Bốn họa sĩ cùng kể chuyện tháng Tư

GD&TĐ - Triển lãm 'Câu chuyện tháng 4' của bốn họa sĩ sẽ diễn ra tại J Art Space (30 đường số 10, Thảo Điền, Thủ Đức - TPHCM) từ ngày 21/4 đến 21/5.

Tranh của họa sĩ Hồ Hưng.
Tranh của họa sĩ Hồ Hưng.

Hơn 20 tác phẩm của bốn họa sĩ sẽ hội tụ trong triển lãm “Câu chuyện tháng 4” không chỉ phản ánh sự phát triển của mỹ thuật Việt, mà còn kể những câu chuyện sáng tạo đầy thú vị.

“Câu chuyện tháng 4” sẽ diễn ra tại J Art Space (30 đường số 10, Thảo Điền, Thủ Đức - TPHCM) từ ngày 21/4 đến 21/5, với bốn họa sĩ: Bùi Tiến Tuấn, Mạc Hoàng Thượng, Hồ Hưng và Đinh Văn Sơn.

Họ mang lại những câu chuyện đặc trưng khó trùng lặp, như chất phố hội phù phiếm luôn phảng phất trong tranh thiếu nữ thị dân của Bùi Tiến Tuấn.

Chất bàng bạc, hùng vĩ của phong cảnh vùng Đông Bắc trong tranh Mạc Hoàng Thượng. Chất huyền ảo bay bổng của Đinh Văn Sơn, hay sự mộc mạc, lãng mạn và tương phản trong tranh Hồ Hưng.

Hội tụ mỹ thuật đỉnh cao

“Giới mỹ thuật hay nói về bản sắc, nghe rất chung chung đôi khi trừu tượng, khó nắm bắt. Nhưng những tác phẩm trong “Câu chuyện tháng 4” thấy bản sắc Việt rất gần gũi, cụ thể vừa dung dị lại rất tân thời, vừa có sự rộng lớn của phong cảnh vừa có sự riêng tư gia đình, thấp thoáng bóng núi rừng hoang vu pha trộn giữa phố thị nhộn nhịp”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi

Theo nhận định của nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, về vật liệu và chất liệu các tác phẩm trong triển lãm “Câu chuyện tháng 4” của bốn họa sĩ rất khác nhau. Bùi Tiến Tuấn gần như đã “riêng một góc trời” với tranh lụa tân kỳ, vừa duy mỹ vừa giàu tính cách tân, tạo sức hút đặc biệt trên thị trường mỹ thuật khoảng 15 năm qua. Bùi Tiến Tuấn tạo ra một dấu ấn lớn, một bậc thầy mới của tranh lụa Việt Nam.

Tranh màu nước của Hồ Hưng có kỹ thuật rất cao, có sức lan tỏa, ảnh hưởng đến không ít họa sĩ vẽ màu nước khác của Việt Nam. Tiếp cận chủ đề mộc mạc bằng kỹ thuật màu nước bậc cao, diễn tả những điều tinh vi và tinh tế, là cách đi riêng của Hồ Hưng.

Tranh sơn mài của Đinh Văn Sơn có sự kết hợp, chắt lọc kỹ thuật, thẩm mỹ của sơn mài các vùng miền, xứ sở để tạo nên một bảng màu vừa kế thừa vừa cách tân, không khư khư lệ thuộc một truyền thống nào, mà thoải mái sáng tạo. Từ tạo hình và bảng màu sơn mài đặc trưng đó, khi chuyển sang vẽ sơn dầu Đinh Văn Sơn vẫn giữ được chất riêng của mình.

Tranh trừu tượng vật liệu tổng hợp của Mạc Hoàng Thượng có hai đặc điểm dễ nhận thấy. Đầu tiên, là sự tìm tòi về vật liệu để tạo ra một bề mặt phảng phất chất phù điêu, khảm chạm nhằm tạo chiều sâu về thị giác.

Thứ hai, dù trừu tượng nhưng phần ý tưởng và hình họa rất được quan tâm. Ví dụ khi xem các bức tranh có tên: Rừng người, Buổi chiều, Vươn lên… người xem sẽ cảm nhận rõ phần hình họa ẩn phía sau.

