Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng Hồ Xuân Hương luôn hạn chế việc dùng điển trong các tác phẩm thơ Nôm. Tuy nhiên, đọc lại thơ Nôm của bà, không khó để nhận ra sự có mặt thường xuyên của điển cố.
Khảo sát 89 bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (1), chúng tôi thống kê có hơn 58 lần điển cố được dẫn, trung bình 0,65 điển/bài, một tần số tương đối cao. Hơn nữa, chính địa hạt điển cố lại là một trong những nơi thể hiện rõ thiên tài ngôn ngữ của Xuân Hương, người “sáng tạo những cấu trúc ngôn ngữ thơ đầy tài năng, đến nay, chưa dễ ai hiểu hết” (2).
Hồ Xuân Hương - bậc thầy điển cố Hán học
Hồ Xuân Hương là người sành điển. Điển cố Hán học có nguồn gốc từ kho tàng lịch sử, văn hóa, văn chương đồ sộ của Trung Hoa vốn xa lạ, cầu kỳ vào tay bà lại hóa đơn giản, như không. Nữ sĩ có biệt tài giáng cấp điển cố, khiến chúng đánh mất dần tư cách điển, trở thành những từ ngữ thông thường, lẫn vào trong văn bản. Đó là lý do khiến người đọc không nhận ra sự hiện diện của điển cố trong nhiều tác phẩm của bà.
Tài năng ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương là điều không cần bàn cãi. Trong nghệ thuật dụng điển, bà xứng đáng được xem là bậc thầy. Hai thủ pháp nổi bật làm nên phong cách dùng điển độc đáo của bà là Việt hóa và lạ hóa điển cố gốc Hán.
Việt hóa điển cố gốc Hán
Am tường về điển, Hồ Xuân Hương nhận ra những giới hạn của điển cố ngoại lai trong việc thể hiện tâm hồn, tình cảm người Việt. Bằng ý thức dân tộc sâu sắc, nhà thơ đã tích cực diễn giải, Việt hóa lớp điển gốc Hán bằng nhiều phương thức, trên nhiều cấp độ. Trước hết, nhà thơ chủ động thay đổi cấu trúc ngữ pháp của điển, đưa chúng từ ngữ pháp Hán văn trở về ngữ pháp tiếng Việt. Chẳng hạn, với điển nguyệt lão, nguyệt ông (dạng rút gọn của nguyệt hạ lão nhân, chỉ người mai mối, nhân duyên vợ chồng) được Hồ Xuân Hương đổi thành ông nguyệt, lão nguyệt như trong:
Ông nguyệt nỡ nào trêu quải mãi (Thương thay phận gái);
Lão nguyệt nhẽ nào trêu quải mãi (Chi chi chuyện ấy);
Thậm chí, điển nguyệt lão còn được nhà thơ chuyển dịch sang hình thức ngữ âm thuần Việt thành trăng già:
Trăng già có nhẽ trêu nhau mãi (Đàn gảy)
Điển nhân danh, địa danh chiếm số lượng khá lớn trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đây là nhóm điển có hình thức cố định, ít thay đổi. Để Việt hóa, nhà thơ sử dụng phương thức giáng cấp cấu trúc ngữ pháp của điển bằng cách thêm vào yếu tố chỉ loại, đưa điển từ danh từ thành cụm danh từ dựa trên quy tắc ngữ pháp Việt, theo công thức: Từ/ cụm từ + điển --> cụm từ. Chẳng hạn:
Xin theo ông Khổng về Đông Lỗ (Con cua);
Chứ chị Hằng Nga đã mấy con (Hỏi trăng 1);
Chị Hằng khéo nhẽ éo le thôi (Thương thay phận ấy);
Giọt nước duềnh Tương đã đến đâu (Hữu cảm);
Với nhiều điển gốc Hán khác, nhà thơ cũng sử dụng phương thức giáng cấp cấu trúc này, ví như:
Một vũng tang thương nước lộn trời (Chơi Khán Xuân đài);
Hỏi con ngọc thỏ đà bao tuổi (Hỏi trăng 1);
