Kết hợp hội họa – sắp đặt và nghệ thuật trình diễn ca trù trong triển lãm có tên rất lạ: Mưỡu, họa sĩ Thu Trần và nghệ sĩ Tây Phong sẽ đem đến sự thăng hoa tột bậc của nghệ thuật biến hóa.
Diễn họa nghệ thuật bằng ngôn ngữ ca trù
Nằm trong chuỗi chương trình Tết Việt – Tết phố 2025, hội họa – sắp đặt và nghệ thuật trình diễn “Mưỡu” sẽ diễn ra từ ngày 19/1 – 10/2 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm).
Bộ sắp đặt kết hợp giấy và lụa những gam màu nhẹ nâu, phớt hồng, được khoét lỗ tạo không gian xuyên qua nhau, kéo dài và uốn lượn tạo - gợi những kết nối với cụm sắp đặt hàn inox tết trên dây dứa như một cụm kén tằm gói ghém những gì đẹp đẽ nhất của nghệ thuật biến hóa.
Nhân sự kiện này, Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thu Trần, gợi mở những kỳ thú của “Mưỡu”.
- Tại sao chị và nghệ sĩ Tây Phong chọn “Mưỡu” làm tên gọi cho triển lãm? Chị có thể giải thích “Mưỡu” có ý nghĩa như thế nào?
Họa sĩ Thu Trần: Từ “mưỡu” phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, đời sống của người Việt từ xa xưa. Nó không chỉ là thuật ngữ đơn thuần, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc.
Nghệ sĩ Tây Phong có giải thích rằng, ngoài ý nghĩa như một phần hình thức ca trù - loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và thế giới. Từ “mưỡu” còn có thêm những ngữ nghĩa, như trong nghệ thuật điêu khắc cổ thì “mưỡu” chỉ khuôn mẫu, những hoa văn, họa tiết trang trí khắc gỗ truyền thống. Trong văn hóa làng nghề, “mưỡu nghề” chỉ bí quyết, khuôn phép, cách thức truyền nghề từ đời này sang đời khác.
Trong ngữ cảnh sinh hoạt thì “ăn mưỡu”, “làm mưỡu” có nghĩa là bắt chước làm mẫu, làm gương. “Giữ mưỡu” tức là giữ nền nếp, phép tắc; “giữ mưỡu” còn có nghĩa là giữ thể diện...
Với chỉ chừng đó, có lẽ “Muỡu” quá đủ để cho một triển lãm, hơn thế nữa tôi tìm thấy một mạch ngầm văn hóa - Mưỡu thể hiện con đường nghệ thuật thiên biến vạn hóa, vừa có thể tự do phóng khoáng, vừa có thể đạt tới mức xưng tụng, tán thán với đầy đủ sự kính cẩn trang nghiêm.
- “Mưỡu” dự định sẽ trưng bày bao nhiêu tác phẩm hội họa?
Trong triển lãm hội họa - sắp đặt - trình diễn này, tôi sẽ trưng bày khoảng 35 tác phẩm. Những âm hưởng về ca trù làm tôi mê mẩn nên bản thân tôi suy tư về ngôn ngữ khi mình thực hiện sẽ là như thế nào, với cách thức thế nào? Những suy tư trăn trở đó kéo dài trong nhiều năm, năm 2024 là năm đủ chín để tôi thực hiện được bộ tác phẩm.
Những cung bậc ngân nga, luyến láy trong chuyên môn của ả đào rất phong phú, khi tìm hiểu trong sách của tác giả Bùi Trọng Hiền, thực sự là một khối lượng kiến thức rất rộng. Say sưa với ca trù trên ngôn ngữ trừu tượng, tôi thấy những đường nét và những níu gọi, những say say trong men ả đào từ thi ca tới âm điệu và cung bậc trong hội họa.
Bộ sắp đặt kéo dài trong triển lãm uốn lượn và những sắc hồng đào, hồng tuyết, những không gian trong đó kéo tới bộ 3 cụm kén tơ lụa vương vấn, khi đào nương nhả tơ những cung bậc rứt từ ruột gan ra. Sự lay động lòng người trở nên bất tận.
