Thổn thức mênh mang cùng họa sĩ Lê Quý Tông

GD&TĐ - Dự án của họa sĩ Lê Quý Tông được giới nghệ thuật đặc biệt quan tâm với những tác phẩm mới từ những thể nghiệm mới.

'Thổn thức mênh mang' chính thức mở cửa từ 23/3 và kéo dài đến 22/4 tại hai không gian của Manzi.
'Thổn thức mênh mang' chính thức mở cửa từ 23/3 và kéo dài đến 22/4 tại hai không gian của Manzi.

Trong tháng 3 và tháng 4/2023, họa sĩ Lê Quý Tông giới thiệu loạt tác phẩm mới trong dự án mở xưởng tại không gian của Manzi với tên gọi “Thổn thức mênh mang”.

Từ đầu năm 2023 cùng với những sôi động của triển lãm mỹ thuật, hoạt động mở xưởng của nghệ sĩ cũng rất được quan tâm. Trong số đó, dự án của họa sĩ Lê Quý Tông được giới nghệ thuật đặc biệt quan tâm với những tác phẩm mới từ những thể nghiệm mới.

Sáng tạo từ những điều có sẵn

Họa sĩ Lê Quý Tông.

Họa sĩ Lê Quý Tông.

Không còn mang cặp mắt u uẩn và hoài nghi về thời gian, lịch sử, ký ức như ở “Lam/True Blue” – Những tác phẩm mới của Lê Quý Tông phóng khoáng, trực tiếp đón nhận đời sống và bản chất loài người trong sự chằng chịt của đắm say và xấu xí bạo tàn. “Thổn thức mênh mang” chính thức mở cửa từ 23/3 và kéo dài đến 22/4 tại hai không gian của Manzi.

Sau nhiều triển lãm nhóm và cá nhân gây tiếng vang khắp trong và ngoài nước, trong tháng 3 và tháng 4 này tại không gian của Manzi (14 Phan Huy Ích và số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội) loạt tác phẩm mới trong dự án đang được phát triển của Lê Quý Tông sẽ đến với công chúng mộ điệu.

“Thổn thức mênh mang” gồm hơn 20 tác phẩm đa chất liệu trên toan và giấy. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng đồ sộ mà của Lê Quý Tông thực hiện trong suốt 4 năm qua.

Tiếp tục phát triển dựa trên “một tổ hợp nguồn”, bao gồm: Hội họa, họa tiết trang trí và ảnh chụp mà họa sĩ đã và đang liên tục thể nghiệm, với xuất phát điểm bắt đầu có thể đánh dấu từ triển lãm cá nhân “Lam/True Blue” vào cuối năm 2015.

“Thổn thức mênh mang” có thêm sự tham gia của một kỹ thuật mới - in lưới. Song hành với kỹ thuật đó là sự chuyển đổi rõ rệt trong bảng màu. Không còn giới hạn với phối màu đơn sắc hay tiết chế trong những tông trầm và lạnh như các series trước đây, loạt tranh trong trưng bày lần này chứng kiến sự đa dạng của các sắc độ.

Vậy nhưng, xa hơn kỹ thuật mới và màu sắc mới, sâu hơn những biến hình ở dáng vẻ bên ngoài mang âm hưởng PopArt, Lê Quý Tông liệu có tạo ra những cú nhảy mới nào ở “Thổn thức mênh mang” hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Biến chuyển đầu tiên có lẽ nằm ở tệp hình ảnh được nghệ sĩ phóng chiếu lên toan và giấy. Họa sĩ dường như thoải mái hơn trong việc lựa chọn điểm bắt đầu, thay vì chủ đích vay mượn một hình ảnh để neo đậu, dẫn dắt cho toàn bộ diễn biến sáng tác của mình và điều hướng tiếp nhận của khán giả.

Giờ đây, ngữ cảnh nguyên thủy không còn sức nặng chủ chốt, chúng có thể là ảnh tư liệu lịch sử, là bằng cứ cho một sự kiện đã diễn ra, là ghi chép… Đồng thời cũng có thể là chỉ dấu thị giác đặc trưng của văn hóa đại chúng, thậm chí cả minh họa trong truyện kể tôn giáo.

