Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chính sách hỗ trợ nhà giáo; trong đó có những người công tác ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tôn vinh và đãi ngộ
Thống nhất với chủ trương giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, bà Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) nhấn mạnh, cần chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, cần căn cứ vào nguồn lực ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không.
Từ thực tiễn, bà Chamaléa Thị Thủy cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần rà soát và chỉ nên ưu tiên đối với đội ngũ nhà giáo đang làm việc ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và với giáo viên mầm non, dạy cho các đối tượng khuyết tật.
Dù các chính sách hỗ trợ thu hút nhà giáo thiết thực nhưng theo bà Trần Thị Thanh Hương (Đoàn Đại biểu Quốc hội An Giang), nội dung quy định còn chung chung nên cần nghiên cứu để có chính sách đột phá. Qua đó, tạo sức hấp dẫn, thu hút người có trình độ cao, tài năng tham gia tuyển dụng làm nhà giáo và đến công tác tại những nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đồng quan điểm, ông Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, một số chính sách hỗ trợ nhà giáo còn quy định chung chung như: Chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và chính sách khác chưa rõ ràng về cách triển khai và đối tượng áp dụng. Phụ cấp lưu động chưa đủ để bù đắp khó khăn của giáo viên công tác tại các điểm trường, thôn, bản, phum, sóc xa xôi. Các chính sách này chưa phù hợp thực tế, chưa tạo được sự khích lệ mạnh mẽ đối với nhà giáo trong điều kiện khó khăn.

Cần chính sách thiết thực
Từ thực tiễn, ông Thạch Phước Bình đề nghị cụ thể hóa chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp như khám sức khỏe định kỳ miễn phí, hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại. Bên cạnh đó, nên xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo. Mặt khác, có thể tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp 2 lần lương cơ bản đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian từ 3 - 5 năm đầu.
Tán thành các quy định liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ nhà giáo được đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo, bà Trần Thị Thanh Hương (Đoàn Đại biểu Quốc hội An Giang) đề xuất, nhà giáo công tác tại các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ theo quy định. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ nhà giáo đang thực hiện ổn định theo hướng dẫn tại các văn bản dưới luật thì tiếp tục đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo nhằm tăng hiệu lực pháp lý và đảm bảo ổn định trong chính sách đối với đội ngũ.
Hiện, hầu hết tỉnh miền núi phía Bắc thiếu giáo viên so với định biên quy định. Bà Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) cho hay, nhiều năm qua ngành Giáo dục khó tuyển dụng và giữ chân giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn. Thêm vào đó, hằng năm ngành Giáo dục phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo quy định. Vô hình trung làm ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh phổ cập và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra các chính sách thu hút nhà giáo rất cần thiết. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh các quy định còn chung chung, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân nhà giáo và sức hút đội ngũ nhà giáo trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc làm việc tại các vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, trợ cấp này cần được làm rõ thu hút ở mức độ nào, chế độ lương, đãi ngộ được hưởng ra sao và sau thời gian công tác theo chính sách thu hút mà nhà giáo chưa được chuyển vùng thì có được tiếp tục hưởng chính sách hay không?

Hỗ trợ nhà ở
Toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên. Nêu thông tin, ông Hoàng Ngọc Định (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) cũng nhận thấy, nhiều công trình nhà ở tập thể, công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc tạm bợ, chật hẹp.
Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, tập thể, hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở của tư nhân. Dù các địa phương, nhà trường và ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc giải quyết nhu cầu nhà ở công vụ, nhà ở tập thể cho giáo viên khá khó khăn do thiếu quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng. Đối với các địa phương dựa vào ngân sách Trung ương còn khó khăn hơn nữa.
Theo ông Hoàng Ngọc Định, đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở tập thể đáp ứng với nhu cầu của giáo viên cần có lộ trình, nguồn lực và thời gian. Để bảo đảm điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang đề nghị, Ban Soạn thảo dự án Luật Nhà giáo tiếp tục xem xét, nghiên cứu bổ sung theo hướng:
Nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở. Bên cạnh đó, nhà giáo được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà khi đến công tác tại vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bà Trần Thị Thanh Hương thì kiến nghị, nhà giáo cần được đảm bảo chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định.
“Song cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai”, bà Trần Thị Thanh Hương trao đổi và thống nhất với một số chính sách thu hút đối với nhà giáo như: Được hưởng phụ cấp, trợ cấp, đảm bảo chỗ ở tập thể, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng.
Về vấn đề nhà ở công vụ cho nhà giáo khi biệt phái, điều động công tác tại vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) ghi nhận, dự thảo Luật đã quy định bố trí nhà ở công vụ hoặc thuê nhà ở công vụ theo Luật Nhà ở. Thực tế ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc miền núi rất thiếu nhà ở công vụ cho nhà giáo. Nếu quy định như dự thảo Luật thì địa phương sẽ tiếp tục bố trí và xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên.
Do đó, bà Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị, cần bổ sung những quy định hỗ trợ kinh phí thuê nhà cho nhà giáo, như vậy vẫn đảm bảo linh hoạt với thực tiễn: Nơi nào có nhà công vụ thì bố trí, nhà ở xã hội thì thuê theo Luật Nhà ở, không có thì có thể hỗ trợ kinh phí cho nhà giáo tự thuê nhà. “Mong Chính phủ quan tâm bố trí sớm nguồn vốn để các địa phương xây dựng nhà ở công vụ còn thiếu cho giáo viên”, bà Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ chỗ ở tập thể, thuê nhà ở công vụ đối với giáo viên, tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà giáo. Cụ thể, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điểm a khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật đã được chỉnh lý.
Theo đó, nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ; bỏ tiêu chí “đủ các điều kiện thiết yếu” trong quy định về nhà ở tập thể của giáo viên.
Tại Điều 26 dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, ngoài chính sách chung, nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, giáo dục hòa nhập; dạy tiếng dân tộc thiểu số; tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong số các chính sách sau:
Thứ nhất, được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ.
Thứ hai, thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định. Thứ ba, có chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.
Ngoài các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 26, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có. Địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, cơ sở giáo dục.
Đồng tình với các chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các quy định đang tiếp cận từ góc độ chế độ, tiền lương và phụ cấp hiện hành. Ở điều khoản chuyển tiếp đã có quy định liên quan đến thực hiện chế độ tiền lương mới. Do đó, cần liên kết và quy định để khi chuyển hoàn toàn sang thực hiện theo chế độ lương mới thì gắn với các quy định về phụ cấp theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2024 về cải cách chính sách tiền lương của Trung ương.