Hoạt động tình nguyện của sinh viên: Từ giảng đường đến cuộc sống

GD&TĐ - Tại Mỹ, Anh hay Trung Quốc, hoạt động tình nguyện là một phần của chương trình giáo dục phổ thông và đại học.

Sinh viên Mỹ làm tình nguyện viên tại viện dưỡng lão.
Sinh viên Mỹ làm tình nguyện viên tại viện dưỡng lão.

Sinh viên làm tình nguyện không chỉ hỗ trợ cộng đồng, mà còn tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, tạo dựng tên tuổi cho các cơ sở giáo dục.

Học qua phục vụ cộng đồng

Từ tháng 12/2022, học sinh Trường Riviera Ridge, bang California, Mỹ, cùng nhau tiến hành dự án “Nhận nuôi Gia đình”. Theo đó, mỗi lớp sẽ quyên góp tiền để mua nhu yếu phẩm, xếp thành giỏ quà đặc biệt và gửi tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới.

Nhà trường phối hợp với tổ chức từ thiện cộng đồng Casa Pacifica chọn ra những hoàn cảnh đặc biệt như người vô gia cư, gia đình có người thân mắc các bệnh hiểm nghèo không thể đóng góp thu nhập... và cùng chuẩn bị những món quà thiết thực.

Hiệu trưởng Chris Broderick cho biết: “Khi học sinh được tham gia vào các hoạt động tập thể, các em sẽ nhận ra sức mạnh của sự đoàn kết và giá trị của cộng đồng trong việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Làm từ thiện từ khi còn nhỏ còn giúp nuôi dưỡng lòng bao dung và tinh thần thiện nguyện cho các em cho đến khi trưởng thành”.

Cộng đồng chính là trường học lớn nhất để mỗi tình nguyện viên vận dụng tri thức, kỹ năng giải quyết vấn đề và từ trải nghiệm thực tế đề xuất trở lại cơ sở đào tạo. Tại Mỹ, tình nguyện không chỉ là hoạt động, mà đã trở thành phương pháp giáo dục phổ biến trong chương trình phổ thông lẫn đại học (gọi là “service learning” - học thông qua phục vụ cộng đồng).

Đây là phương pháp giáo dục cân bằng giữa việc học và phục vụ cộng đồng. HSSV sẽ áp dụng kiến thức học thuật để giải quyết vấn đề hiện hữu của địa phương. Tại nhiều trường phổ thông, điều kiện tốt nghiệp là học sinh phải tích luỹ đủ số giờ hoạt động trong các tổ chức, câu lạc bộ cộng đồng nhằm ứng dụng những kiến thức đã học để xây dựng cộng đồng và đem những trải nghiệm thực tế trở lại làm giàu bài học. Từ đó, học sinh gia tăng ý thức trách nhiệm công dân, đánh giá bao quát hơn về môn học và làm tăng giá trị của hồ sơ, học bạ.

Sinh viên Mỹ tham gia hỗ trợ trồng cây tại địa phương.

Sinh viên Mỹ tham gia hỗ trợ trồng cây tại địa phương.

Phương pháp này phổ biến hơn tại các trường đại học, khi sinh viên đã theo đuổi các chuyên ngành riêng biệt. Đơn cử, sinh viên ngành Công tác xã hội có thể tham gia làm tình nguyện viên tại các viện dưỡng lão, khu vực hành chính công tại địa phương. Sinh viên ngành Môi trường học tham gia các hoạt động vệ sinh khu phố, trồng cây gây quỹ tại địa phương...

Tại Mỹ, các trường phổ thông, đại học thường kết nối chặt chẽ với các tổ chức tình nguyện, cơ quan đoàn thể, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp... dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua cơ quan việc làm địa phương. Hàng năm, các trường sẽ phân loại hoạt động tình nguyện theo lĩnh vực như y tế, môi trường, kỹ thuật... hoặc theo chuyên ngành để HSSV lựa chọn hoạt động phù hợp với bản thân.

Sau khi đăng ký và được cơ sở chấp thuận, HSSV sẽ sắp xếp thời gian tham gia đảm bảo đủ số thời gian nhà trường quy định và hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng. Kết thúc hoạt động, HSSV sẽ viết bài thu hoạch để báo cáo lại những kết quả đã đạt được trong quá trình tham gia tại cộng đồng và kiến nghị cho nhà trường.

