Gắn việc học với thực tiễn
Với mục tiêu đổi mới GD theo định hướng phát triển năng lực HS,mới đây, Trường Tiểu học Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức cho HS tham gia chương trình GD di sản tìm hiểu về nền GD xưa tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các em rất thích thú, hào hứng tìm hiểu về lịch sử thông qua các hoạt động trải nghiệm. Chương trình đã giúp các em có thêm hiểu biết về GD xưa, cũng như truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Cô Hoàng Hồng Hoa, GV chủ nhiệmlớp 5C, Trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết: “Đã nhiều lần tôi cho HS đi tham quan các di tích và bảo tàng, nhưng lần này tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham gia chương trình GD di sản, tôi thấy chương trình rất hấp dẫn và thú vị…Tham gia chương trình giáo dục di sản tìm hiểu về nền GD xưa giúp HS hiểu được ngày xưa học trò học hành có quy củ thế nào, học sách gì, viết chữ gì. Từ đó, các con sẽ mở rộng hiểu hơn về đạo học, sự quan trọng của đạo học, một trong những điều vô cùng cần thiết trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh ngày nay...”.
Học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo được coi là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua làm, học giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống ngay trong lớp, trong trường. Đây là phương pháp thực sự ưu việt giúp học sinh phát huy tính tự chủ, tích cực, sáng tạo và tập thể; giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành và phát triển các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục.
Ảnh minh họa |
Đề cao tính chủ động ở trẻ
Trái ngược với cách GD di sản khô cứng ở Việt Nam, GD di sản ở nhiều nước luôn đề cao tính chủ động trải nghiệm ở trẻ em. Tùy điều kiện từng địa phương và đặc thù từng bậc học, cấp học mà mỗi trường có một cách kết hợp những hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học cho phù hợp.
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường Tiểu học Minh Khai B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động cho HS như: Cho các em đi thực tế tại làng nghề gốm Bát Tràng, các trang trại GD… Tại đây, các em được trực tiếp tham gia các bước để hoàn thiện một tác phẩm đồ gốm, một bức tranh dân gian, nhiều em có những sáng tạo trong thể hiện, nhiều tác phẩm tiêu biểu được nhà trường chọn lọc trưng bày tại góc cộng đồng trong các lớp học.
Trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động không phải mới nhưng phụ huynh còn chưa ý thức đầy đủ về chương trình trải nghiệm nên có những lo lắng, băn khăn. Cô Nguyễn Thị Như Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai B chia sẻ: “Nhiều phụ huynh khi biết con mình được tham gia chương trình trải nghiệm của nhà trường, đến gặp chúng tôi trăn trở, lo lắng vì con em họ từ trước đến nay đi đâu, làm gì cũng có ông bà, bố mẹ đưa đón. Giờ đi lại đông thế liệu có hiệu quả gì không?
Trải nghiệm sáng tạo không phải là tham quan dã ngoại, chúng tôi thực hiện chặt chẽ theo đúng kế hoạch, quy trình xuyên suốt đó là làm sao để các em rèn được tính tự lập, độc lập, làm chủ thể trong các hoạt động, từ đó rèn luyện tinh thần đoàn kết, hoạt động tập thể, chia sẻ, có tư duy chủ động sáng tạo từ những tình huống nảy sinh trong cuộc sống”.