Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX: Cần sự đầu tư thỏa đáng
Đồng hành từ nhiều phía
Theo bà Trương Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, trong 5 năm qua, UBND tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển trường MN tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2022. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 4 trường MN nằm trong KCN-KCX, 20 trường và 237 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục giáp ranh các KCN.
Từ thực tiễn địa phương, ngành GD-ĐT chủ động tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND quy định việc hỗ trợ trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, Đồng Nai hỗ trợ cho giáo viên dạy bán trú tại các cơ sở GD mầm non ngoài công lập 500.000 đồng/người/tháng và 700.000 đồng/người/tháng cho nhân viên cấp dưỡng ngoài công lập theo Nghị quyết 147 của HĐND tỉnh; hỗ trợ một phần kinh phí bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên ngoài công lập. Đồng thời chỉ đạo thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế để khuyến khích phát triển trường MN tư thục, nhất là các KCN.
Tại TPHCM, sở GD&ĐT cũng làm tốt công tác tham mưu cho UBND ban hành quyết định phê duyệt đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN-KCX” đến năm 2020. Kế tiếp, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN - KCX trên địa bàn TP. Theo đó, ngân sách TP chi hơn 2,1 tỷ đồng để hỗ trợ các nhóm trẻ về trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, cơ sở vật chất và chi hơn 1,6 tỷ đồng tiến hành lắp đặt camera tại 60 nhóm trẻ thuộc 10 quận, huyện.
Theo cô Vương Thị Đào, Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT Hải Phòng, những năm trước đây, Hải Phòng xuất hiện nhiều nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết 54 của HĐND TP về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non đến THPT trên địa bàn, cơ sở GD mầm non tư thục được cấp phép, trẻ mới được hưởng thụ. Đây là cú hích quan trọng giúp thành phố không lớp mầm non tư thục không phép hoạt động.
Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT, để phát triển các nhóm trẻ tư thục độc lập ở KCN-KCX không thể thiếu sự chung tay, đồng hành và trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Phong Thái (đơn vị có 7 công ty đang hoạt động tại Đồng Nai, TP Vũng Tàu), năm 2016 dự án trường mẫu giáo DoNa Standard của tập đoàn đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư 65 tỷ đồng. Đây là dự án phục vụ người lao động, tổng chi phí một trẻ từ 2 triệu - 2,3 triệu đồng/tháng nhưng con em công nhân của công ty đang học tập tại đây chỉ phải đóng tiền ăn mỗi tháng khoảng 430.000 đồng và phí tài liệu học tập theo quy định của ngành. Trước đó, năm 2006, tập đoàn cũng xây dựng và đưa vào hoạt động Trường Mầm non Đông Phương (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Tổng sĩ số hằng năm của hai trường là 1.800 trẻ với 61 lớp.
Tỉnh Bình Dương, có 11 doanh nghiệp đầu tư tiền để xây dựng và vận hành trường phục vụ cho con công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp này. Đơn cử như Công ty YAZAKI EDS (Nhật Bản) xây dựng trường với tổng diện tích trên 1.800 m2. Trường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi - 5 tuổi. Năm học 2020 - 2021 trường có 145 trẻ. Mỗi tháng tiền ăn của trẻ tại trường khoảng 750.000 đồng/trẻ, nhưng cha mẹ chỉ phải đóng khoảng 40% (300.000 đồng/1 trẻ/1 tháng).
Cần hành lang pháp lý phù hợp
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Nai, để phát triển GD mầm non ở KCN-KCX trên địa bàn vẫn gặp một số tồn tại như quỹ đất cho giáo dục rất khó khăn. Mức thu nhập của giáo viên, người lao động còn thấp dẫn đến đội ngũ này thường xuyên biến động, giờ làm việc của giáo viên mầm non cao hơn so với quy định… Một số địa bàn có nhiều KCN, nhà máy, các chủ đầu tư chỉ tập trung quỹ đất, tài chính cho việc sản xuất, chưa quan tâm đến phúc lợi, đời sống của công nhân, việc đầu tư thành lập nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân chưa được quan tâm...
Để giải quyết vấn đề nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai có nhiều giải pháp để tháo gỡ, bước đầu có hiệu quả nhưng về lâu dài vẫn rất cần hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất phát triển GD mầm non ngoài công lập. Đơn cử như hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng trong các loại hình trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập tư thục vì lương thấp. Hỗ trợ đồ dùng đồ chơi tối thiếu cho các trường tư thục, nhóm trẻ. Ban hành quy định rõ ràng chính sách hỗ trợ xây dựng trường MN ngoài công lập để thu hút, kêu gọi vốn đầu tư.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng (KCN Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Trường MN Hoa hồng cơ sở 2 tại KCN Khai Quang có 320 trẻ, trong đó 220 trẻ là con công nhân. Trường gặp một số vấn đề như huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp thấp do thiếu giáo viên; chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đón sớm trả muộn đối với con công nhân. Chính vì vậy, trường mong muốn tiếp tục bổ sung giáo viên theo Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở MN công lập. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ dành cho riêng cho công nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường phục vụ cho con công nhân ở khu vực KCN. Cụ thể như chính sách miễn phí với con công nhân.
Tương tự, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cũng đưa ra các kiến nghị để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ ở khu vực KCN-KCX. Cụ thể, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực xây dựng các mô hình điểm tại địa phương. Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành các văn bản để triển khai các phương hướng cụ thể trong thời gian tới nhằm phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN mà hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án 404 đã đặt ra. Rà soát lại và cần cụ thể hoá các chính sách xã hội hoá đối với giáo dục mầm non. Đặc biệt là cân đối biên chế, bảo đảm đủ giáo viên phục vụ nhu cầu gửi trẻ của người dân.