Là giảng viên chính Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên quan niệm về nghề rất giản dị: “Tôi coi nghệ thuật là một cuộc chơi. Hạnh phúc là khi được vẽ, được tự do trong thế giới sáng tạo… Lúc cô đơn nhất chính là lúc hạnh phúc nhất”...
- Nhìn lại những chặng đường đã qua, anh thấy con đường nghệ thuật của mình thế nào?
Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên. Ảnh: NVCC. |
Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1969 tại Hải Dương, hiện là giảng viên chính Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đoạt giải Nhất Mỹ thuật Đồng Nai năm 1995, liên tiếp các năm sau đó, năm nào anh cũng có ít nhất một giải thưởng: Giải thưởng khu vực, giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Mỹ thuật Asean,…
Tác phẩm của anh cũng liên tục xuất hiện ở các triển lãm trong nước, một số triển lãm khu vực ASEAN và thế giới. Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên: “Thả đèn gió” (Sơn mài), “Lễ thiêng” (Sơn mài), “Trầm tích” (Sơn mài), “Vũ điệu dưới trăng” (Sơn mài), “Thảm B52” (Sơn dầu – tổng hợp), “Bãi đá cổ” (Chất liệu tổng hợp), “Nhịp cầu Long Biên” (Sơn dầu - tổng hợp)…
Đối với tôi không có con đường nào thuận lợi. Thành công luôn đi cùng với sự trả giá. Ở thời điểm mới ra trường, tôi cũng phải lao động cật lực, vẽ mải miết để có tác phẩm tham gia các triển lãm. Mất vài năm như thế. Sau đó mình tĩnh tâm lại, vừa giảng dạy, vừa vẽ.
Mọi thứ dần ổn định hơn. Đối với tôi, nghệ thuật là một cuộc chơi. Còn chơi như thế nào thì mỗi họa sĩ lại có cách thức khác nhau. Với riêng tôi, từ trước đến nay, tôi chỉ gửi tác phẩm tham gia các triển lãm và một số cuộc thi. Tôi chưa bao giờ thực hiện triển lãm cá nhân.
- Thời kỳ đầu anh theo đuổi sơn mài, song vì sao đến bây giờ anh lại sử dụng đa chất liệu?
Tôi vốn được đào tạo bài bản về hội họa và chất liệu sơn mài. Sau khi ra trường, trong khoảng ba năm, tôi chuyên tâm với sơn mài. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm những chất liệu mới, vẽ sơn dầu, acrylic, làm đồ họa và đồ họa độc bản.
Tôi muốn thực hành đa chất liệu để khám phá, bồi dưỡng thêm các kỹ thuật, kỹ năng. Tôi thích sự cởi mở của chất liệu tổng hợp. Nó đem lại cho tôi cảm giác thoải mái, tung tẩy, không bị bó buộc vào những thói quen, định kiến.
Mỗi bức tranh sử dụng một kỹ thuật, chứ không phải dùng một kỹ thuật để áp dụng cho tất cả các tranh. Hiện giờ rất nhiều họa sĩ dùng một kỹ thuật vẽ tranh, thậm chí vẽ trong nhiều năm. Tôi luôn muốn tìm tòi, làm thế nào để các vật liệu được bung tỏa hết sức công phá của chúng trên tác phẩm.
- Chọn lối biểu hiện trừu tượng phải chăng là cách anh mở rộng biên độ tự do sáng tạo?
Tôi nghĩ không hẳn là như thế. Có người vẫn vẽ theo trường phái cổ điển hay hiện thực đến tận bây giờ có sao đâu. Rồi có người thích vẽ siêu thực, cực thực hay đồng hiện. Tất cả các dòng sông đều chảy. Mỗi nghệ sĩ sẽ tự chọn cho mình lối biểu hiện phù hợp nhất.
Cá nhân tôi cảm thấy thể tạng mình phù hợp với trường phái biểu hiện và trừu tượng hơn. Tôi quan tâm tới sự mới mẻ về tư duy ngôn ngữ tạo hình. Mình không thể vẽ những bức tranh na ná nhau. Mỗi bức tranh phải là một tạo hình khác. Mỗi giai đoạn cần phải có những tác phẩm mang tính cột mốc.
