Hoàng gia Nhật Bản đau đầu vì chuyện kế vị

Hoàng tử bé Hisahito, năm nay 10 tuổi, có thể là Thiên hoàng cuối cùng của Hoàng gia Nhật Bản nếu không có những thay đổi về luật kế vị.

Hoàng tử bé Hisahito cùng cha mẹ và hai chị. Ảnh: AP
Hoàng tử bé Hisahito cùng cha mẹ và hai chị. Ảnh: AP

Sau khi hoàng tử Hisahito ra đời năm 2006, chấm dứt 41 năm hoàng gia Nhật không có thêm nam giới kế vị, chính phủ liền gạt bỏ đề xuất về việc để nữ giới thay thế.

Tuy nhiên, vấn đề trên được chú ý trở lại sau khi Thiên hoàng Akihito, 82 tuổi, nói bóng gió về ý định thoái vị khoảng 2 tháng trước và hiện chỉ 5 người có thể kế vị ông, trong đó có cháu trai duy nhất Hisahito.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi hồi tháng 8, Nhật hoàng Akihito cho biết ông lo lắng vấn đề tuổi tác có thể khiến mình khó hoàn thành các trọng trách.

Những lời này được cho là thể hiện mong muốn thoái vị của Thiên hoàng, một điều chưa từng có ở Nhật Bản hiện đại và hiện chưa được quy định trong luật pháp hiện hành.

Truyền thông Nhật Bản và giới quan sát cho hay Nhật hoàng Akihito từ lâu đã trăn trở về vấn đề thừa kế ngai vàng. “Là người đứng đầu Hoàng gia, Nhật hoàng cực kỳ lo lắng về nguy cơ hoàng gia sẽ biến mất” – một phóng viên kì cựu của Nhật Bản, đề nghị giấu tên vì tính nhạy cảm của sự việc, cho hay.

Hoang gia Nhat Ban dau dau vi chuyen ke vi - Anh 1

Hoàng tử bé Hisahito. Ảnh: REUTERS

Vào năm 2005, khi hy vọng về việc Thái tử Naruhito hay Hoàng tử Akishino có con trai nhạt dần, một nhóm các chuyên gia đề xuất rằng con trưởng của thiên hoàng có thể kế thừa ngôi vị bất kể giới tính. Thủ tướng Nhật khi đó, ông Junichiro Koizumi, cam kết trình dự luật về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc Hoàng tử bé Hisahito, con trai của Hoàng tử Akishino và Công nương Kiko, ra đời đã khiến đề xuất trên rơi vào quên lãng. Đến gần đây, nó lại thu hút sự chú ý.

Hoàng tử bé Hisahito có thể không chỉ là người kế vị ngai vàng cuối cùng mà còn là thành viên cuối cùng của hoàng gia vì theo luật pháp hiện hành, các công chúa sau khi kết hôn sẽ trở thành thường dân.

“Trong một số thời điểm, một cuộc đại phẫu thuật là điều cần thiết. Chúng ta đã đến giai đoạn không thể sử dụng băng cá nhân để điều trị” – giáo sư Naotaka Kimizuka của Trường ĐH Kanto Gakuin nhận định.

Tuần tới, một ủy ban do Thủ tướng Shinzo Abe chỉ định sẽ bắt đầu cân nhắc vấn đề thoái vị. Truyền thông địa phương và các học giả cho rằng chính phủ dường như đang nghiêng về phương án để Thiên hoàng Akihito thoái vị và truyền ngôi cho Thái tử Naruhito.

Tuy nhiên, ông Hidehiko Kasahara, một chuyên gia về luật hoàng gia tại Trường ĐH Keio, dự đoán ủy ban trên sẽ không đề cập đến vấn đề người kế vị phải là nam giới - được phe bảo thủ xem là điều quan trọng trong truyền thống hoàng gia kéo dài 2.600 năm. “Lập trường của chính phủ là tránh những chủ đề như để nữ giới kế vị, vốn có thể gây chia rẽ dư luận” – Ông Kasahara nói.

Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Nhật Bản đồng ý để phụ nữ lên ngôi và truyền ngôi cho con cái. Tuy nhiên, phe bảo thủ lại là nguồn ủng hộ chính trị quan trọng của Thủ tướng Abe.

Ông Toshihiro Nikai, nhân vật số 2 trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, cho rằng quy tắc kế vị của hoàng gia có phần lạc hậu. “Trong thời đại phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng, thật lạ khi hoàng gia lại trở thành một ngoại lệ” – ông Nikai nhận định

Cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda thuộc đảng Dân chủ đối lập mới đây cũng kêu gọi quốc hội nên thảo luận về vấn đề số lượng thành viên ngày càng ít ỏi của hoàng gia cũng như chuyện thoái vị.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