Một số hoạt động tình nguyện phổ biến tại Mỹ hiện nay như: Gia sư, chăm sóc động vật hoang dã; làm việc tại viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người khuyết tật, làm việc tại bảo tàng, thư viện, khu bảo tồn thiên nhiên...

Sinh viên Trường ĐH Phúc Đán tình nguyện giảng dạy tại Trường Trung học Waming, Khu tự trị Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc.

Sinh viên Trường ĐH Phúc Đán tình nguyện giảng dạy tại Trường Trung học Waming, Khu tự trị Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc.

Tình nguyện dạy học vùng xa

Tại Anh, theo thống kê của Liên đoàn Sinh viên quốc gia (NUS) vào năm 2014, có 1/3 sinh viên nước này dành thời gian rảnh để hoạt động tình nguyện. Thời gian làm tình nguyện trung bình là 44 giờ một năm. Trong đó, 78% sinh viên cho biết tham gia làm tình nguyện vì muốn hỗ trợ cộng đồng và cải thiện kỹ năng. Các em thường tham gia tổ chức hoạt động, sự kiện, gây quỹ hoặc giảng dạy.

Hàng năm, Anh tổ chức “Tuần lễ Sinh viên tình nguyện quốc gia” nhằm kỷ niệm và khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Tuần lễ mở đầu bằng hoạt động “Ngày việc tốt”, nơi sinh viên có thể kết nối với hơn 100 chương trình đang tìm tình nguyện viên trong và ngoài nước.

Ngoài việc khuyến khích sinh viên đăng ký vào các hoạt động tình nguyện địa phương, các trường đại học tự xây dựng nguồn kinh phí và tổ chức chương trình tình nguyện.

Đơn cử, Trường Đại học Brighton tổ chức chương trình hợp tác với các cơ sở y tế địa phương. Theo đó, nhà trường sẽ cử sinh viên đến hỗ trợ các cơ sở y tế như kiểm tra bệnh nhân, làm thông dịch viên y tế, xử lý nhiệm vụ hành chính... Từ đó, sinh viên có cơ hội thực hành vận dụng kiến thức được học trong nhà trường vào thực tế, trau dồi kỹ năng mềm...

Về phía nhà trường, các hoạt động tình nguyện giúp nâng cao vị thế trong địa phương, đồng thời, thu hút đông đảo sinh viên quốc tế. Sinh viên nước ngoài đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tình nguyện trong nhà trường vì họ muốn kết nối với văn hóa Anh. Các cơ sở giáo dục tổ chức tốt và mạnh hoạt động tình nguyện cũng sẽ là điểm cộng thu hút sinh viên nước ngoài, góp phần quốc tế hóa giáo dục.

Ngoài ra, hoạt động tình nguyện cải thiện và củng cố quan hệ giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, cơ quan địa phương, từ đó, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hoạt động tình nguyện cũng được các trường đại học Trung Quốc quan tâm triển khai. Đơn cử, từ năm 1999, Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đã cử sinh viên tình nguyện đến giảng dạy tại các trường phổ thông ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn thiếu giáo viên. Thời hạn tình nguyện là một năm, thường bắt đầu từ tháng 6 hàng năm.

Đối với các trường tại thành thị, việc gửi sinh viên tình nguyện đến khu vực khó khăn là một hình thức giáo dục đổi mới. Sinh viên phải học cách thích nghi với môi trường địa phương, vượt qua những khó khăn không bao giờ gặp phải ở thành thị. Tri thức của các em còn góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng cao dân trí và nhận thức cho người dân vùng nông thôn.

Để khuyến khích sinh viên tham gia tình nguyện, các trường đại học cũng có nhiều chính sách ưu tiên, khen thưởng phù hợp. Với Trường ĐH Phúc Đán, sinh viên làm tình nguyện được tuyển thẳng vào chương trình cao học mà không cần tham gia thi tuyển. Điều đáng nói, kỳ thi cao học tại nước này hiện nay rất cạnh tranh và khắt khe.

Kết thúc thời gian tình nguyện tại một trường trung học ở phía Tây Trung Quốc, Hou Yujing, 23 tuổi, sinh viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Phúc Đán, bày tỏ: “Một số người nói rằng tôi đã lãng phí một năm ở thị trấn nghèo nhưng tôi không hối tiếc. Trải nghiệm này sẽ giúp ích cho tôi trong suốt quãng đời còn lại. Nếu có cơ hội thứ hai, tôi chắc chắn sẽ đăng ký”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