- Anh thấy sao trước nhận xét: Tác phẩm của Nguyễn Văn Chuyên luôn thể hiện sự kiếm tìm quá khứ, gợi hồn của đất đai xứ sở, đặc biệt dấu ấn của văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ khá đậm nét?
Tranh trừu tượng của tôi thường tìm kiếm và thể hiện những dấu tích đã bị phai mờ của lịch sử, của văn hóa. Tôi chỉ muốn gợi lại những điều bình thường, rất bình thường đã bị thời gian chồng lấp.
Những tạo hình trên vách đá nơi hang động, những vết mòn, vệt rạn nứt, hay đôi khi chỉ là vài mảnh vỡ, nhưng nó sẽ đem lại cho ta một cảm giác hoàn toàn khác khi ở trong khung hình hội họa. Ví dụ như khi đến bãi đá cổ Sa Pa, tôi xem đi xem lại rất kỹ.
Những phiến đá nằm giữa đất trời Tây Bắc, những ký tự bị bào mòn bởi thời gian. Tôi cảm thấy bị ám ảnh, bị hằn sâu trong ký ức. Một thời gian sau tôi mới hình thành nên bộ tác phẩm về bãi đá cổ Sa Pa. Hoặc khi tôi đến Mỹ Sơn, thấy thành quách tan hoang, đền đài đổ nát, những bức tượng bị vỡ, bị sứt sẹo được chắp vá lại.
Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng, cảm giác như cách biệt với thế giới bên ngoài. Những hình ảnh ấy, khung cảnh ấy tạo ấn tượng thị giác rất mạnh. Tôi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, cho ra đời bộ tác phẩm về Mỹ Sơn.
Đề tài của tôi thường xuất phát từ tự nhiên, gắn với những vật thể hằng ngày của đời sống, nhưng tôi muốn biến nó thành một sự sang trọng, đổi mới trong tác phẩm thông qua ngôn ngữ tạo hình. Đấy là điều quan trọng.
Tác phẩm 'Nhịp cầu Long Biên', sơn dầu tổng hợp. Tranh Nguyễn Văn Chuyên. |
- Tuy nhiên, đối với người xem tranh thì tác phẩm trừu tượng vốn không dễ nắm bắt, thưa họa sĩ?
Mỗi tác phẩm hội họa là một cuộc đối thoại bằng thị giác. Tranh trừu tượng có khó hơn bởi không phải ai cũng đọc được ngôn ngữ của nó, vì nó có rất nhiều dạng thức biểu hiện. Có người học nhưng không cảm được, có người không học nhưng vẫn cảm được.
Điều này thuộc về tố chất, sự trải nghiệm của mỗi người. Nếu không hiểu cũng không có vấn đề gì cả. Tác giả có thể gợi mở qua tên gọi của tác phẩm, hướng người xem tới những giấc mơ, những cảm giác, ký ức, miền tâm linh, hay những suy tư, triết lý, những tầng bậc nội tâm.
- Anh coi hội họa như một cuộc chơi. Còn công việc của một giảng viên thì sao?
Tôi giảng dạy chuyên ngành mỹ thuật, làm công việc cần mẫn của một giảng viên, hàng ngày hàng tuần. Tranh mình làm như thế nào thì mình dạy như thế. Nó thuộc về bản chất con người rồi.
- Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục mỹ thuật trong nhà trường, kể cả đào tạo ngành nghề mỹ thuật bậc đại học ở nước ta hiện nay chưa bắt kịp sự phát triển của thế giới. Anh có phản hồi như thế nào?
Tôi luôn tâm niệm, cố gắng làm tốt vai trò của mình ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Công tác đào tạo nói chung còn liên quan tới nhiều cơ quan chức năng. Chúng ta luôn ước muốn những điều tốt đẹp hơn, hay hơn, quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng cần phải nhìn nhận xem chúng ta đang ở đâu, đang như thế nào, đang làm được gì. Đó là cả một vấn đề rất lớn của xã hội cũng như của các bộ ngành. Ở góc độ giảng viên thì không thể giải quyết được. Nó rất khó.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên tại xưởng vẽ. Ảnh: NVCC. |
- Tuy nhiên, nỗ lực của mỗi người sẽ đóng góp phần nào đó. Anh có nghĩ như vậy không?