Nghệ thuật dẫn lối, khai mở những biến hóa
- Triển lãm kết hợp 2 loại hình nghệ thuật: Hội họa - sắp đặt và nghệ thuật trình diễn - phải chăng nghệ thuật trình diễn của nghệ sĩ Tây Phong có mối liên hệ nào với những tác phẩm hội họa của chị?
Có lẽ dùng từ “đi tìm những thứ mà nghệ thuật dẫn lối”, tôi và nghệ sĩ cùng tìm thấy điểm đó trong nhau. Cứ tìm thôi, có thể không thấy, nhưng khi gặp được bạn diễn đó là một hạnh phúc của người làm nghề. Tôi thấy mình như làm ra một sân khấu, sân khấu đó sẽ trống trải khi chính mình độc diễn mà nơi đó nghệ thuật trình diễn không thuộc về tôi.
Bản thân nghệ sĩ Tây Phong cũng nhận thấy chính là khi bạn ấy đi tìm sân khấu để diễn với câu chuyện của mình. Có thể nói, chúng tôi cùng nhau xây dựng ý tưởng, cùng nhau chia sẻ trong sáng tạo và cùng nhau đặt tên tác phẩm. Tôi còn được hỗ trợ về âm nhạc để bản thân hiểu về ca trù một cách sâu sắc hơn, không chỉ dừng lại ở chỗ một người thưởng ngoạn, mà thật sự mong muốn lưu lại bộ tác phẩm về âm hưởng ca trù cùng nghệ sĩ trình diễn.
- Trong lời giới thiệu về triển lãm, chị có nói đến “giấy dứa”, chị có thể gợi mở về chất liệu này?
Chất liệu giấy dứa và dó là chất liệu tôi “mix với nhau” để thô sần, màu giấy tự nhiên không tẩy, có loại để khoảng 60/40 dứa và dó, có loại 80/20 dứa và dó. Nguồn dứa tôi mua tại Nghệ An, Thanh Hóa và chở ra Lương Sơn (Hòa Bình).
Bà con ở đó có nhóm làm giấy thủ công, tôi tìm nguyên liệu và đến đó cùng bà con tạo ra một dạng giấy để phù hợp với tính chất sáng tạo của tôi. Tôi nghĩ, bản thân sẽ chủ động trong sáng tác bởi quá trình tôi tìm đến nghệ thuật của cá nhân mình.
- Các chất liệu như giấy dứa – giấy dó, nghệ thuật ca trù đều là các chất liệu cổ truyền Việt Nam, vậy “Mưỡu” có phải hướng tới tinh thần truyền thống?
Các chất liệu tôi sử dụng, tôi nghĩ nó sẽ phù hợp với “Mưỡu”. Trong triển lãm này được trưng bày đúng dịp Tết cổ truyền, tại một nơi có bao nhiêu là vết tích văn hóa nên tôi cho rằng, rất phù hợp và là một dịp để tôi được trùng mình ngâm ngợi về bản thân với văn hóa nghệ thuật ca trù của cha ông.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Thu Trần!
Cùng thời điểm diễn ra triển lãm “Mưỡu” tại Hà Nội, nghệ sĩ Thu Trần và Tây Phong cũng tổ chức triển lãm “Té Tất Té Đák” tại TPHCM. “Té Tất Té Đák” (Đẻ Đất Đẻ Nước) là một cuộc diễn họa nghệ thuật lấy cảm hứng từ áng thơ Mường của họa sĩ Thu Trần, kể lại cho thế hệ tiếp theo những tiếp diễn của pho sử thi đồ sộ về đất Mường với bề dày văn hóa, phong tục. Đồng thời là một cuộc “du miên” với màu sắc của núi đồi, hang động, sông suối, và trên hết là hình ảnh con người qua áng sử thi bất tận thông qua ngôn ngữ nghệ thuật trừu tượng trên nền đa chất liệu (đất, đá, giấy dứa, lụa…) của 40 tác phẩm hội họa - sắp đặt.