Hoạt động tình nguyện của sinh viên: Thừa bề nổi, thiếu chiều sâu

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học lấy hoạt động tình nguyện làm tiêu chí để đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên.

Sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum bồi dưỡng kiến thức tiếng Anh cho học sinh vùng khó. Ảnh: Nguyễn Dung
Sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum bồi dưỡng kiến thức tiếng Anh cho học sinh vùng khó. Ảnh: Nguyễn Dung

Điều đó phần nào khiến hoạt động này mang tính hình thức, phong trào, thiếu chiều sâu, chưa tạo ra giá trị thực cho cộng đồng.

Lãng phí nhân lực

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới, thí sinh hầu như không phải di chuyển xa, nhu cầu nhà trọ, đưa đón theo đó đã giảm đi rất nhiều. Thế nhưng, cách thức tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi vẫn không có nhiều thay đổi.

Anh A Xây, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, cho biết: “Những năm trước, số lượng tình nguyện viên của chương trình “Tiếp sức mùa thi” ở mỗi điểm thi trên 30 người. Vì đông nên không tránh khỏi tình trạng tình nguyện viên chưa làm hết năng lực…”. Ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020, Quảng Nam đã không thực hiện các hoạt động “Tiếp sức mùa thi” như trao nước uống, khẩu trang… cho thí sinh trước các cổng trường như trước.

Lý giải cho sự thay đổi này, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam thời điểm đó, cho biết: Ban chỉ đạo thi đón nhận sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân qua cách khác vì không ai quản lý, kiểm soát dịch bệnh ở những người làm công tác này. Khi thí sinh rời phòng thi, các tình nguyện viên chia nhau đón ngay tại cổng trường để gửi nước uống, nhưng rất nhiều thí sinh đã từ chối không nhận. Có một số điểm thi tại các địa phương, điểm Tiếp sức mùa thi còn có cả bánh bao, bánh mì… nhưng ít thí sinh có nhu cầu.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện, Tỉnh đoàn Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị rà soát, lựa chọn những tình nguyện viên thật sự nhiệt tình và có trách nhiệm. Đồng thời, phân bổ lực lượng hợp lý, tránh tình trạng tình nguyện viên, sinh viên… đông nhưng ít việc và không mang lại hiệu quả.

Chị Đỗ Hoàng Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, cho rằng một số sinh viên khi tham gia chương trình tình nguyện chỉ để lấy điểm rèn luyện và điểm hoạt động cộng đồng. “Tuy mục tiêu ban đầu không vì lợi ích cộng đồng, nhưng khi sinh viên được trải nghiệm, tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn sẽ cảm nhận được cái khó, khổ của người dân. Từ đó, sẽ thấu hiểu, sẻ chia với bà con ở vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”, chị Hải kỳ vọng.

PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, cho rằng, thách thức của công tác tình nguyện hiện nay là nhiều hoạt động chưa thực sự mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. “Để tổ chức hoạt động tình nguyện, các đơn vị thường phải cân đối giữa 2 nhóm mục tiêu: Sinh viên được trải nghiệm, sáng tạo và để lại giá trị bền vững cho đối tượng thụ hưởng của hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đạt được cả 2 tiêu chí này trong tổ chức hoạt động tình nguyện”.

Rất nhiều cơ sở đoàn, trong đó có cả cơ sở của các đơn vị trường học, khi triển khai hoạt động Tình nguyện hè thường chọn các nội dung như cải tạo tuyến đường, kênh mương, trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải… nhưng sau một thời gian, các công trình này trở lại nguyên trạng ban đầu.

Theo quan điểm của PGS.TS Lê Văn Huy, để tăng tính trải nghiệm cho sinh viên và tạo được giá trị thực sự cho cộng đồng, các chương trình tình nguyện cần gắn với chuyên môn. Thế nhưng, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chọn cách làm “truyền thống” như sinh viên giúp bà con thu hoạch ngô, lúa hoặc đổ bê tông làm đường khi tổ chức hoạt động tình nguyện hè.

Tỉnh đoàn Kon Tum rà soát, lựa chọn những tình nguyện viên nhiệt tình và có trách nhiệm để tham gia “Tiếp sức mùa thi”. Ảnh: Nguyễn Dung

Tỉnh đoàn Kon Tum rà soát, lựa chọn những tình nguyện viên nhiệt tình và có trách nhiệm để tham gia “Tiếp sức mùa thi”. Ảnh: Nguyễn Dung

Bài toán kinh phí

Theo anh A Xây những năm dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác vận động nguồn lực đầu tư và hỗ trợ cho hoạt động xã hội, phong trào tình nguyện vì thế cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Ngoài ra, lực lượng các cấp bộ Đoàn mỏng, chủ yếu làm công tác chuyên môn nên khi tổ chức hoạt động tình nguyện phải kêu gọi sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên tại chỗ.

Nguyễn Hoàng Sơn (sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Để có kinh phí cho công trình láng xi măng sân chơi của điểm trường Cheng Tong tại Nam Trà My, Quảng Nam, Liên chi đoàn Khoa Cơ khí đã đứng ra kêu gọi các bạn đoàn viên chung tay góp quỹ. Khoảng 100 sinh viên đã bán kẹo hàng đêm để có quỹ cho hoạt động thiện nguyện này. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính của các thầy, cô giáo trong khoa. Một số đoàn viên đảm nhận luôn phần thi công tại điểm trường Cheng Tong.

Để thực hiện các chương trình tình nguyện, theo Nguyễn Hoàng Sơn, Liên chi đoàn đều khảo sát thực tế để xây dựng kế hoạch phù hợp. Như chương trình “Nắng về trên bản” tại nóc Tu Nương, xã Trà Tập, ngoài tặng nhu yếu phẩm cho bà con, áo ấm cho học sinh, đoàn còn tổ chức trò chơi cùng các em nhỏ, tặng đèn năng lượng mặt trời và làm hàng rào cho điểm trường Tu Nương với tổng giá trị 48 triệu đồng.

“Em thấy tham gia hoạt động tình nguyện, sinh viên được trải nghiệm về vốn sống, văn hóa vùng miền, được đến những vùng đất mà trong điều kiện bình thường, có khi mình ít khi nghĩ đến. Nhưng quan trọng hơn cả, sinh viên có cơ hội để rèn luyện các kỹ năng sống như làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, xây dựng kế hoạch…”, Sơn cho biết.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy, về lâu dài, nên huy động nguồn lực tình nguyện bằng các hoạt động gắn với lĩnh vực chuyên môn, vừa để khởi nghiệp vừa để gây quỹ để triển khai các hoạt động tình nguyện. Dù sinh viên tham gia các chương trình tình nguyện đều phải có những hoạt động gây quỹ như bán hàng, làm đồ handmade… nhưng vẫn có sự hỗ trợ tài chính từ Đoàn trường và nhà trường. Với sinh viên Trường Kinh tế thì việc xây dựng dự án tài chính, bán hàng… cũng là một trải nghiệm để vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế…

Nguyễn Khánh Uyên, sinh viên năm thứ nhất, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Từ chiến dịch gây quỹ cho chương trình thiện nguyện, chúng em đã biết sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các hoạt động như bán hàng, tổ chức đêm nhạc, xác định tệp khách hàng hướng tới… Nhiều ý nghe qua có tính khả thi cao nhưng khi triển khai trong thực tế mới thấy không như hình dung. Đây cũng là kinh nghiệm bổ ích cho những dự án hoạt động tình nguyện sau này của chi đoàn…”.

Chị Hoàng Hải chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị để các chương trình tình nguyện đi vào chiều sâu: “Hoạt động tình nguyện bên cạnh mục đích vì cộng đồng còn giúp các bạn ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Trong những chuyến đi dài ngày, sinh viên ngành Sư phạm phối hợp với địa phương tổ chức dạy, luyện chữ cho học sinh dân tộc thiểu số. Những bạn học về kỹ năng mềm, giao tiếp có thể hướng dẫn cho các em nhỏ hoặc phổ biến cho người dân vùng sâu, vùng xa về chuyển đổi số…

PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng: “Lý tưởng nhất là các hoạt động tình nguyện phải được thực hiện đến cùng, tạo ra kết quả thực. Khi hoạt động còn dang dở, chưa có kết quả mà không thể thực hiện được tiếp thì phải kết hợp với thanh niên tại địa phương để tiếp tục hỗ trợ để hoạt động tạo được giá trị cho cộng đồng. Do vậy, cần ưu tiên những hoạt động tình nguyện gắn với chuyên ngành của trường để đạt được kết quả tốt nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