Trò chuyện cuối tuần

Hoàn thiện thể chế giáo dục với Luật Học tập suốt đời

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Luật Học tập suốt đời cần có những quy định bổ sung hướng tới khắc phục bất cập trong thể chế học tập suốt đời...

Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Ảnh: NTCC

“Luật Học tập suốt đời sẽ là cấu phần mới cần thiết và tất yếu của thể chế giáo dục; với vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt góp phần thực hiện sứ mệnh giáo dục trong bối cảnh mới” - đó là quan điểm của chuyên gia giáo dục TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

Bước phát triển trong thể chế

- Ông đánh giá thế nào về hiện trạng thể chế học tập suốt đời ở Việt Nam?

- Thúc đẩy học tập suốt đời luôn là một trong các quan điểm chỉ đạo của tiến trình đổi mới giáo dục Việt Nam gần 40 năm qua. Từ năm 1993, một trong các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là: “Thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân”.

“Với thực tế ban hành văn bản pháp quy và tổ chức thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập gần 40 năm qua, cùng các kinh nghiệm, khuyến nghị phong phú trên thế giới về học tập suốt đời, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy cho việc xây dựng Luật Học tập suốt đời.

Với định hướng xây dựng một luật chi tiết, vấn đề đặt ra là đánh giá đúng đắn và tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật học tập suốt đời thời gian qua, rút ra những quy định đã đi vào cuộc sống để luật hóa”.

Đến năm 1996, trong Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển GD-ĐT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, quan điểm chỉ đạo về học tập suốt đời được phát triển theo tiếp cận toàn chính phủ, xã hội trong việc tổ chức thực hiện.

Các quan điểm chỉ đạo nêu trên sớm được thể chế hóa trong Luật Giáo dục 1998, nhưng giới hạn trong giáo dục không chính quy với quy định: “Giáo dục không chính quy là phương thức giáo dục giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, suốt đời...”.

Đến Luật Giáo dục 2005, quy định về học tập suốt đời vẫn giới hạn trong giáo dục thường xuyên nhưng được bổ sung thêm quy định hướng tới xây dựng xã hội học tập: “Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập”.

Từ đó đến nay, học tập suốt đời nước ta gắn liền với sự phát triển thể chế xây dựng xã hội học tập trên cơ sở hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở. Nhìn từ góc độ đó, việc xây dựng thể chế học tập suốt đời của Việt Nam có những thành tựu cơ bản sau:

Một là, thể chế học tập suốt đời được từng bước cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, hướng tới hình thành các đặc trưng mong muốn của xã hội học tập, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng về học tập suốt đời, có tham khảo kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế về xã hội học tập;

Hai là, thể chế học tập suốt đời góp phần cùng các lĩnh vực giáo dục khác trong việc hình thành và không ngừng hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học; mở rộng mạng lưới giáo dục kể cả giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên khắp các vùng miền đất nước;

Ba là, thể chế học tập suốt đời đã thành công trong việc tạo dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện sáng kiến xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Đến nay, đã hình thành mạng lưới đầu tiên các cộng đồng học tập cấp xã, đơn vị học tập của các cơ quan hành chính. Hệ thống văn bản pháp quy về tiêu chí công nhận cộng đồng, đơn vị, công dân học tập cũng được ban hành và đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, mở đường cho việc tổ chức thực hiện học tập suốt đời phù hợp nhu cầu phát triển của mọi người.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

Nhất thiết có Luật Học tập suốt đời

- Bên cạnh các thành tựu, ông nhìn nhận thế nào với hạn chế, tồn tại về thể chế học tập suốt đời ở Việt Nam?

- Dù thể chế học tập suốt đời có những thành tựu nêu trên nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong thực tế. Cụ thể như:

Tư tưởng chủ đạo trong xây dựng thể chế học tập suốt đời ở nước ta hiện vẫn của mô hình học tập truyền thống. Từ tổ chức các cơ sở giáo dục đến hoạt động giáo dục (bao gồm tuyển sinh, dạy, học, đánh giá) vẫn được thiết kế theo mô hình dây chuyền của nền sản xuất công nghiệp. Theo đó, người học được tuyển sinh theo tiêu chuẩn nhất định, mọi người học như nhau, “người học tốt” được tạo điều kiện học tiếp lên cao, “người học không tốt” bị bỏ lại phía sau. Tâm lý học để thi thay vì học tập suốt đời vẫn chi phối trong tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

Thực trạng nêu trên dẫn đến bất cập trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục thường xuyên dù được xếp ngang hàng trong luật giáo dục chính quy, nhưng thực tế vẫn bị coi nhẹ. Về cơ bản, hệ thống giáo dục quốc dân chưa được tái cơ cấu để các phân hệ giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên được coi trọng như nhau và liên thông với nhau.

Thêm nữa, giáo dục phi chính quy, dù được đề cập đến trong các Đề án xây dựng xã hội học tập, nhưng không thực sự coi trọng và đến nay chưa có bất kỳ cơ chế, chính sách nào để tiến tới tạo gắn kết, liên thông giữa giáo dục phi chính quy với giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Từng bất cập nêu trên có nguyên nhân riêng, từ nhận thức, sức ì hệ thống, tính bảo thủ của giáo dục đến những khó khăn về kinh tế, kỹ thuật. Nhưng nguyên nhân cơ bản là trước một vấn đề phức tạp với nhiều cách hiểu, tiếp cận khác nhau như học tập suốt đời và xã hội học tập, thì cách lựa chọn trong phát triển thể chế là tiến dần từng bước.

