Phát biểu tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận dự án Luật Nhà giáo được chuẩn bị chu đáo và thống nhất với quá trình mà các cơ quan phối hợp chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đa số nhà giáo thực hiện theo Luật Viên chức. Tuy nhiên, nhà giáo là viên chức đặc thù, nên ngoài những quyền của viên chức, thì được thêm một số quyền khác. Điều 8 của dự thảo Luật Nhà giáo. Điều 9 của dự thảo luật có yêu cầu nhà giáo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của pháp luật về viên chức và có thêm các nghĩa vụ khác.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, có những nghĩa vụ của viên chức mà nhà giáo không phải thực hiện. Ban soạn thảo có thể nghiên cứu thêm quy định này. Nên có thêm những nghĩa vụ khác, ngoài nghĩa vụ của một viên chức. Có những nghĩa vụ của viên chức mà nhà giáo không phải thực hiện.
Dẫn ví dụ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc đến Điều 24 của dự thảo Luật - đánh giá đối với nhà giáo. Thông thường nhà giáo kiểm điểm, đánh giá, xếp hạng khen thưởng, kỷ luật vào cuối năm học, còn viên chức thực hiện vào tháng 12.
“Vậy, nhà giáo có đánh giá vào tháng 12 như viên chức nữa không? hay nhà giáo một năm phải đi kiểm điểm, đánh giá hai lần” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh, quyền viên chức thì nhà giáo được hưởng hết và có thêm quyền khác. Đó là đặc thù ưu đãi đối với nhà giáo.
Tuy nhiên, ngoài những nghĩa vụ như viên chức bình thường thì nhà giáo còn giữ gìn đạo đức, giảng dạy, là tấm gương và tất cả mọi thứ v.v.. Nhưng có những nghĩa vụ của viên chức nhà giáo không phải làm. Nếu bắt nhà giáo làm đầy đủ nghĩa vụ của viên chức là không hợp lý.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. luatnhagiaojpg1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/74b3f652b14b309577e0f66eeaf75b475ca0582aef57fcf6027de825bfe3769c420241af240acf9199a07b0e94e01cf8/luatnhagiaojpg1.jpg)
Liên quan đến quy định về đạo đức nhà giáo (Điều 10), Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi, đạo đức không phải là quy tắc, mà là chuẩn mực ứng xử. Nếu viết như dự thảo thì gọi là quy định về đạo đức nhà giáo. Quy định về đạo đức nhà giáo mới là các quy tắc. Các quy định ấy thể hiện trong quy tắc ứng xử.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tên Điều 10 nên đổi thành quy định về đạo đức nhà giáo. Còn đạo đức nhà giáo khó định nghĩa. Đạo đức nhà giáo là ứng xử của nhà giáo, được mọi người đánh giá là có đạo đức hay không, đạo đức cao hay thấp.
Còn nếu dùng từ "đạo đức nhà giáo" thì phải viết lại. Đạo đức nhà giáo lại thể hiện trong quy tắc ứng xử nhà giáo, đạo đức không thể hiện trong quy tắc, đạo đức thể hiện trong hành vi…
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo (Điều 26), ở Khoản 2, Điểm a quy định: được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sửa thành "được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở". Nên sửa chữ "Luật Nhà ở" thành "pháp luật về nhà ở".
Ở khoản 5 Điều 26 có nêu, Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này. Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết cả Điều 26. Ngay trong Khoản 4 rất cần Chính phủ quy định. Tức là địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách hỗ trợ, hỗ trợ như thế nào thì Chính phủ phải quy định. Nếu không địa phương lúng túng, không biết cách làm.