Trăm năm càng khỏi tiếng nương dâu (Vô âm nữ);
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh (Chiếc bách);
Cũng như điển nhân danh, địa danh, điển gốc Hán dạng thành ngữ thường có hình thức cố định, công thức, từ lâu đã trở nên quen thuộc, khó thay đổi. Đối với nhóm điển này, Hồ Xuân Hương thường đảo lộn hay chêm xen vào nội bộ điển yếu tố mới nhằm xóa mờ tư cách thành ngữ, chẳng hạn:
Kén chọn làm chi thế ối anh
Lấy ai khuynh quốc với khuynh thành
(Thị Đểu thi)
Cùng với thay đổi cấu trúc điển, Hồ Xuân Hương còn chuyển dịch điển gốc Hán bằng cách diễn giải nội dung điển, gây mờ nhòe hình thức tồn tại của điển trong câu thơ. Chẳng hạn, với điển hồng diệp (thường đi chung với xích thằng, Nguyễn Du chuyển dịch thành lá thắm chỉ hồng; gắn với tích truyện đề thơ trên lá thả trôi theo dòng nước, chỉ nhân duyên đôi lứa, vợ chồng), bên cạnh hình thức ngắn gọn thơ lá (trong câu Muốn trôi thơ lá mà than thở - bài Giong thuyền thưởng nguyệt), nhà thơ còn có hình thức diễn giải cụ thể hơn:
Tuy không thả lá trôi dòng ngự
Chim tới vườn đào thế mới xinh
(Duyên kỳ ngộ)
Bằng những phương thức đa dạng, độc đáo, Hồ Xuân Hương đã thành công trong việc Việt hóa nhiều điển cố gốc Hán, khiến chúng đánh mất dần tư cách điển ngoại lai cùng tính chất xa lạ, bí hiểm; đưa chúng trở về gần gũi với tiếng Việt, cách nói cách nghĩ của người Việt. Nhờ đó, điển gốc Hán trong thơ bà mang những diện mạo mới, có khả năng biểu đạt phong phú, sinh động và phù hợp hơn, đem lại nhiều giá trị thẩm mĩ khác lạ.
Thành công ấy của Hồ Xuân Hương nói riêng, các tác giả thơ Nôm nói chung là một biểu hiện sinh động cho sự vận động, phát triển của văn học trung đại Việt Nam theo khuynh hướng dân tộc trong quá trình tiếp biến, Việt hóa các giá trị văn hóa ngoại lai trên nhiều phương diện, trong đó có điển cố, thi liệu.
Tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một trong những người thành danh của làng Quỳnh, được dựng trong khu tưởng niệm nữ sĩ tại làng Quỳnh. |
Lạ hóa điển cố gốc Hán
Không bằng lòng với những giá trị cố định trở thành công thức, sáo mòn, ước lệ của điển cố Hán học, Hồ Xuân Hương với cá tính sáng tạo độc đáo thường xuyên lạ hóa lớp điển này. Lạ hóa ngữ nghĩa và lạ hóa sắc thái biểu cảm là hai phương thức chính.
Tiêu biểu cho phương thức thứ nhất là hai điển Bồng đảo và Đào nguyên trong câu:
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Đây là hai điển quen thuộc trong văn chương trung đại, được dùng để chỉ cảnh đẹp như chốn thần tiên. Tuy nhiên, Hồ Xuân Hương dùng chúng với nghĩa khác: Chỉ các cơ quan sinh dục nữ. Sử dụng điển cố, thi liệu thuộc trường nghĩa chỉ thiên nhiên cảnh vật để miêu tả cơ thể con người một cách ước lệ là thủ pháp quen thuộc có tính chất đặc trưng của văn học thời trung đại. Tuy nhiên, sử dụng chúng để chỉ trực tiếp cơ quan sinh dục một cách hợp lý, bất ngờ và đầy gợi cảm như Hồ Xuân Hương là hiện tượng cá biệt.
