Là một nghệ sĩ thành danh bởi hoạt động sáng tác độc đáo “vẽ trên gỗ bằng cách khò lửa”, họa sĩ Ngô Văn Sắc sẽ kể một chuyện thú vị về “Phương Đông xa xôi”.
“Phương Đông xa xôi” là tên triển lãm sắp diễn ra tại Hà Nội (dự kiến vào ngày 10/1), trưng bày những bức tranh gỗ được họa sĩ Ngô Văn Sắc “vẽ bằng lửa”. Không chỉ đem đến những bức tranh đặc sắc bằng phương pháp sáng tạo độc đáo, triển lãm còn kể những câu chuyện huyền bí, thú vị về một phương Đông – dù xa xôi cách biệt nhưng lại đầy thân thuộc hiện hữu.
Giá trị lớn nhất con người để lại là văn hóa
Với giải Bạc Cuộc thi UOB Painting of the year 2024, tên tuổi họa sĩ Ngô Văn Sắc càng được giới mỹ thuật và giới sưu tập biết đến nhiều hơn bởi dòng tranh gỗ khò lửa. Lựa chọn một lối đi riêng trong sáng tạo, anh đã gây ấn tượng với những tác phẩm có phần lạ lùng, nhiều phần bí hiểm.
Tuy chọn cho mình chất liệu vẽ tranh tự nhiên với các thớ gỗ, nhưng lại không giống với công việc khắc gỗ thường thấy. Ngô Văn Sắc chọn phương pháp độc đáo – khò lửa, để cho ra đời các bức tranh. Từ thiên nhiên, con người, các ý niệm và thông điệp đều qua ngọn lửa để tái hiện và tái tạo hình hài.
Là họa sĩ được giới sưu tập tìm kiếm, song có lẽ Ngô Văn Sắc không quá chú tâm đến việc tổ chức triển lãm nên vô tình, dòng tranh “khò lửa” càng khiến nhiều người tò mò. Sự tò mò ấy sẽ phần nào được giải đáp trong triển lãm sắp tới mang tên “Phương Đông xa xôi”.
Chọn chủ đề cho triển lãm này, họa sĩ Ngô Văn Sắc nói rằng, phương Đông e ấp, trừu tượng và bí ẩn luôn là niềm cảm hứng sáng tác đối với bản thân. Ở đó, từ xa xưa, thiên nhiên luôn được lồng ghép trong các công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật, một trong những vật liệu ấy chính là gỗ.
“Khi kết hợp lửa trên các vân gỗ, hiệu ứng thị giác thay đổi tạo cho tôi những liên tưởng như khi ngồi trước mặt hồ yên tĩnh để lắng nghe, quan sát làn sóng dịch chuyển, cảm nhận âm thanh và hình ảnh lan tỏa. Tôi tin rằng phần ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác nghệ thuật luôn tạo sự thích thú cho chính bản thân, có thể đó là những lần gạt bay, đổ màu, mài sơn...
Với tôi, mỗi vân gỗ, mỗi thớ gỗ là một câu chuyện riêng của tự nhiên luôn tuần hoàn, phong phú và bất ngờ trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Thật thú vị để kết hợp những mảnh ghép và vật liệu thiên nhiên đó nhằm khắc họa và kể các câu chuyện của con người.
Có lẽ giá trị lớn nhất mà con người để lại là văn hóa, với những dấu tích về kiến trúc, phong tục, tập quán. Chính sự mài mòn, lẩn khuất của những hình ảnh văn hóa lại tạo ra hứng thú kỳ lạ cho những người làm nghệ thuật”, họa sĩ Ngô Văn Sắc chia sẻ.
Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhận xét: “Ở nhiều tác phẩm của Ngô Văn Sắc, các đám mây vân gỗ đã làm mờ đi những yếu tố hiện thực, huyền bí hóa hiện thực.
Đồng thời, chúng có thể xâm lấn gây méo hình, vặn xoắn, tạo nên những ảo ảnh siêu thực. Đôi khi, nghệ sĩ thích để cho các “đám mây vân gỗ”, như mây mù thời gian tình cờ xâm lấn chân dung, làm tan chảy khuôn mặt, tan chảy hiện thực, đẩy xa dấu vết con người vào thiên nhiên”.
