tất cả giáo viên qua đào tạo sư phạm đều được phép và được quyền thực hiện tổ chức hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên để thực hiện được nhiệm vụ mới này, họ cần được bồi dưỡng một cách bài bản và nghiêm túc.

- Đội ngũ GV cần sự đổi mới ra sao trong phương pháp giảng dạy để môn HĐTN1 tránh được tình trạng lý thuyết nhiều hơn thực tế?

- Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục nên bản chất hoạt động này là thực hành, trải nghiệm, làm, thực tế. Phương pháp của nó là hoạt động và giáo dục thông qua hoạt động, thông qua tập thể, noi gương, mẫu hành vi...

Tuy nhiên để thành công trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, đạt được mục tiêu về phẩm chất và năng lực thì đây là công việc còn khó hơn cả dạy học. GV phải là một nhà thiết kế và tổ chức hoạt động, là một hoạt náo viên, một nghệ sĩ...; bên cạnh đó phải rất hiểu tâm lý, hiểu con đường thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi... Trên cơ sở đó, người GV mới thiết kế được các nhiệm vụ (bao gồm nội dung và con đường giáo dục) trúng đích là các năng lực và phẩm chất cần hình thành.

- Để HS và phụ huynh không có tâm lý môn HĐTN1 là môn học “phụ”, môn học giúp HS giải trí nhiều hơn là tích lũy kiến thức, GV cần lưu ý những gì trong quá trình dạy học?

SGK HĐTN1 do PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa làm chủ biên

- Hoạt động trải nghiệm trong CTGDPT mới là hoạt động giáo dục bắt buộc, nó được sắp xếp thời khoá biểu hằng tuần và được đánh giá trên từng HS về kết quả hoạt động. Yêu cầu cần đạt của chương trình là thước đo đầu ra của mỗi lớp, mỗi cấp học. Để đạt đầu ra, HS phải được rèn luyện thường xuyên, phải được hình thành từng hành vi, thái độ cụ thể, trên cơ sở đó, trẻ mới có được kỹ năng, năng lực hay phẩm chất.

Nếu GV lơ là cả quá trình rèn luyện thì thật khó có thể hình thành kỹ năng trong thời gian ngắn. Chính vì thế, GV cần thực hiện đầy đủ hướng dẫn tổ chức hoạt động. Ngoài ra, GV phải chú ý đến cách tổ chức hoạt động sao cho mọi HS đều có cơ hội hoạt động như nhau để phát triển kỹ năng và hình thức hoạt động cần phong phú để HS có nhiều cơ hội rèn luyện khác nhau.

Hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức trong và ngoài lớp học, trong đó nhiều nội dung trẻ chỉ cần trải nghiệm trong lớp học. Quan trọng là GV lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện của lớp học và có được phương pháp tổ chức hiệu quả. Ngoài ra, thỉnh thoảng nhà trường có thể tổ chức cho HS trải nghiệm trong các môi trường bên ngoài rộng lớn hơn.

- Với môn học HĐTN, cần có sự kết hợp ra sao giữa nhà trường và gia đình để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất?

- Hoạt động trải nghiệm là loại hình cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Đặc biệt với HS lớp 1 khi các em còn chưa đọc tốt, sự tham gia của phụ huynh trong việc giúp con em mình hiểu được nhiệm vụ phải trải nghiệm ở nhà, giám sát việc làm và chia sẻ với giáo viên về các kỹ năng của con có ý nghĩa rất quan trọng để trẻ nhanh chóng làm chủ được những kỹ năng cơ bản.

Thí dụ, muốn rèn sự chăm chỉ lao động cho trẻ mà không có sự phối kết hợp với gia đình thì khó có thể hoàn thành mục tiêu này. Phụ huynh hãy tạo điều kiện để con tự phục vụ, được làm, trải nghiệm công việc nhà… Hãy kiên nhẫn với con và hãy đồng hành cùng nhà trường…

- Xin cảm ơn PGS!

Xã hội chưa thực sự hài lòng với sản phẩm của giáo dục. Một trong những nguyên nhân của sự không hài lòng đó là trẻ em của chúng ta thiếu nhiều kỹ năng sống cơ bản, thiếu sự tự tin, thiếu sự sáng tạo... Và tại sao trẻ em lại thiếu những điều đó? Một phần lỗi ở hoạt động giáo dục trong nhà trường. Để khắc phục những thiếu sót ấy, chương trình Hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế nhưng việc triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng, đội ngũ giữ vai trò quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.