Đương nhiên rồi. Đối với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì chỉ làm được phần của mình. Trên thực tế, nhiều đơn vị đào tạo hiện nay đều đã rất nỗ lực. Đó là điều mình phải trân trọng. Còn sự so sánh, mong muốn thì vô cùng.
Tốc độ thay đổi của khoa học kỹ thuật, phương tiện vật chất trong thế giới hội nhập này đang quá nhanh mà chúng ta cũng không thể đứng ngoài. Ở một số nước tôi đã đến, tôi nhận thấy công tác xã hội hóa trong giáo dục rất mạnh mẽ.
Ví dụ như Trường Cao đẳng Nghệ thuật Lasalle của Singapore (Lasalle College of the Arts). Năm 2000 khi tôi sang, họ đã ở trong top 10 của thế giới về đào tạo nghệ thuật.
Năm 2022 tôi trở lại, cảm nhận như đã có một cuộc lột xác ngoạn mục, trường đứng tốp đầu quả là xứng đáng vì một cơ chế trực thuộc Chính phủ, hoàn toàn phi lợi nhuận, phát triển rất rực rỡ, sinh viên sang đó học như là một giấc mơ.
Đến chính bản thân tôi cũng cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, cả châu Á này có lẽ cũng chỉ có trường Lasalle mới có thể làm được như thế. Mình cũng mong muốn, khát khao nhưng không phải cứ mong muốn là biến thành hiện thực được.
- Tiếng nói của giới nghệ sĩ trí thức có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội. Anh có dành nhiều thời gian cho điều này không, thưa anh?
Thời gian trong ngày của tôi gần như chia đôi, bên giảng dạy, bên sáng tác. Khi lên lớp thì mình cố gắng hết sức của mình. Thời gian còn lại tôi dành nhiều cho hội họa, tự do trong xưởng vẽ của mình, trong nhu cầu biểu đạt nội tâm của mình.
Các tác phẩm của tôi đều có mặt ở những cuộc triển lãm, được phát hành, được in ấn. Đó là một kênh để đối thoại trực tiếp với người yêu nghệ thuật. Tôi thể hiện tiếng nói cá nhân của mình, những mối quan tâm của mình qua sáng tác.
Tác phẩm 'Luân hồi', đồ họa độc bản. Tranh Nguyễn Văn Chuyên. |
- Điều anh trăn trở trong hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay là gì?
Tôi không có điều gì phải day dứt hay băn khoăn nhiều đâu. Tôi suy nghĩ giản dị lắm. Đời sống nói chung và nghệ thuật nói riêng luôn có những khúc quanh, những điểm rẽ, những đổi thay, nhưng luôn vận động hướng về phía trước.
Ai trong chúng ta cũng cần phải nỗ lực cố gắng, góp phần làm cho cuộc sống tốt lên. Người làm nghệ thuật cũng vậy. Mỗi cá nhân được đào tạo các chuyên ngành khác nhau, có năng lực và sở trường khác nhau, có những đóng góp khác nhau.
Tất nhiên cũng có một số họa sĩ mang suy nghĩ khác, lối đi khác, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới bầu không khí chung. Hoạt động mỹ thuật trong bối cảnh hội nhập hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa được bung tỏa hết mức.
Nhưng chắc chắn một vài năm tới sẽ có những nỗ lực phát triển rộng rãi hơn, sâu sắc hơn trong phạm vi khối ASEAN và châu Á. Với mỹ thuật trong nước, tôi cũng có nghe thông tin là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (trước kia gọi là Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc) vốn được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, tới đây có thể sẽ rút ngắn xuống còn 3 hay 4 năm một lần.