“Đùa với lửa” thay diễn ngôn nghệ thuật
Sự xói mòn của thời gian và lịch sử như một diễn ngôn thông qua các bức tranh trưng bày trong “Phương Đông xa xôi”. Ở đó, một số tác phẩm được họa sĩ đẩy cao thành những chân dung mang tính văn hóa - lịch sử, khiến người xem thấy rõ dấu vết thời gian thông qua các yếu tố: Hoa văn họa tiết cổ, ký tự cổ, trang phục cổ. Thậm chí, đến những làng mạc, phố cổ, những hình ảnh chân thực lịch sử cũng hiện hữu trong tranh.
Tranh của Ngô Văn Sắc có cả đề tài nude, trần trụi người, một cá thể người bản năng, bộc bạch tận cùng nỗi cô đơn thân phận. Ở mảng tranh nude này còn có các bức vẽ phụ nữ rất đẹp, những hình hài mềm mại cuộn tròn như hình trứng, e ấp, ẩn mình sau cỏ cây, lẫn vào thiên nhiên nhiệt đới như một nàng Eva châu Á kín đáo.
Chưa có nhiều tiết lộ về “Phương Đông xa xôi”, song với sự hỏa biến của những bức tranh được vẽ từ lửa, công chúng cũng mường tượng phần nào về quá trình sáng tạo công phu, hội tụ tay nghề của một người thợ mộc đúng nghĩa với tinh thần của một nghệ sĩ đa phương tiện, đa chất liệu trong một cách nhìn rộng mở, đương đại.
Quá trình khắc họa tranh trên gỗ đòi hỏi nghệ sĩ phải kỳ công qua nhiều bước. Ngô Văn Sắc dùng chì than phác thảo trên các miếng gỗ, sau đó dùng đèn hàn khò, sử dụng thìa kim loại cạo bớt bề mặt vừa khò để điều hòa màu sắc.
Khò lửa nhưng không phải đốt tranh, mỗi tia lửa, mỗi đường nét phải căn chỉnh thời gian gần như chính xác tuyệt đối. Độ khó, và độ hỏng tranh ở mức cao luôn là thách thức khiến cho đa số họa sĩ ở Việt Nam không bao giờ “đùa với lửa”.
Tuy nhiên, là họa sĩ tiên phong lại trung thành với phong cách “đùa với lửa” nên Ngô Văn Sắc cũng thu hái được nhiều thành quả tích cực. Năm 2012, anh giành giải Nhất Dogma Prize; năm 2024 giành giải Bạc (Nghệ sĩ thành danh) UOB Painting of the year lần thứ 43 với tác phẩm “Xâm thực”.
Tác phẩm khai thác trải nghiệm cá nhân trong những chuyến điền dã dọc bờ biển. Anh chứng kiến sự xâm lấn của biển, tác động của việc chặt phá rừng, hậu quả của việc tận diệt dòng Mê Kông khi ồ ạt xây đập thủy điện, xẻ dòng làm kênh đào của các quốc gia thuộc thượng nguồn.
Anh vận dụng thủ pháp cắt, đốt ván gỗ đặc trưng, kết hợp kỹ thuật vẽ và in để tạo nên hiệu quả thị giác đa chiều nhiều lớp, biểu đạt mối quan hệ cộng sinh phức tạp giữa con người cùng thiên nhiên. Hình ảnh sóng nước và con người từ nhiều vùng miền hòa quyện, phản ánh sự phản kháng của thiên nhiên, đồng thời chất vấn cách con người đối xử với môi trường.
“Nếu như chân dung con người trong cộng đồng là cái nhìn hướng ngoại, thì mảng chân dung tự họa của họa sĩ Ngô Văn Sắc mang nhiều sắc thái hướng nội. Họa sĩ tự thể hiện mình trong các trạng thái tinh thần, trong các bảng màu tâm lý phức tạp khác nhau. Khi trẻ trung, sung mãn, tự tin, khi âm thầm, vật vã trong các cơn mộng mị, khó nắm bắt”, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương cho biết.