Với khả năng liên tưởng phong phú, Hồ Xuân Hương thể hiện tài năng dùng điển bằng cách bổ sung cho điển những nét nghĩa mới, lạ. Tài năng ấy khiến nhiều điển cố vào tay Hồ Xuân Hương có sức sống lâu bền và khả năng lan tỏa sâu rộng, làm cho hậu thế phải ngạc nhiên, ngưỡng mộ. Cách nói “đôi gò Bồng đảo” để chỉ đôi vú của người phụ nữ rất phổ biến trong ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ sinh hoạt hiện nay (3) chính là một di sản mà Hồ Xuân Hương để lại trong tiếng Việt hiện đại.
Cùng với lạ hóa ngữ nghĩa, Hồ Xuân Hương còn lạ hóa sắc thái biểu cảm của điển cố gốc Hán. Do nhiều nguyên nhân lịch sử, văn hóa (vay mượn từ thư tịch, kinh sách…), nội dung chuyển tải (đạo lý thánh hiền, ý thơ kinh điển…), điển gốc Hán thường mang tính chất nghiêm túc, trang nhã. Bởi đó, lớp điển này thường được dùng trong thơ nói chí, tỏ lòng, ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa hay vịnh sử, miêu tả thiên nhiên... Tuy nhiên, Hồ Xuân Hương lại sử dụng nhiều điển cố gốc Hán với sắc thái trào lộng nhằm mục đích phê phán. Chẳng hạn, cùng với lối nói lái, nước đôi thanh tục và giọng điệu mỉa mai, các điển cố Phật giáo với sắc thái trang nghiêm lại được nữ sĩ dùng với sắc thái tiêu cực để châm biếm, đả kích tầng lớp tu hành biến chất:
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo (Kiếp tu hành);
Gậy thần Địa Tạng khi chèo chống
Tràng hạt Di Đà đếm lại đeo(Vịnh ni sư)
Rõ ràng, thay đổi nội dung ngữ nghĩa và sắc thái biểu cảm của điển cố gốc Hán, Hồ Xuân Hương đã mở rộng phạm vi hình chức của điển, mang đến cho điển những khả năng biểu đạt mới. Những ấn tượng, hiệu quả thẩm mỹ mới lạ, độc đáo mà lớp điển được lạ hóa này mang lại cho thơ Hồ Xuân Hương là điều không thể phủ nhận. Hồ Xuân Hương là nhà thơ tài hoa và cá tính bậc nhất của thơ ca Việt Nam. Chỉ một phương diện nhỏ trong thế giới thơ của bà là nghệ thuật dùng điển cũng đủ nói lên điều này.
Hồ Xuân Hương – nhà thơ trân trọng điển cố dân tộc
Cùng với ý thức Việt hóa, lạ hóa điển cố ngoại lai có nguồn gốc Hán học, Hồ Xuân Hương còn tích cực tìm về với điển cố nội sinh, đưa lớp điển này trở thành đối trọng với điển cố gốc Hán.
Điển cố nội sinh có nguồn gốc từ lịch sử, văn hóa, văn chương dân tộc. Lớp điển này ra đời cùng với khuynh hướng trở về, đề cao các giá trị nội sinh của văn học trung đại trên diễn trình thoát ly khỏi từ trường của văn hóa, văn chương Trung Hoa. Trong tiến trình vận động của văn học Việt Nam, thành tựu của điển cố nội sinh chủ yếu gắn liền với sự phát triển của bộ phận văn học chữ Nôm (4). Trên phương diện lựa chọn thi liệu, văn liệu, điển cố nội sinh là một trong những biểu hiện quan trọng cho tinh thần dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật của các tác giả văn học trung đại Việt Nam.
Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến… là những tác giả tiêu biểu cho hướng đi này.
Điển cố nội sinh trong thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu có nguồn gốc từ thơ ca dân gian người Việt. Tìm về với mạch nguồn thơ ca dân tộc, nhà thơ tìm thấy ở đó nhiều chất liệu quý giá cho sáng tạo nghệ thuật. Nhiều hình ảnh của ca dao, thành ngữ, tục ngữ được Hồ Xuân Hương đưa vào sáng tác với tư cách là những điển cố. Chẳng hạn, điển mưa gieo xuống giếng (5) chỉ thân phận người phụ nữ trong câu: Mưa gieo xuống giếng uổng lòng mong (Thương ôi phận gái) bắt nguồn từ câu ca dao quen thuộc:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng, hạt ra ruộng cày.
