Khơi gợi sự sáng tạo của trò
“Xin chào các bạn, mình tên là thỏ, mình là con vật cưng của vua Hùng Vương. Sau đây mình sẽ kể cho các bạn nghe về Sơn Tinh, Thủy Tinh…”, lời dẫn dắt của Bảo Trâm lớp 6/5 (trong vai thỏ) đã mở đầu cho tiết mục sân khấu hóa Sơn Tinh, Thủy Tinh trong tiếng reo hò của các bạn.
Theo đó, nhóm của Bảo Trâm lần lượt xuất hiện với các vai Vua Hùng, Mị Nương hay Sơn Tinh, Thủy Tinh, quân lính. Đi kèm với diễn xuất tự nhiên của các nhân vật nhằm chuyển tải nội dung của câu chuyện là phần âm thanh cũng vô cùng ấn tượng với tiếng gió hú, sấm chớp… khi Thủy Tinh nổi giận.
Đặc biệt, các em cũng chú trọng đầu tư trang phục, các đạo cụ như kiếm, gươm, hay sáng tạo khi chuẩn bị các lễ vật voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… khiến các bạn học sinh thích thú.
Sự dí dỏm, sáng tạo của các em mang vào các tác phẩm dân gian tạo nên những tiếng cười và tiếng vỗ tay reo hò… qua phần thể hiện với tác phẩm Cóc kiện Trời; Thầy bói xem voi. Mỗi thầy bói xuất hiện đều có phần chào hỏi xưng danh đặc biệt “ta là thầy bói vừa đẹp trai, tài giỏi, xem bói cho từ già tới trẻ, từ làng trên xuống làng dưới…” hay chỉ với câu nói đời thường tạo sự vui vẻ trong khi nhập vai: “Cho thầy một Like nào”…
Cô giáo Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, nhóm trưởng nhóm Văn 6 chia sẻ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn Văn dành cho khối 6 được lên ý tưởng bắt nguồn từ việc tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà cô được tập huấn trong thời gian gần đây. “Từ việc tham gia sân khấu hóa với các tiểu phẩm, các em thấy được vẻ đẹp của các tác phẩm văn học dân gian, bài học sâu sắc mà từng tác phẩm mang đến, để từ đó yêu môn học này hơn và cảm thấy nó rất gần gũi với các em”, cô Bảo Ngọc cho hay.
Theo đó, hoạt động được triển khai trong khoảng 4 tuần với sự tham gia của toàn bộ học sinh khối 6. Mỗi lớp có 3 - 4 tiểu phẩm để tham gia hoạt động này. Các em lựa chọn những tác phẩm văn học dân gian qua 4 thể loại được học ở Văn 6 gồm truyện truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và truyện cười. Sau khi đăng kí các tiểu phẩm, từng nhóm sẽ thi với nhau tại lớp và có thầy cô chọn ra 3 tiểu phẩm xuất sắc nhất trình diễn trước toàn trường trong tiết chào cờ.
Học sinh thích thú, giáo viên hài lòng
Vào vai Thủy Tinh, em Nguyễn Hoàng Quân lớp 6/5 chia sẻ: “Tham gia đóng tiểu phẩm với các bạn, con cảm thấy rất hào hứng, thích thú. Nó giúp con nhớ lâu tác phẩm, tự tin hơn trước đám đông và yêu thích các tác phẩm văn học dân gian nhiều hơn”. An Khang, học sinh lớp 6/2, người thể hiện vai thầy bói, cho biết: Em thích đóng kịch và tự nghĩ ra các lời thoại để vào vai thầy bói với những câu nói hài hước tạo sự vui vẻ, thú vị. Qua hoạt động trải nghiệm, các bạn trong từng nhóm biết phân công nhiệm vụ cho nhau, sắp xếp thời gian tập luyện và cùng nhau góp ý để tiểu phẩm được hoàn thiện.
Đánh giá về học sinh của mình, cô Bảo Ngọc cho rằng: “Các em vô cùng sáng tạo, đã biến những tác phẩm văn học dân gian vốn bất động trên giấy, trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ thuộc. Các em hoàn toàn tự lên ý tưởng, phân vai, chuẩn bị về trang phục, tự làm các đạo cụ, tự tập dượt với nhau… Nhiều em thể hiện được sở trường của mình, phát huy năng lực của mình qua hoạt động này, là điều mà chúng tôi rất hài lòng”.
Cô Bảo Ngọc chia sẻ thêm, với hoạt động này, các em sẽ được giáo viên chấm điểm 1 tiết môn Ngữ văn. Lý giải về cách đánh giá học sinh, cô Ngọc cho hay, thay vì một văn bản học sinh đọc, trả lời các câu hỏi trong sách và đánh giá bằng một bài kiểm tra viết 1 tiết với câu hỏi: “Hãy nêu cảm nhận về một nhân vật nào đó trong văn học dân gian…”, thì nay những kiến thức muốn truyền tải, cách đánh giá học sinh sẽ thay đổi qua việc sân khấu hóa. Cách đánh giá này toàn diện hơn. Học sinh vẫn đảm bảo việc đọc hiểu văn bản, vừa ghi nhớ, vừa thể hiện qua lời thoại, diễn xuất, khơi gợi sự sáng tạo của các em ở nhiều phương diện, phát huy sở trường của từng em…” .