“Có được điều này, vì Mạc Hoàng Thượng là một trong vài họa sĩ giỏi hình họa bậc nhất hiện nay, lại là giảng viên Đại học Mỹ thuật nên chất học thuật dễ được nhận thấy. Nói cách khác, dù vẽ trừu tượng, họa sĩ vẫn “không thể quên” được hình họa”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết.

“Câu chuyện tháng 4” giống như một lát cắt của đời người. Nếu tranh của Bùi Tiến Tuấn là phần thanh xuân - xuân tình, thì tranh của Mạc Hoàng Thượng là phong thổ. Nếu tranh của Đinh Văn Sơn là khi thanh xuân đó bước vào đời sống gia đình với các cung bậc của hạnh phúc, thì tranh của Hồ Hưng là khung cảnh đời thường của hạnh phúc đó.

Mỗi người một câu chuyện

Tác phẩm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

Tác phẩm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Quảng Nam, từng là giảng viên Đại học Mỹ thuật TPHCM. Anh có bề dày thành tích sáng tạo, từ những năm 2010 đã nhận Huy chương Bạc triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Có tranh trong nhiều bộ sưu tập tại Việt Nam và quốc tế.

Bùi Tiến Tuấn cũng là tác giả 2 cuốn sách “Hơi thở nhẹ” và “Nguyệt sáng gương trong”. Anh có đến 17 triển lãm nhóm và 9 triển lãm cá nhân. Tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được định hình vững chắc với đặc trưng tranh lụa. Anh không vẽ một hình mẫu người phụ nữ cụ thể nào, mà vẽ những hình nhân của cái đẹp. Họa sĩ khai thác mọi khía cạnh, mọi khả năng của sự quyến rũ nữ tính.

Trong khi đó Mạc Hoàng Thượng lại tạo dấu ấn và phong cách qua mảng tranh siêu thực (sơn dầu) và tranh trừu tượng (acrylic). Với chì, họa sĩ cũng trình bày rải rác trong các triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân chủ đề “Gần” (2013) với sự tối giản, gợi sự chân thật và đầy sâu lắng.

Hồ Hưng lại chuyên vẽ màu nước, sớm tạo được tiếng vang trong nước và khu vực nhờ quá trình làm việc thành tâm và chuyên nghiệp. Tác phẩm màu nước của Hưng chín muồi về mặt kỹ thuật với đường cọ tỉ mẩn thể hiện cho thái độ thận trọng.

Những bức tranh màu nước trong giai đoạn gần đây của Hồ Hưng tạo ra những cái nhìn đầy bất ngờ về mặt thị giác, khiến người xem mường tượng bức tranh như một điêu khắc nổi.

Từ việc dùng màu nước để dạy vẽ, để ký họa ngẫu hứng cho đến sáng tác chuyên nghiệp là cả một khoảng cách xa xôi, một khác biệt của vật liệu. Ở Việt Nam số người dùng màu nước để vẽ thì nhiều, nhưng để gọi là một họa sĩ dùng màu nước để sáng tạo chuyên nghiệp thì lại hiếm.

Hồ Hưng cho rằng, việc hiểu rõ nguồn gốc của từng loại màu cũng quan trọng như việc làm chủ kỹ thuật, bởi vì độ loang màu trên bề mặt giấy rất khác. Đây có lẽ cũng là rào cản làm cho nhiều người sau khi tiếp xúc với màu nước thì bỏ cuộc.

Tranh và gốm của Đinh Văn Sơn hướng đến những điều giản dị, gần gũi nhất.

Tranh và gốm của Đinh Văn Sơn hướng đến những điều giản dị, gần gũi nhất.

Cuối cùng là Đinh Văn Sơn, người ta hay ví tranh anh vẽ và gốm anh làm, như thần tiên hay cổ tích. Nhìn toàn bộ sáng tác của hạo sĩ trong suốt nhiều năm, người xem sẽ thấy tác giả luôn truyền tải năng lượng tích cực. Tuy nhiên, để làm được điều đó là một điều cực kỳ khó vì ai cũng phải vật lộn với bộn bề cuộc sống, từ công việc cho tới tình cảm gia đình.

Cái tiêu cực luôn được đẩy lên cao trào, còn những tình yêu nhỏ bé trong gia đình lại thường bị ngó lơ giữa bao toan tính. Bởi vậy, họa sĩ muốn tình yêu nhỏ bé chính là cao trào, để mọi người có thể tự vấn chính thâm tâm mình, về những gì gần gũi và giản dị nhất trong cuộc sống này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