Hoặc như trong bài Vô âm nữ, nhà thơ dùng liên tiếp hai điển con chuột nhắt, cái ong bầu để ám chỉ sự bất công của tạo hóa đối với những người đồng tính nữ (6), trong câu:
Rúc rích thay cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
Các điển này bắt nguồn từ hai bài ca dao sau:
Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ, chuột tha mất l…
và
Bà cốt đánh trống long tong
Nhảy lên nhảy xuống, con ong đốt l…
Khác với hình ảnh, thi liệu thông thường, điển cố phải mang tính biểu trưng, khái quát cho một ý nghĩa nào đó. Sử dụng thi liệu của thơ ca dân gian, Hồ Xuân Hương đã khái quát hóa ý nghĩa của nhiều thi liệu, biến chúng trở thành điển cố. Văn học dân gian vào thơ bà có một đời sống mới với những tầng nghĩa mới. Đây là một trong những lý do để khẳng định Hồ Xuân Hương “nghĩ cái nghĩ dân gian, cảm cái cảm dân gian […], rất dân gian nhưng cũng rất Xuân Hương” (7).
Hồ Xuân Hương là nhà thơ yêu quý, trân trọng thơ ca dân gian bậc nhất trong lịch sử văn học dân tộc. Am hiểu, tìm về với văn học dân gian, bà không chỉ sử dụng các chất liệu của văn học dân gian một cách điêu luyện, tài tình mà còn tái tạo chúng thành những sinh thể mới.
Điển cố có nguồn gốc thơ ca dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương là những đóng góp quan trọng của “bà chúa thơ Nôm” vào gia tài điển cố nội sinh, góp phần đưa điển cố nội sinh trở thành đối trọng của điển cố ngoại lai. Trên diễn trình đưa nghệ thuật dùng điển thoát khỏi sự chi phối của điển Hán học để tìm về điển cố trong kho tàng lịch sử, văn hóa dân tộc của văn học trung đại, Hồ Xuân Hương có một vị trí trang trọng.
Kết
Có thể khẳng định, Hồ Xuân Hương là nhà thơ dùng điển tài hoa, xuất sắc của văn học trung đại Việt Nam. Cá tính sáng tạo, tài năng ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật của Hồ Xuân Hương thể hiện rõ trên nhiều phương diện, trong đó có nghệ thuật sử dụng điển cố. Tích cực Việt hóa điển cố gốc Hán, tìm về với điển cố nội sinh, thơ bà thể hiện khuynh hướng dân tộc một cách mạnh mẽ, sâu sắc. Đây là một trong những mạch nguồn làm nên giá trị, sức sống lâu bền của thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Quảng Ngãi, 21/6/2022
1.Theo Hồ Xuân Hương – Thơ và đời, Nhóm Tri thức Việt tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 2012.
2.Đỗ Đức Hiểu (1990), “Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Văn học, số 5.
3.Gõ cụm từ “đôi gò Bồng đảo” trên công cụ tìm kiếm Google, có 402.000 kết quả tìm được trong 0,33 giây.
4.Điển cố nội sinh cũng được sử dụng trong văn học chữ Hán, chủ yếu là các điển nhân danh, địa danh liên quan đến lịch sử dân tộc.
5.Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều cũng dùng điển tương đương, trong câu: Hạt mưa đã lọt miền đài các/ Những mừng thầm cá nước duyên may. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng dùng tương tự, trong câu: Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba sinh.
6.Bài thơ này còn có nhan đề Quan thị (tức hoạn quan). Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với TS. Nguyễn Thị Quốc Minh trong bài viết “Hồ Xuân Hương, nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết về LGBT” (báo Thể thao & Văn hóa, số xuân Nhâm Dần 2022) khi khẳng định bài thơ phải có tên Vô âm nữ và đối tượng mà Hồ Xuân Hương nhắc đến là người đồng tính nữ. Hai điển “con chuột nhắt” và “cái ong bầu” cho thấy điều này.
7.Nguyễn Đăng Na (1991), “Thơ Hồ Xuân Hương với văn học dân gian”, Tạp chí Văn học, số 2.