Tất cả những dữ liệu đầu vào ấy tình cờ được Lê Quý Tông nhìn thấy, bấm chọn, bị phân tách khỏi bối cảnh. Không gian, thời gian bị xóa nhòa và theo đó, những ranh giới của tự sự gốc cũng biến mất. Người xem không còn thấy phe địch - phe ta, chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều vô nghĩa.

Nhưng bất kể nghệ sĩ có tiến hành giải cấu trúc, phá hình ảnh đến đâu và làm nhiễu đến mức nào, thì hiện diện của bạo lực vẫn không thể bị đè lấp hoàn toàn, dấu vết của nó vẫn hiển lộ dù ít hay nhiều.

“Chiến đấu” khi ngắm tranh

Tác phẩm của Lê Quý Tông trong triển lãm 'Chất xúc tác' năm 2014.

Tác phẩm của Lê Quý Tông trong triển lãm 'Chất xúc tác' năm 2014.

Sinh năm 1977 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2000, Lê Quý Tông nhanh chóng định hình tên tuổi và tạo được chỗ đứng vững chắc trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Thời gian, kí ức, sự trống trải, hoài nghi và quá trình liên tục chất vấn bản chất là những nguồn cảm hứng bất tận nuôi dưỡng sáng tác của Lê Quý Tông. Tất cả thúc giục họa sĩ lao động cùng lúc trên nhiều ý tưởng, với nhiều chất liệu khác nhau.

Luôn đượm buồn với tông màu lạnh thời thượng, tranh phong cảnh của Lê Quý Tông không một bóng người. Ở đó, người xem cô đơn đối diện với các biểu tượng của đô thị đang “lột xác” thành hiện đại hóa.

Ngược lại, chùm thử nghiệm với tranh chân dung lại đẩy người xem vào một thế giới mộng mị, được xây dựng bởi chồng ghép các tầng lớp mang sắc pastel và motif thị giác vừa quen vừa lạ.

Năm 2014, “Chất xúc tác” là triển lãm đánh dấu một khởi đầu mới đầy thú vị của Lê Quý Tông: “Tôi thích ý tưởng làm lạc hướng hoặc thay đổi ý nghĩa ban đầu của một hình ảnh bất kỳ. Chất liệu cho sáng tác của tôi là những hình ảnh truyền thông có sẵn trên Internet.

Những hình ảnh giải trí, thông điệp văn hóa truyền thống, lịch sử, sự hoà nhập, về sự biến đổi trong quá khứ và hiện tại, về dục vọng, cảm xúc… và người xem có suy nghĩ theo những cách khác nhau. Không cần phán xét hay kết luận. Series này, tôi không suy nghĩ về xây dựng ý nghĩa cụ thể mà nghĩ về việc tạo ra chất xúc tác cho suy nghĩ”.

Vào năm 2019, triển lãm nhóm AIF Summer cùng với 7 họa sĩ khác, “Vàng dòng, chương III - Endgame” của Lê Qúy Tông đưa tới những mảnh ghép lộn xộn, cần người xem hoàn thành nốt phần còn lại trong sự hình dung và tưởng tượng của chính họ.

Chủ nghĩa lãng mạn mới trong “Thổn thức mênh mang” do không còn ngữ cảnh chi tiết, việc tả hay kể gần như bị bỏ qua. Vậy nên những chỉ dấu cụ thể trở nên độc lập, cùng với các đường nét chồng đè và lớp lớp màu sắc bật lại. Chúng thiết lập một hệ thống ký hiệu thẩm mỹ, một lớp biểu tượng trung gian thay vì là đối tượng được diễn giải.

Trí tưởng tượng của người xem, thông qua hệ thống này được kích thích và gợi mở, trong khi tư duy thôi bị dẫn dắt. Việc diễn giải các biểu tượng sẽ theo đó giải phóng khỏi khuôn thước của chính trị, đạo đức và văn hóa.

Đi từ một xuất phát điểm cụ thể dựa trên tư liệu ảnh phổ biến và có sẵn, qua một quá trình lao động được đẩy đến tận cùng - “Thổn thức mênh mang” tiến tới một chỉnh thể bị làm nhiễu có phần trừu tượng.

Tuy nhiên, cũng vì thế mà tác phẩm gần hơn với bản chất, khiến người xem bớt phần thiên vị. Xem từ góc độ đó, tranh của Lê Quý Tông cung cấp cho công chúng một cách “thử nhắm mắt” và kháng cự lại sự bủa vây của những thông tin thị giác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