Hoạt động tình nguyện của sinh viên: Bản làng thay đổi

GD&TĐ - Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh hay Phong trào tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới đã và đang là sân chơi lớn để sinh viên rèn luyện.

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Từ trải nhiệm cuộc sống ấy, nhiều bạn sinh viên đã trưởng thành, dấn thân nhiều hơn cho cộng đồng và góp phần “thay da đổi thịt” cho các vùng quê nghèo.

Dấn thân vì cộng đồng, khát vọng tuổi trẻ

Với sinh viên, hoạt động tình nguyện đã ngày càng trở nên quen thuộc và gần gũi khi hàng năm Đoàn trường, Hội Sinh viên đều tổ chức rất nhiều sân chơi tình nguyện để mỗi người có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện bản lĩnh cho mình.

Trong hàng loạt các hoạt động vì xã hội, cộng đồng thì chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện hay Phong trào tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới luôn thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên.

ThS Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết: Xuất phát từ mục tiêu đi để trưởng thành, đi để sẻ chia nên các hoạt động tình nguyện của nhà trường nhiều năm qua đều xuyên suốt hành trình để sinh viên về với vùng khó ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Phước hay Đồng Nai.

“Mỗi năm một địa chỉ khác nhau nhưng điểm chung nhà trường mong muốn sinh viên đặt chân tới là những bản làng xa xôi, vùng đất còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Việc cho sinh viên sống, làm việc, trải nghiệm tại những nơi còn nhiều khó khăn sẽ cho các em thấy nhiều hơn giá trị của cuộc sống.

Quan trọng hơn, thông qua các hoạt động tình nguyện, sự dấn thân và tận hiến sức trẻ, các em sẽ tạo nên những công trình cho các vùng khó như các công trình cầu, đường, trường trạm… giúp kinh tế địa phương phát triển, việc học hành của học sinh bớt nhọc nhằn hơn”, ThS Cường nói.

Có hoạt động tình nguyện gắn bó và xuyên suốt nhiều năm qua với tỉnh Phú Yên, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn hàng năm huy động hàng trăm sinh viên tình nguyện tham gia nhiều mặt trận Mùa hè xanh hay Xuân tình nguyện với nhiều hình thức cụ thể như mở đường, bê tông hóa đường nông thôn, xây cầu, sơn sửa thay “áo mới” cho các trường học vùng khó với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, sau 4 năm gắn bó và triển khai nhiều hoạt động tình nguyện tại tỉnh Phú Yên, sự tươi mới trong bộ mặt các huyện, địa phương, trường lớp nơi các đoàn sinh viên tình nguyện nhà trường đóng quân là vô cùng rõ nét. Các bãi biển đầy rác ở các điểm du lịch của tỉnh mỗi năm đều được thay áo mới bằng các hoạt động thực tế như dọn rác, tuyên truyền khẩu hiệu sống xanh, môi trường xanh của sinh viên. Hay việc vẽ tranh xanh hóa trường học, bê tông hóa đường làng, xây cầu cho bà con cũng được sinh viên nhà trường triển khai qua từng mùa chiến dịch.

“Như năm trước, sinh viên tình nguyện của trường ngoài việc xây dựng 2 cây cầu nông thôn cho học sinh vùng xa thuận lợi đến trường, các em còn thực hiện chỉnh trang, sửa chữa trường lớp, dạy học và dạy bà con phát triển kinh tế, trồng trọt… Những hành động tuy nhỏ nhưng dấu ấn sinh viên tình nguyện tại các bản làng, huyện vùng xa trên địa bàn tỉnh là rất đậm nét… Chính điều đó đã thôi thúc và giúp Ban giám hiệu nhà trường cũng như sinh viên mỗi khi tới dịp là lại xuất quân tình nguyện”, TS Lâm nói.

Bị gián đoạn hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh một năm do tập trung lực lượng phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, năm nay sinh Trường ĐH Y Dược TPHCM được quay trở lại với hoạt động tình nguyện ở nhiều địa phương dưới nhiều hình thức. Bạn Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội Sinh viên, cho biết, năm nay, trường có 12 đội hình, đóng quân tại 3 tỉnh là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và các đội hoạt động tại TPHCM.

“Ngoài chuỗi chương trình tập huấn sơ cấp cứu, sinh viên sẽ làm những công trình như khám, phát thuốc miễn phí, tổ chức ngày hội thiếu nhi, các lớp dạy tiếng Anh trong hè, các lớp học về kỹ năng như vệ sinh răng miệng, rửa tay... cho học sinh tiểu học, lớp học về sức khỏe sinh sản và lớn lên an toàn cho học sinh THCS; thực hiện 2 cuốn cẩm nang dinh dưỡng học đường và dinh dưỡng cho người bệnh mạn tính… cùng nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác như dạy học, chỉnh trang trường lớp, đường làng” - Thùy Dung cho biết.

