Hoạt động tình nguyện của sinh viên: Tìm giá trị đích thực từ thiện nguyện

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình nguyện, xung kích vì cộng đồng là hoạt động thiết thực với học sinh, sinh viên. 

“Gian hàng 0 đồng” của đoàn sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại xã Tiền Phong (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: NTCC
“Gian hàng 0 đồng” của đoàn sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại xã Tiền Phong (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Thông qua đó, các em được phát triển kỹ năng sống, năng lực nghề nghiệp và tạo ra những giá trị đích thực trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Gắn với chuyên môn đào tạo

Mới đây, gần 60 bác sĩ, sinh viên của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã tham gia Chương trình tình nguyện tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Tại đây, đoàn đã tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và chăm sóc sức khỏe cho 250 người cao tuổi.

Đoàn tình nguyện của Học viện cũng trao tặng 15 suất quà cho 15 hộ gia đình chính sách, 50 suất quà cho 50 học sinh nghèo vượt khó; đồng thời hỗ trợ xây dựng vườn cây thuốc nam tại Trạm y tế xã Xuân Lạc và xây dựng 2 điểm công trình thanh niên phục vụ xử lý môi trường trên địa bàn xã.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - nhấn mạnh, đây là hoạt động xã hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tình nguyện xung kích vì cộng đồng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, y bác sĩ và sinh viên của Học viện. Đáng nói hoạt động này còn gắn với chuyên môn, thế mạnh mỗi người.

“Điều quan trọng là, thông qua hoạt động này, các em sẽ trưởng thành hơn, phát triển các kỹ năng mềm và rèn luyện y đức của mình…”, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy minh chứng: “Sinh viên sẽ được trực tiếp khám bệnh cho người dân, biết cách kê đơn thuốc và hướng dẫn bệnh nhân điều chuyển viện lên tuyến trên (nếu cần). Qua các hoạt động thực tế, các em được bổ sung nhiều kiến thức từ thực tiễn. Việc này giúp ích rất nhiều cho học tập và công việc sau này…”; Đồng thời mong muốn, sinh viên Học viện phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ để có những việc làm tốt, ý nghĩa cho cộng đồng.

Là người trực tiếp tham gia nhiều đợt khám chữa bệnh cho người dân theo chương trình tình nguyện, TS Trần Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, nhận thấy, ở vùng sâu, vùng xa, lực lượng bác sĩ tại chỗ còn thiếu. Do đó, khi biết có đoàn khám chữa bệnh miễn phí đến nơi, chính quyền và bà con nhân dân rất vui và phấn khởi. Vì thế, ngoài mục đích phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, hoạt động tình nguyện còn giáo dục sinh viên sống có lý tưởng, hoài bão biết sống vì mọi người và cộng đồng.

“Quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ làm gia tăng giá trị nhân văn, tình cảm của thầy thuốc với người bệnh. Đây cũng là cơ hội rèn luyện y đức, gắn với sự nghiệp y tế của người thầy thuốc. Thông qua các hoạt động tình nguyện, nhiều thầy thuốc trẻ sau khi tốt nghiệp tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã xung phong về công tác tại các vùng sâu, vùng xa của các tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai…” - TS Trần Anh Tuấn thông tin.

Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam hướng dẫn người dân thăm khám trong Chương trình tình nguyện tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ảnh: NTCC

Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam hướng dẫn người dân thăm khám trong Chương trình tình nguyện tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Ảnh: NTCC

Hoàn thiện kiến thức, kỹ năng

“Đông ấm 2022” là chương trình thiện nguyện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến với học sinh nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Điểm đến là xã vùng cao Tiền Phong (Đà Bắc, Hòa Bình). Chương trình đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia và tạo được hiệu ứng tích cực. TS Lê Thị Kim Thư, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Trưởng Đoàn thiện nguyện, cho hay: Đoàn đã tặng nhiều phần quà cho thầy, trò Trường Tiểu học Tiền Phong, gồm smart tivi, sách, vở, truyện, đồ dùng học tập…

Trong khuôn khổ chương trình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, cung cấp quần áo, giầy dép, nhu yếu phẩm cho người dân địa phương. “Hoạt động tình nguyện, xung kích vì cộng đồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên tham gia để bồi dưỡng, phát triển kỹ năng sống và phát triển chuyên môn nghiệp vụ. Đây cũng là hình thức học từ trải nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Phương pháp này hiệu quả cao hơn nhiều so với học lý thuyết, với ý tưởng trên giấy bút…”, TS Lê Thị Kim Thư trao đổi.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học coi hoạt động tình nguyện vì cộng đồng là một trong những điểm cộng để xét tuyển đầu vào. Đơn cử năm 2022, một số trường đại học đã bổ sung tiêu chí như hoạt động xã hội, văn thể mỹ… để xét tuyển đầu vào thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào điểm số như các năm trước. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn nhận đây là dấu hiệu tích cực trong công tác tuyển sinh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, thành công của mỗi cá nhân không chỉ nằm ở kiến thức, mà còn ở các kỹ năng, năng lực và nhiều yếu tố khác. Vì thế, bất kỳ đóng góp nào cho xã hội đều trân quý. Từ việc tham gia chiến dịch Mùa hè xanh cho đến các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng tại địa phương... tất cả những đóng góp của sinh viên đều đáng trân trọng và là “điểm cộng”.

“Ngoài chính sách tuyên dương khen thưởng, tôi cũng mong các cơ sở đào tạo nên bổ sung tiêu chí về hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng là một trong những “điểm thưởng” để xét tốt nghiệp cho người học…”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu vấn đề.

Đến từ vùng núi Kỳ Sơn (Nghệ An), Lầu Hương Giang, sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: Em từng tham gia nhiều hoạt động xã hội từ khi còn là học sinh THPT. Việc tham gia hoạt động tình nguyện đã giúp nữ sinh người dân tộc Mông trưởng thành và “cứng cáp” hơn. Nhờ đó, Hương Giang nhanh chóng hòa nhập với môi trường đại học và sớm thích nghi với cuộc sống xa gia đình nơi đô thị.

Hương Giang khẳng định khi tham gia tình nguyện vì cộng đồng, em được “bổ túc” nhiều kỹ năng sống. Những chỉ dẫn và cách xử lý tình huống phát sinh của thầy, cô giáo và các anh/chị đoàn viên thành niên đã giúp em tự tin hơn rất nhiều. Em không còn bỡ ngỡ khi gặp các sự cố bất ngờ trong cuộc sống; Học được cách quan sát, ứng xử giao tiếp, kỹ năng tặng quà, cách tổ chức sắp xếp công việc, học tập của cá nhân…

Là học sinh lớp 12, dù bận rộn trong học tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển vào đại học, song Trần Thị Minh Phương (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện do trường, lớp và địa phương phát động. Từ hoạt động này, Minh Phương mong muốn sẽ phát triển nhiều kỹ năng mềm để không bị bỡ ngỡ và lạc lõng khi học đại học. Em cũng mong muốn, các trường đại học và cơ quan quản lý giáo dục có chính sách ưu tiên về cộng điểm cho những học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.