Như thế sẽ hợp lý hơn, chứ 5 năm thì dài quá. Hoặc Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN đã tổ chức được ba lần, nếu tổ chức được hàng năm và luân phiên ở các nước trong khối ASEAN thì tốt quá, đơn vị tổ chức là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và các nước thì sẽ nâng tầm vóc của cuộc thi lên rất nhiều, như chúng ta đã làm được trong triển lãm lần thứ III năm 2020.
Tôi cho rằng, các nhà quản lý đã và đang quan tâm nhiều hơn tới chiến lược phát triển văn hóa văn nghệ ở nước ta.
- Hiện nay, nhiều họa sĩ vẽ trên máy, sử dụng công nghệ để hỗ trợ quá trình sáng tác. Với anh thì sao?
Cá nhân tôi không thích điều đó. Bởi mỗi người có một cảm thụ thị giác khác nhau. Tôi thích sáng tạo với vật liệu của người Việt. Ví dụ, tôi thường làm tranh đồ họa độc bản in trên giấy dó. Tranh sơn mài cũng vẫn là cái sườn chính của mình.
Làm sơn mài đòi hỏi rất nhiều công sức. Tác phẩm của tôi thường có kích thước lớn, nhỏ cũng phải tầm hai mét vuông. Vì thế thời gian để hoàn thành một tác phẩm phải vài tháng.
Tranh cỡ bốn đến sáu mét vuông phải mất hằng năm, vì sơn mài cần thời gian chờ ủ và để khô, không thể thực hành như với chất liệu tổng hợp hoặc sơn dầu được. Trong những lúc chờ ấy, tôi có thể sáng tạo với vật liệu tổng hợp hay đồ họa...
- Anh nghĩ như nào về xu hướng liên kết giữa các ngành nghệ thuật hiện nay, và hội họa có vị trí như thế nào trong mối liên kết đó?
Hội họa đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Ở phương Tây người ta xếp hội họa nằm trong nghệ thuật thị giác, nhưng nó có vai trò và giá trị riêng, cách biểu đạt riêng. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng.
Nghệ thuật đương đại (Contemporary Art) hiện nay phát triển rất mạnh mẽ, nhiều loại hình: Sắp đặt, trình diễn, video art, digital art… Các loại hình lại có sự giao thoa đan kết với nhau.
Ví dụ như bây giờ người ta đưa cả cải lương vào xiếc, hay hát xẩm kết hợp với nhạc đương đại. Nghệ thuật phát triển thì chúng ta có thêm nhiều phương tiện biểu đạt mới, càng đa dạng càng tốt. Còn hội họa vẫn có vị trí, con đường riêng của nó.
- Nghệ sĩ hay nhắc tới sự cô đơn trong sáng tạo. Anh có đứng ngoài không, thưa anh?
Họa sĩ hay bất kỳ nghệ sĩ nào, lúc làm việc chỉ có một mình ở xưởng vẽ, trong studio hay một không gian nào đó. Một mình đối diện với tác phẩm, đối thoại cùng tác phẩm. Có thể gọi đó là cô đơn cũng được.
Song bên cạnh đó là cảm hứng, là những xúc cảm thăng hoa khi được nhìn sâu vào tâm hồn mình, cất gọi những niềm ưu tư hay hưng phấn hiện diện trên toan.
Cá nhân tôi luôn tìm thấy sự tĩnh tại, niềm hạnh phúc, như đang thiền vậy. Khi vẽ, họa sĩ gần như tuân thủ theo một thứ vô thức - theo đạo hội họa. Tôi nghĩ, đối với người sáng tác, lúc cô đơn ấy chính là lúc hạnh phúc nhất.
- Dự định của anh trong thời gian tới?
Tất nhiên ai cũng có một lịch trình riêng. Giảng viên có kế hoạch giảng dạy. Sinh viên có kế hoạch học tập. Họa sĩ có kế hoạch sáng tác. Tôi đang có một dự án sẽ thực hiện trong khoảng 3 năm.
Tất cả mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi và chỉ chờ bắt tay vào làm. Còn về chi tiết dự án này như thế nào thì tôi xin phép được giữ bí mật.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên về cuộc trò chuyện này!