Hoa atisô đỏ có phải thần dược?

Liệu loài hoa atisô đỏ khiến người tiêu dùng “sốt sình sịch” có công dụng chữa được bách bệnh như lời đồn thổi?

Hoa atisô đỏ có phải thần dược?

Atiso đỏ đang được xem là "thần dược" mới, chính vì thế, các xe hàng bày bán hoa này cũng mọc lên như nấm và việc mua bán khá rộn ràng. Trong khi đó, thông tin về công dụng và cách chế biến atiso đỏ để chữa bệnh, nhất là các loại bệnh như tiểu đường, ung thư lại thuộc dạng "tam sao thất bản", được chia sẻ rất nhiều qua truyền miệng và trên mạng.

Được biết, loài hoa này là loại hoa bụi có mặt ở rất nhiều vùng quê trên nước ta với nhiều tên gọi dân gian khác nhau như: hoa bụp giấm, hoa vô thường, hoa siro. Chúng chỉ nở rộ vào tháng 10 và 11 mỗi năm nên cũng dễ hiểu vì sao người ta lại tháo nhau tìm mua thời gian gần đây, những chiếc xe với núi hoa đỏ rực cũng vì thế mà tràn ra hè đường.

Trên những con đường lớn ở TPHCM như Trường Chinh, Cộng Hòa, Điện Biên Phủ... không khó để tìm được những chiếc xe 3 bánh chở đầy hoa atiso đỏ đứng thành dãy. Đều đặn khoảng 10 phút lại có 2 đến 3 khách ghé vào, từ anh chở hàng đến chị em công sở, ai cũng mua theo ký, hầu như không có trường hợp mua theo gram. Atiso đỏ được bán trên các con đường ở Sài Gòn thường có giá là 30 nghìn một ký, mua một lượt từ 2 ký trở lên sẽ được giảm còn 25 nghìn một ký.

Theo nhiều người bán hàng cho biết nguồn hoa atiso đỏ thường từ các tỉnh như Lào Cai, Buôn Mê Thuột, Đồng Nai, Kiên Giang về. Công dụng của loại hoa này có rất nhiều tuy nhiên ai cũng chỉ "nghe nói" hoặc " trên mạng nói". "Ai tới mua cũng hỏi ngâm làm sao, chế kiểu nào, chữa bệnh gì. Tôi nói ra rả, nhiều lúc mỏi mồm quá phải bảo họ tự lên mạng mà tìm, trên mạng nhiều thông tin lắm", anh Thanh Đức nói.

Tại một xe bán hoa atiso đỏ trên đường Cộng Hòa (Tân Bình) ghé vào hỏi người bán công dụng của loại hoa này thì anh Phương, người bán hàng, lập tức lấy điện thoại ra và dẫn vài bài báo, video cho khách mua xem. Anh tiết lộ những người buôn bán "thần dược" như anh rất chăm đọc thông tin trên mạng để cập nhật công dụng của loài thảo mộc để nói lại với người mua. Theo anh Phương, hoa atiso đỏ có hàng loạt các công dụng từ giải cảm, trị ho, thanh lọc cho đến chữa tiểu đường, hư thận và nhiều bệnh khác.

Bản thân những người mua cũng chỉ là truyền tai nhau hoặc đọc tin tức, bình luận trực tuyến mà tìm đến hoa atiso đỏ. Trên các diễn đàn và facebook cũng chia sẻ cho nhau rất nhiều cách chế biến hoa atiso đỏ để chữa bệnh, đa số là ngâm với đường hoặc rượu, nhưng loại đường hay loại rượu nào, ngâm bao lâu, ngâm như thế nào thì mỗi người mỗi vẻ. Ngoài ra người ta còn rỉ tai nhau phơi khô làm mứt, làm siro, nấu canh, trộn rau, kết hợp với loại cây khác với đủ kiểu công thức.

Hoa atisô đỏ có phải thần dược?

Hoa atisô đỏ có phải thần dược?

Trao đổi về công dụng của hoa atisô đỏ (có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa), bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên, khoa y học cổ truyền Bệnh viện Bình Tân, TP.HCM, cho biết hoa có nguồn gốc ở Tây Phi, được trồng lấy ngọn và đài hoa làm rau chua, thuốc, đài hoa có màu đỏ tím sẫm để pha nước giải khát.

Cũng như nhiều loại thảo dược khác, nhờ “công nghệ” truyền thông mà công dụng của các loại cây cỏ thảo dược được “nâng tầm” để thuận tiện cho việc kinh doanh. Do đó người dùng càng cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng.

Theo bác sĩ Minh Nhiên, bụp giấm có vị chua, lợi tiểu, mát gan, lọc thận... Thành phần của cây có nhiều loại có lợi cho sức khỏe như acid ascorbic giúp tăng sức đề kháng, bền thành mạch máu tốt cho mạch máu, với người bị bệnh trĩ giúp hạn chế chảy máu, giúp cơ tim khỏe hơn, tốt cho người hay bị chứng hồi hộp đánh trống ngực... Alkaloid và L-arginine có tác dụng giảm cholesterol trong máu, hạ huyết áp...

Nhưng bác sĩ Nhiên nhấn mạnh đây là một loại thực phẩm hỗ trợ chức năng, không độc, cũng không hại, không phải là thuốc để có tác dụng điều trị bệnh lý nền có sẵn. Lưu ý là cần sử dụng đúng liều lượng và đặc biệt cần được khám trước khi sử dụng để tránh làm bệnh có sẵn nặng hơn như gan và thận phải làm việc nhiều hơn, khiến bệnh nhân bệnh suy gan, suy thận nặng hơn. Hoặc không tốt cho người bị dạ dày bởi bụp giấm có tính acid cao.

Còn đối với những loài cây được cho là "thần dược" khác như cây đinh lăng, nhàu, nở ngày đất…đều có tác dụng trị bệnh nhất định của nó. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cây thuốc nào được gọi là thần dược cả. Vì bệnh thường là do một chuỗi các rối loạn của nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể, nên nếu hy vọng chỉ dùng một cây thuốc để trị dứt bệnh là rất khó. Những bệnh nan y thì càng không được. Không nên nghe lời mách bảo của những người không có chuyên môn mà từ chối cách trị liệu đã được chứng minh qua thực tế và nên tuân thủ ý kiến của chuyên gia.

Theo phunutoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