Hoài bão lớn của cậu sinh viên người Mông

GD&TĐ - Sinh ra ở rẻo cao Mèo Vạc (Hà Giang), lớn lên cùng cây ngô, đá núi, phần lớn trẻ đi học đến hết cấp THPT đã là hạn hữu… 

Hoài bão lớn của cậu sinh viên người Mông

Nhưng cậu sinh viên nhỏ bé người Mông Thào Mí Phứ đã “hạ sơn”, vượt hàng trăm cây số về với phố phường để học chuyên ngành Báo chí Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên.

Ước mơ của cậu sinh viên ở xứ núi vùng biên viễn là được trở thành nhà báo cho quê hương, truyền thông tri thức và thúc đẩy ý thức học hành cho trẻ em, thanh niên nơi xa xôi này.

“Hạ sơn” về phố nuôi ước mơ

Thào Mí Phứ sinh ngày 6/9/1996 tại bản Xà Phìn (xã Thượng Phùng, Mèo Vạc). Chàng trai người Mông tuy có vóc dáng khiêm tốn, cao 1m45, nặng 45 kg nhưng lại đang ấp ủ những dự định lớn lao.

Đến từ mảnh đất Hà Giang địa đầu của Tổ quốc, nơi mà bố mẹ của Phứ cũng như bao đồng bào dân tộc khác vẫn đang phải vất vả trên những nương ruộng bậc thang, “đánh vật” với tự nhiên, khí hậu và đá tai mèo để mong có được những vụ mùa đủ ăn.

Những bạn ở vùng đồng bằng, nơi giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển có thể dễ dàng ra chợ mua thực phẩm, nhưng ở quê Phứ, mọi thứ hầu như là tự cung tự cấp, rau tự trồng, và thịt thì dường như là thứ xa xỉ vì chỉ khi có phiên chợ thì gia đình Phứ mới có thể mua thịt về ăn, chắc hẳn vì thiếu thốn về dinh dưỡng từ nhỏ nên Phứ mới có vóc dáng khiêm tốn như vậy. Hà Giang trọc trụi núi đá, khô cằn…

Chỉ có loài sa mộc là có thể trụ vững nơi này, với thân cành vươn thẳng như mũi tên lao lên bầu trời, bỏ mặc dưới nó từng đám cỏ cằn cỗi khô cháy.

Gia đình nhà Phứ cũng như nhiều bà con nơi đây, khi cây lúa không phải là lựa chọn tối ưu cho sự sống, thì cây ngô lại thay thế được bởi sự khiêm nhường về đất, về nước mà nó cần cho sự mưu sinh của mình.

Vào vụ ngô, cha mẹ Phứ gùi đất lên vai, bàn chân bám vào từng mỏm đá tai mèo, chân trượt và bầm tím, giữa những ngọn gió ù ù… Giữa cả những trận nắng nóng làm cháy bỏng da người. Cha mẹ Phứ rải đất xuống các kẽ đá, rải ngô lên, và trông chờ những cơn mưa đến cho hạt nảy mầm.

Từ trên cao, lưng chừng vách đá, những cây ngô cựa mình, sống dậy và phát triển giữa nắng hanh hao, giữa những trận mưa thưa thớt và ít ỏi. Vì sự sống mưu sinh, nhiều người dân nơi này đã phải sang Trung Quốc làm thuê, với sự nhọc nhằn và những đồng tiền trả công ít ỏi.

Với Phứ, thịt cá là những món ăn xa xỉ, chỉ có ngày Tết, ngày lễ mới được ăn. Ở Mèo Vạc, cái đói, cái rét còn theo chân bà con vào từng căn nhà trình tường kia, thì việc ăn ngon, mặc đẹp là một cái gì đó xa vời…

Chính vì vậy mà bọn trẻ con trong thôn bản, hay những đứa trẻ như Phứ, trông chờ ngày Tết đến như trông chờ niềm vui, của khèn sáo lễ hội, và trông chờ vào những bữa ăn có thịt, mà ngày thường khó có thể có được.

Ở Mèo Vạc, chỉ có việc học trong các trường bán trú và nội trú của huyện, xã, trẻ con mới được ăn cơm thịt. Ở nhà cha mẹ nghèo khó, không dễ gì có thịt lợn, gà cho con cái ăn hàng ngày được.

Khi về học ĐH Khoa học Thái Nguyên, Phứ ngỡ ngàng vì tất cả là choáng ngợp, là mới mẻ. Cái choáng ngợp, mới mẻ của chàng thanh niên lần đầu tiên rời xa đá núi và những con đường quanh co, vực thẳm để về nơi ánh sáng phố phường.

Tuy nhiên, bao thử thách đặt ra, ngoài tiền được Nhà nước trợ cấp, hỗ trợ hàng tháng, nhưng chi phí sinh hoạt vẫn là thử thách lớn đối với gia đình của Phứ. Cậu vẫn ước ao được làm thêm việc gì đó, để tự lo cho mình, chia sớt phần vất vả của mẹ cha.

Khó khăn nhưng mãi rồi cũng thành quen

Khi được hỏi về gia đình, quê hương, Phứ vui vẻ chia sẻ học xa ban đầu chưa quen nên khổ lắm, nhà Phứ cũng như bao gia đình khác trong địa phương, hoạt động kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp chẳng giàu có gì, tiền sinh hoạt hàng tháng mà gia đình gửi đến cho Phứ không nhiều, nên chi tiêu phải rất đắn đo, cũng chẳng dám mong gì hơn vì bố mẹ ở nhà còn phải nuôi em trai và em gái của Phứ nữa, cố gắng kiếm đủ tiền cho Phứ học đại học đã là tốt lắm rồi.

Đi học xa nên rất nhớ nhà, cả năm chỉ có hai dịp về nhà là nghỉ Tết và nghỉ hè, có những lúc nhớ bố mẹ và hai em lắm nhưng Phứ không dám về vì sợ tốn kém.

Tiền xe đi về cũng là bài toán khó. Về với gia đình, cha mẹ con cái gặp nhau, nhưng hàng trăm ngàn tiền xe lo tiếp con cái, lại là số tiền lớn của gia đình, Phứ không đành lòng.

Chia sẻ với tôi, Phứ cho biết, cậu chỉ biết nghĩ đến gia đình mà cố gắng học cho tốt, tận dụng thời gian nghỉ hè để học vượt cho mau ra trường và không phụ công bố mẹ tin tưởng. Nếu có công việc gì đó để làm thêm ngoài giờ đi học, Phứ sẽ làm.

Dù biết cuộc sống còn nhiều khó khăn, con đường sự nghiệp còn nhiều thử thách nhưng cậu sinh viên chuyên ngành Báo chí vẫn luôn không ngừng hi vọng và cố gắng để hiện thực ước mơ được làm việc trong đài truyền hình của huyện Mèo Vạc và mong muốn dùng kiến thức học được khi còn ngồi trên giảng đường Đại học Khoa học Thái Nguyên để góp phần xây dựng quê hương, vận động các gia đình cho con em được học hành đến nơi đến chốn.

Vì hơn ai hết Phứ hiểu rằng chỉ có khai thông và mở mang dân trí thì mới thoát được nghèo, mà cái nghèo đầu tiên thoát được chính là nghèo về tri thức.

Mong rằng Thào Mí Phứ sẽ luôn khỏe mạnh, vững tin và không ngừng nỗ lực để hoàn thành những dự định của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