Đến với bài thơ hay: Em bé Lý Sơn

GD&TĐ - Ai từng đến Lý Sơn, chắc sẽ phải ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên nên thơ của hòn đảo vẫn được mệnh danh “vương quốc tỏi” ở tỉnh Quảng Ngãi.

Một góc đảo Lý Sơn.
Một góc đảo Lý Sơn.

Em sinh ra từ đảo

Lý Sơn là quê hương

Lý Sơn là máu thịt

Một đời em yêu thương

Ở đây nắng và gió

Thơm như là tuổi thơ

Ở đây sương và khói

Ảo huyền hơn giấc mơ

Ngày ngày em đi học

Trong hương tỏi nồng nàn

Biển xanh màu ngọc bích

Sóng ầm ầm réo vang

Cha em - chàng ngư phủ

Hồn nhuốm màu gió sương

Nên giọng cười sảng khoái

Giông bão đều coi thường

Và em thương, thương lắm

Mẹ vất vả đêm ngày

Những trưa tròn bóng nắng

Cuốc chưa rời đôi tay

Cứ mỗi rằm, lễ, tết

Em vẫn thường thắp nhang

Hàng hàng ngôi mộ gió

Gợi nỗi gì mang mang

Ôi một thời oanh liệt

Bao người lính Hoàng Sa

Vì thiêng liêng... ngã xuống

Giữ biển, trời bao la...

Hà Huyền Diệu

Lời bình của Đặng Toán

Lý Sơn như vừa hiện ra qua những vần thơ dung dị mà diệu vợi: “Ở đây nắng và gió/Thơm như là tuổi thơ/Ở đây sương và khói/Ảo huyền hơn giấc mơ”...

Đây là khổ hay nhất trong bài. Hình ảnh so sánh đậm chất thơ, vừa trong trẻo vừa hết sức mơ mộng rất phù hợp với tâm lí các em nhỏ đang ở vào cái tuổi mộng mơ nhất.

Nhân vật trữ tình tự giới thiệu mình là “em bé Lý Sơn”, vẫn đang còn độ tuổi “Ngày ngày em đi học/Trong hương tỏi nồng nàn”. Hình thức diễn đạt hết sức tự nhiên, chân thật nhưng cũng rất biểu cảm.

Tỏi là một loại cây gia vị có mùi đặc trưng khá khó chịu với nhiều người khi mới chỉ ngửi thoáng qua. Song ở Lý Sơn, nó đã trở thành đặc sản, tạo nên “thương hiệu” cho hòn đảo xinh đẹp này.

Hương vị nồng nàn ấy đã hóa thành tâm hồn, thành tình yêu quê hương sâu nặng. Và cách mà tác giả thể hiện tình cảm yêu quý, lòng tự hào về gia đình, về quê đảo thân thương “máu thịt” của mình lại cũng rất chững chạc, có chút già dặn của những em nhỏ sớm trưởng thành.

Hẳn là trong suy nghĩ của em, quê hương đầu tiên phải là những gì gần gũi nhất, gắn bó, thân thương nhất. Hãy nghe em nói về điều đó thông qua hình ảnh người cha của mình với tất cả niềm yêu kính, ngưỡng mộ vô bờ bến: “Cha em - chàng ngư phủ/ Hồn nhuốm màu gió sương/ Nên giọng cười sảng khoái/ Giông bão đều coi thường”.

Còn hình ảnh người mẹ “vất vả đêm ngày/ Những trưa tròn bóng nắng/ Cuốc chưa rời đôi tay” lại nhắc em luôn ghi khắc trong tim sự tảo tần, đức hi sinh cũng như công ơn bao la biển trời của mẹ.

Nói đến Lý Sơn, viết về Lý Sơn sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến một nghi lễ mang màu sắc tâm linh, nhằm tri ân, tưởng nhớ các hùng binh Hoàng Sa đã “vì thiêng liêng ngã xuống/ Giữ biển trời bao la”: Lễ khao lề lính thế Hoàng Sa.

Không đi vào mô tả chi tiết, Hà Huyền Diệu đã thể hiện những hiểu biết nhất định và tỏ tấm lòng tri ân đó bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần duy trì phong tục tốt đẹp cùng người dân nơi đây: “Cứ mỗi rằm, lễ, tết/ Em vẫn thường thắp nhang/ Hàng hàng ngôi mộ gió/ Gợi nỗi gì mang mang”.

Việc làm ngỡ chỉ dành cho những bậc cao niên, lại được một em nhỏ thực hiện đều đặn, vào những thời khắc thiêng liêng với một sự thành kính, biết ơn chân thành, sâu sắc.

Qua đó thấy được sự giáo dục của gia đình, của nhà trường cũng như truyền thống hào hùng của quê hương đã in đậm trong tâm hồn, trong suy nghĩ của mỗi người dân quê đảo.

Khi sáng tác bài thơ này Huyền Diệu mới chỉ 14 tuổi, bởi vậy, người đọc càng cảm thấy thích thú khi được thưởng thức những câu thơ hồn nhiên mà chững chạc nơi một cô bé đang ở vào độ đẹp nhất của lứa tuổi học trò.

Chúc mừng Hà Huyền Diệu với một tác phẩm hay về quê đảo của mình. Hy vọng em sẽ có những thành công hơn nữa nếu gắn bó và đam mê cùng con chữ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