Ưu điểm của cách tiếp cận này là từng bước giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn học tập suốt đời ở nước ta. Nhược điểm là tính chắp vá mà lâu dài dẫn đến sự phân mảnh trong giáo dục, kém hiệu quả khi tổ chức thực hiện, khiến học tập suốt đời tách biệt với những vấn đề cốt lõi của hệ thống giáo dục.

Vì thế, khi lĩnh vực đã tương đối định hình thì cần chuyển từ tiếp cận từng phần sang tổng thể. Đó là lý do vì sao một trong các nhiệm vụ, giải pháp được quy định trong Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 là nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời.

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ). Ảnh NTCC

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ). Ảnh NTCC

- Luật Học tập suốt đời nếu được ban hành sẽ có vị trí, vai trò, tầm quan trọng thế nào trong thể chế giáo dục Việt Nam, thưa ông?

- Luật Học tập suốt đời nhất thiết phải có và đã đến lúc phải có trong thể chế giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Vai trò của Luật Học tập suốt đời trong hoàn thiện thể chế giáo dục nước ta ở chỗ sẽ tạo dựng hệ sinh thái học tập suốt đời, bao gồm giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy trong mối quan hệ gắn kết, liên thông; tạo điều kiện để người dân ở mọi trình độ, lứa tuổi, được học mọi lúc, mọi nơi, mọi nhu cầu, góp phần đáp ứng yêu cầu không ngừng đổi mới về phẩm chất, năng lực người học trong thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, khó lường.

Về tầm quan trọng, trước mắt đến năm 2030, Luật Học tập suốt đời sẽ tạo khung pháp lý hiệu lực và hiệu quả để giáo dục Việt Nam thành công trong thực hiện mục tiêu 4 về “đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người” - quy định trong Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Về lâu dài, Luật Học tập suốt đời là bước phát triển mới của thể chế giáo dục thông qua cụ thể hóa và đưa vào cuộc sống quy định “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, học tập ở mọi trình độ, hình thức, học tập suốt đời”; từng bước hiện thực hóa nguyên tắc “học tập suốt đời có chất lượng phải là quyền cơ bản của con người” theo khuyến nghị của UNESCO.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn) học đàn tính. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn) học đàn tính. Ảnh: NTCC

Lưu ý khi xây dựng Luật

- Theo ông, những lưu ý nào quan trọng khi chúng ta xây dựng Luật Học tập suốt đời?

- Trước hết, để đảm bảo tính tương đương về cấu trúc giữa các văn bản luật trong cùng hệ thống, Luật Học tập suốt đời phải chi tiết với cách tiếp cận tổng thể về học tập suốt đời trong mối quan hệ gắn kết với xây dựng xã hội học tập.

Cần bảo đảm quan hệ giữa Luật Học tập suốt đời và các luật khác trong hệ thống pháp luật về giáo dục là quan hệ bổ sung cho nhau. Luật này sẽ bổ sung, không lặp lại những quy định đã có trong các luật khác về giáo dục, nhưng có sự phát triển cần thiết.

Các quy định hiện nay về giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong văn bản luật được thực hiện theo tư duy của hệ thống giáo dục truyền thống. Vì vậy, Luật Học tập suốt đời cần có những quy định bổ sung hướng tới khắc phục bất cập trong thể chế học tập suốt đời; bảo đảm tính mở, linh hoạt và liên thông của hệ thống giáo dục, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập đa dạng của người học; qua đó thúc đẩy và khuyến khích học tập suốt đời, không ai bị bỏ lại phía sau.

Luật Học tập suốt đời tuy ban hành sau các văn bản luật khác trong hệ thống pháp luật về giáo dục nhưng vị trí và giá trị pháp lý các văn bản luật như nhau. Khi xây dựng, cần hết sức chú ý để đảm bảo tính nhất quán và tương thích với văn bản luật đã có, nhưng không nhất thiết buộc các quy định của Luật Học tập suốt đời phải lệ thuộc quy định đã có.

Nếu các quy định của Luật Học tập suốt đời phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì việc bãi bỏ hoặc sửa đổi nội dung liên quan tại các văn bản luật về giáo dục sẽ được thực hiện tại đó theo kỹ thuật lập pháp hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Điều đặc biệt đáng quan tâm là thể chế học tập suốt đời đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập như đã quy định trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Viêm nha chu

GD&TĐ - Các thủ phạm gây bệnh viêm nha chu là vi khuẩn hoặc nấm có sẵn trong miệng.
Đoàn thanh niên Công an TP Long Xuyên (An Giang) khởi động Chương trình "Đổi sách cũ nhận cây xanh".

Đổi sách cũ nhận cây xanh

GD&TĐ - Đoàn Thanh niên Công an TP Long Xuyên (An Giang) tổ chức Chương trình ‘Đổi sách cũ nhận cây xanh’ diễn ra từ 15/6 đến 15/7/2024.
Bà Kikuko Iwai - Giám đốc Học viện Phục chế nghệ thuật Iwai (Nhật Bản). Ảnh: ITN.

Phục chế tác phẩm vô giá

GD&TĐ - Việc phục chế các bức tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với các thế hệ mai sau...