Khởi động cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2018-2019 - khuyến khích HS quan tâm các vấn đề cuộc sống

GD&TĐ - Với chủ đề Khoa học tạo ra sự đổi mới, cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 đã chính thức khởi động với lễ khai mạc cuộc thi khu vực phía Bắc diễn ra chiều nay 9/3 tại Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.

Học sinh tự tin thuyết trình các đề tài
Học sinh tự tin thuyết trình các đề tài

Cuộc thi có sức lan tỏa lớn

Chiều nay 9/3 tại Hà Nội, diễn ra lễ khai mạc cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc.

Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các Sở, ban ngành thành phố Hà Nội, đại diện Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh đến từ các đơn vị trường học khu vực phía Bắc tham dự cuộc thi.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2018-2019 là năm thứ 7 Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã thu hút được đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với 481 dự án ở 21 lĩnh vực, 896 học sinh tham dự.

Thứ trưởng mong muốn, thông qua hoạt động này, sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.

Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc (dành cho học sinh từ Thừa Thiên Huế trở ra) có 252 dự án của 487 học sinh (THPT có 198 dự án với 377 học sinh, THCS có 54 dự án của 110 học sinh) thuộc 20 lĩnh vực từ  tham gia. Cuộc thi sẽ diễn ra từ 9/3 đến ngày 12/03/2019. Trong khuôn khổ Cuộc thi sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú.

Đặc biệt, cuộc thi năm nay đã thu hút, tập hợp được hàng trăm nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Nhiều trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao phần thưởng và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đạt giải.

Mở hướng phát triển mới cho học sinh phổ thông

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) thu hút hàng ngàn học sinh tham gia; đã cử học sinh tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) và các cuộc thi, hội trợ, triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học, kỹ thuật và thu được những kết quả khả quan.

Liên tục trong các cuộc thi Intel ISEF ở Hoa Kỳ những năm vừa qua, học sinh Việt Nam đã khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học, kĩ thuật ở tầm quốc tế: Năm 2012 đoạt giải Nhất; năm 2013 đoạt 2 giải Tư; năm 2014 đoạt 2 giải Tư và 1 giải đặc biệt; năm 2015 đoạt 1 giải Tư và 1 giải đặc biệt; năm 2016 đoạt 4 giải Ba; năm 2017 có 1 giải Ba; 4 giải Tư và 4 dự án đoạt giải đặc biệt; năm 2018 có 1 giải Ba và 1 giải đặc biệt.

Tỉ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 26% của Intel ISEF. Bên cạnh đó, học sinh của chúng ta cũng đạt nhiều giải, nhiều huy chương khi tham dự các cuộc thi, triển lãm sáng tạo khoa học của khu vực và quốc tế.

Tại những Cuộc thi này, từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài cho thấy nhiều em đã thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của các em đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề này nảy sinh trong thực tiễn. Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông.

Đối với học sinh, nghiên cứu khoa học kỹ thuật khuyến khích các em quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, liên hệ kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; góp phần giáo dục STEM và tạo nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp trong tương lai.

Đối với các cơ quan quản lý và các nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của các em học sinh đã góp phần tạo lập được mối liên hệ, đưa các nhà khoa học cùng các phòng thí nghiệm của các trường đại học, các viện nghiên cứu về gần với các trường phổ thông.

Cuộc thi đã tạo điều kiện để các nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học, các viện nghiên cứu gặp gỡ các em học sinh phổ thông, hướng dẫn các em tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và truyền lửa cho thế hệ sau.

Qua đó thực hiện một cách sinh động phương châm của giáo dục hiện đại: học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Hoạt động này cũng góp phần tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học; góp phần hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Một số hình ảnh tại lễ khai mạc:

Các đội tự giới thiệu

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày

Học sinh tự tin thuyết trình các đề tài

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày

Học sinh sự tin giới thiệu các sản phẩm khoa học do các em nghiên cứu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng cùng người dân Yên Bái xuyên đêm canh lũ.

Người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ

GD&TĐ - Tính đến sáng 9/9, bão số 3 đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, nước sông dâng cao liên tục khiến người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ.

Cổng Trời - Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: Phượng Vũ.

Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang

GD&TĐ - Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, thuộc ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, người dân địa phương thường gọi di tích trên là 'Cổng Trời'.

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.