Hỏa hoạn từ hàn, cắt kim loại: Phải nhìn tận gốc vấn đề

Hỏa hoạn từ hàn, cắt kim loại: Phải nhìn tận gốc vấn đề

Công tác bảo hộ trong thi công hàn và cắt kim loại rất sơ sài
Công tác bảo hộ trong thi công hàn và cắt kim loại rất sơ sài

(GD&TĐ) - Các vụ hỏa hoạn do sơ xuất trong quá trình hàn, cắt kim loại xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây có hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, tại nhiều địa phương. Để phòng tránh những vụ hỏa hoạn kiểu này, bên cạnh công tác tăng cường phòng, chữa cháy, tăng chế tài xử phạt – cần nhìn thẳng vào đội ngũ thợ làm nghề hàn, cắt kim loại phần lớn không được đào tạo nghề chính qui, thiếu kĩ năng nghề căn bản…

Một tia lửa nhỏ thiêu rụi cuộc đời hàng chục con người

Thợ làm hàn xì, cắt kim loại  - đặc biệt là cho các công trình sửa chữa, cơi nới nhà dân – hiện nay đại bộ phận là học nghề kiểu “truyền miệng”. Nghĩa là kiểu anh em rủ nhau đi làm nghề rồi dạy việc cho nhau qua kinh nghiệm bản thân.

Tại những công trình làm lồng sắt cơi nới diện tích cho các khu tập thể, thợ hàn cắt lồng sắt, nhiều thợ học vấn rất thấp và kiến thức hàn xì “abc” cũng vác que hàn hàn xì như ai.

Từ tầng cao, hàng trăm tia lửa bắn văng xuống các tầng dưới và nếu gặp vật liệu dễ bắt cháy như chăn màn quần áo, tấm nhựa xốp… thì chuyện hỏa hoạn là đương nhiên. Có điều cháy nhỏ kịp dập tắt và cũng chẳng ai muốn truy đến cùng trách nhiệm mấy anh thợ đầu sai.

Hàn cắt kim loại đã là một trong những thủ phạm chính gây hỏa hoạn trên cả nước bên cạnh chập điện. Tính từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2013, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy lớn có nguyên nhân từ hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn.

Điển hình là các vụ cháy Vũ trường Phương Đông (Đà Nẵng, ngày 23/12/2012); quán ba Barocco (TPHCM)… gây thiệt hại tài sản hàng tỉ đồng.

Đặc biệt vụ cháy vào trung tuần tháng 11 gây bàng hoàng dư luận tại Zone 9 (phố Trần Thánh Tông, Hà Nội) gây thiệt hại thảm khốc về con người; 6 lao động khỏe mạnh tử vong trong giây lát. Và chỉ mới đây thôi, vào 9 giờ sáng ngày 23/11, trong quá trình hàn điện sửa xe máy, thợ sửa xe đã gây cháy lớn tại một gia đình thôn Tả Van, Sapa (Lào Cai)…

Trong vụ cháy Zone 9, một công nhân làm thuê tên Nguyễn Trọng Duy (28 tuổi) đã bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp vì trực tiếp hàn và liên quan đến vụ hỏa hoạn.

Theo Điều 240 – Bộ luật Hình sự, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 - 12 năm. Chắc hẳn những thợ hàn như Duy không biết tới cái giá phải trả đắt như thế nào cho hành vi bất cẩn của mình nhưng liệu họ có thể tránh gây họa được không nếu không được đào tạo một cách cơ bản kĩ năng nghề nghiệp?

Hàn – nghề nguy hiểm khó học

Nếu như những anh thợ lao động từ quê lên phố tưởng rằng chỉ cần đeo kính đen, cầm que hàn là đã thành thợ hàn – thì hoàn toàn nhầm to.

Đây là một trong những nghề khó học trong các trường nghề. Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, nghề hàn được đào tạo sơ cấp khoảng 3 tháng. Trong thời gian này, nếu học tích cực tại trung tâm đào tạo chất lượng cao thì một lao động mới có khả năng đạt kĩ thuật 6G.

Nhưng nếu đào tạo ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện, cấp tỉnh…, thiếu máy móc, kĩ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế thì học viên chỉ đạt tay nghề ở mức từ 1 – 3G, và sử dụng hàn điện. 

Nếu đạt kĩ thuật 3G đúng chuẩn thì đã có thể đáp ứng được đòi hỏi với nhiều công trình chỉ cần tới tay nghề loại này. Tuy nhiên trong 3 tháng học sơ cấp thường thì trình độ học viên còn vô cùng non nớt. Nhiều nơi quá trình thực tập mỗi ngày chỉ được hàn 3 - 4 que như kiểu cưỡi ngựa xem hoa.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy đa phần thợ hàn hiện nay không được huấn luyện về an toàn cháy nổ. Vì thế dạy kĩ năng nghề là một chuyện, việc dạy học viên về mối nguy hiểm của nghề này cũng cần được các trung tâm dạy nghề đặt lên hàng đầu.

Cần biết rằng ánh sáng từ ngọn lửa hàn rất mạnh và nhiều tia độc hại nên học viên phải đeo mặt nạ đặc biệt. Học viên cũng cần nhận thức rõ nguy cơ bắt cháy từ tia lửa hàn, cắt kim loại.

Trong quá trình hàn, tia lửa hàn, vẩy hàn có thể bắn ra xa từ 5 - 7 mét và nhiệt lượng của nó rất cao (tới 6.000 độ C) nên trong vòng bán kính này tuyệt đối không để hàng hóa, vật liệu dễ bắt cháy…

Hiểu biết non nớt về nghề của thợ hàn, cộng với ý thức thiếu trách nhiệm “sống chết mặc bay”, không quản lí giám sát của chủ sử dụng lao động; ý thức bàng quan tới công tác phòng chữa cháy của cơ sở thuê thợ hàn…- là những vấn đề cần giải quyết, khắc phục nhằm giảm hỏa hoạn trong thời gian tới.

Hà Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