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong hoạt động tình nguyện Tiếp sức mùa thi.

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong hoạt động tình nguyện Tiếp sức mùa thi.

Tự tin và trưởng thành hơn

Nhìn nhận dấu ấn sức trẻ và sự cống hiến của sinh viên thông qua các hoạt động tình nguyện đã làm thay đổi rất lớn bộ mặt các vùng nông thôn nghèo, vùng kinh tế khó khăn trong 10 năm qua, anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, cho rằng, các cấp bộ Đoàn, Hội Sinh viên cả nước cần tiếp tục thúc đẩy hoạt động trên, cũng như hướng sinh viên, giới trẻ vào các hoạt động nhiều ý nghĩa vì cộng đồng.

“Chỉ tính riêng phong trào “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” sau 10 năm thực hiện các cấp bộ Đoàn cả nước đã huy động nguồn lực xã hội làm mới hàng nghìn km đường nông thôn, thắp sáng hơn 15 nghìn km đường thôn bản, xây mới hơn 2.500 cây cầu dân sinh, hơn 1.000 nhà văn hóa thôn, hơn 56.000 nhà vệ sinh, thành lập mới hơn 1.000 hợp tác xã thanh niên, trồng hoa, cây xanh ở hàng vạn tuyến đường…

Đó là chưa tính tới công trình vì cộng đồng, vì xã hội, bản làng của sinh viên tình nguyện ở các chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện… cũng rất nhiều. Những công trình tình nguyện trên 10 năm qua đã góp phần rất lớn vào thành tựu xây dựng nông thôn mới của đất nước. Quan trọng hơn nó chính là bước đệm để giúp các bạn trẻ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với cộng đồng, tự tin và trưởng thành hơn qua từng dấu chân tình nguyện mình đã đi qua” - anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh.

Là người tham gia chiến dịch Mùa hè xanh 3 năm từ khi bước chân vào đại học, Lê Thúc Thùy Linh, sinh viên ngành Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhìn nhận: Việc được sống cùng người dân, được làm việc ở những nơi khó khăn nhất của đất nước, được tận mắt thấy sự vất vả của người dân những vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, những người theo học ngành Nông học như em mới thấy giá trị lớn lao ngành mình đang theo học.

“Những điều mình giúp bà con chỉ là những kiến thức mình được học, nhưng sau mỗi kết quả thu được nó khiến mình rất hạnh phúc. Đó có thể là những kiến thức cơ bản trong trồng trọt, là những kỹ năng chuẩn trong canh tác, hay là ứng dụng một chút thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất. Dù nhỏ thôi, nhưng với mình nó lớn và giá trị vô cùng. Bởi chính sự trải nghiệm thực tế, thấy được mọi khó khăn vất vả của người dân, trẻ em ở những nơi mình đặt chân đến đã giúp bản thân đúc kết được những bài học vô cùng giá trị về cuộc sống”, Thùy Linh nói.

Là người chỉ huy và tham gia xuyên suốt 4 mùa chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại Phú Yên hay Đội hình tình nguyện Phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM và Bình Dương, ThS Huỳnh Trọng Hiếu - Trưởng phòng Công tác HSSV Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết, anh may mắn và thấy bản thân trưởng thành hơn qua từng mùa chiến dịch tình nguyện.

“Cái may mắn nhất mà một người trẻ như tôi có được chính là những trải nghiệm lớn cho bản thân từ cuộc sống. Sự trải nghiệm ấy có thể là những buổi chiều lưng áo ướt đẫm mồ hôi cùng các chiến sĩ trên những con đường làng được đội hình triển khai bê tông hóa, là những buổi sáng ngâm mình dưới lòng suối lạnh dựng từng trụ cột vẽ nên hình hài một cây cầu, là những ám ảnh, đau thương khi dấn thân vào giữa tâm dịch Covid-19…

Nhưng trên tất cả đó là những trải nghiệm mà có lẽ không dễ gì tuổi trẻ chúng ta có được. Có đi, có sống và dấn thân, bản thân Hiếu và các bạn sinh viên mới thấy yêu quê hương đất nước mình nhiều hơn, đoàn kết với nhau hơn và lớn hơn cả là mọi người được cùng nhau trưởng thành qua từng bài học của cuộc đời”, ThS Huỳnh Trọng Hiếu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