Giáo viên hợp đồng bị dừng trả lương khi sáp nhập TP Vinh: Trăn trở, hoang mang

GD&TĐ - Từ tháng 1/2025, giáo viên, nhân viên hợp đồng các trường học của thị xã Cửa Lò cũ (nay đã sáp nhập vào TP Vinh, Nghệ An) bị tạm dừng chi trả lương.

Thầy Nguyễn Văn Thanh đã hơn 20 năm dạy hợp đồng tại Trường THCS Nghi Thủy (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Thầy Nguyễn Văn Thanh đã hơn 20 năm dạy hợp đồng tại Trường THCS Nghi Thủy (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Giáo viên hoang mang, nhà trường trăn trở

Những ngày qua, cô Phạm Thị Hương (nhân viên văn thư hợp đồng) Trường THCS Hải Hòa (thành phố Vinh, Nghệ An) vừa làm việc, vừa thấp thỏm không biết tương lai như thế nào. Trong khi đồng nghiệp nhận lương và các chế độ bình thường, thì từ tháng 1/2025 cô Hương đang bị tạm dừng trả lương. Ngoài cô Hương, Trường THCS Hải Hòa còn có 4 giáo viên và 2 nhân viên hợp đồng khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đây cũng là thực trạng chung của giáo viên, nhân viên hợp đồng các trường học được thị xã Cửa Lò cũ ký hợp đồng dài hạn (nay đã sáp nhập vào thành phố Vinh). Trước đó, dù thuộc diện hợp đồng, những người này vẫn được trả lương, các chế độ phụ cấp tương tự như giáo viên biên chế. Họ cũng được tăng lương theo kỳ hạn, tham gia thi giáo viên giỏi các cấp… Tiền lương chi trả cho giáo viên, nhân viên hợp đồng được thị xã Cửa Lò chi trả từ ngân sách. Tuy nhiên, sau khi thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh, việc chi trả lương ngân sách cho họ bị tạm dừng.

Cô Phạm Thị Hương sinh năm 1970, năm nay đã gần đến tuổi nghỉ hưu, cũng là nhân viên hợp đồng có thâm niên nhất ở trường THCS Hải Hòa. Cô chia sẻ, bản thân xác định khó chờ được tuyển dụng biên chế, nhưng do trước đây được trả lương, các chế độ đầy đủ nên yên tâm công tác. Đến nay, cô không biết sắp tới mình có được sử dụng nữa hay không, thu nhập như thế nào và tính đến phương án xin nghỉ hưu sớm.

giao-vien-hop-dong-cua-lo-4.jpg
Thầy Mai Duy Tân (thứ 3 từ phải sang) là giáo viên Thể dục hợp đồng tại Trường THCS Hải Hòa đang bị tạm dừng trả lương trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả. Ảnh: Hồ Lài

Còn thầy Mai Duy Tân – là giáo viên hợp đồng trẻ nhất Trường THCS Hải Hòa, cũng đã công tác được 10 năm. Thầy Tân tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, năm 2015 được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng không xác định thời hạn, phân công dạy Thể dục ở Trường THCS Hải Hòa. Từ đó đến nay, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tâm huyết với nghề, với trò. Năm 2024, thầy dự thi và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là một trong số cá nhân có thành tích tiêu biểu tại kỳ thi được Công đoàn giáo dục tỉnh Nghệ An tặng giấy khen.

Trước khi bị dừng chi trả, tiền lương và phụ cấp mỗi tháng của thầy là hơn 8 triệu đồng. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình thầy vất vả, đang phải thuê nhà trọ, vợ không có việc làm ổn định, nuôi hai con nhỏ. Vì vậy, mức lương của thầy cũng chỉ vừa đủ chi tiêu, sinh hoạt tiết kiệm.

Cô Trần Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa (TP. Vinh) cho biết: “Không chỉ giáo viên, nhân viên hợp đồng, mà toàn thể nhà trường cũng rất tâm tư, trăn trở. Việc dừng trả lương diễn ra vào trước tết, nên càng khiến các thầy cô hụt hẫng. Ban giám hiệu đã kêu gọi tập thể cán bộ, nhà giáo của trường trích một phần tiền thưởng tết theo Nghị định 73 và từ quỹ khen thưởng của nhà trường để hỗ trợ các thầy cô hợp đồng, mỗi người 2,5 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng là tấm lòng của đồng nghiệp, chia sẻ khó khăn với nhau dịp tết”.

Trong khi đó, tại Trường THCS Nghi Thủy (TP Vinh), cô Phan Thị Thúy Hải – Hiệu trưởng thông tin, trước tết trường làm hồ sơ, danh sách đề nghị chi trả lương sớm nên Kho bạc đã chuyển lương tháng 1 cho tất cả giáo viên. Tuy nhiên, sau đó, phía Kho bạc liên lạc lại với nhà trường đề nghị thu hồi tiền lương đã chi trả cho giáo viên, nhân viên hợp đồng. Điều này khiến nhà trường rất khó xử, và giáo viên hiện cũng không có tiền để trả lại.

Bối rối khi được giao tự chủ trả lương hợp đồng

Trường THCS Nghi Thủy cũng là một trong số đơn vị có nhiều giáo viên nhân viên hợp đồng nhất thị xã Cửa Lò cũ. Trong đó có 4 giáo viên và 2 nhân viên, người ít nhất cũng đã hơn 10 hợp đồng, còn thâm niên nhất là trên 20 năm.

Theo cô Phan Thị Thúy Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy, dù chưa vào biên chế, nhưng họ đều là những nhân sự quan trọng và không thể thiếu được của nhà trường. Điển hình như trường hợp thầy Nguyễn Văn Thanh – giáo viên bộ môn Toán, cũng là tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên. Thầy đã có hơn 20 năm hợp đồng, nhưng luôn trách nhiệm, hết mình với công việc, là trụ cột chuyên môn của trường.

“Những ngày qua, Ban giám hiệu chỉ có thể động viên anh em ổn định tinh thần, tiếp tục dạy học, làm việc để vận hành các hoạt động của nhà trường. Nhà trường cũng đã có đề xuất ý kiến giải quyết chế độ cho giáo viên, nhân viên hợp đồng và chờ quyết định, hướng dẫn cụ thể từ cấp trên”, cô Phan Thị Thúy Hải cho hay.

giao-vien-hop-dong-cua-lo-2.jpg
Giáo viên hợp đồng các trường học thuộc thị xã Cửa Lò cũ vừa công tác vừa trăn trở, lo lắng về tương lai. Ảnh: Hồ Lài

Tương tự, cô Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa cho biết, trường có hơn 1.000 học sinh với 26 lớp, nhưng hiện chỉ có 41 giáo viên biên chế, tỷ lệ chỉ là 1,57 giáo viên/lớp. Thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp trong thông tư của Bộ GD&ĐT và tỷ lệ định biên 1,7 giáo viên/lớp của thành phố Vinh.

“7 giáo viên và nhân viên hợp đồng bị dừng chi trả lương đều là “không thể thiếu” của trường. Trường chúng tôi chưa có giáo viên Thể dục biên chế. Cả 2 giáo viên bộ môn này đều đang thuộc diện hợp đồng, và đang phải dạy quá số tiết so với quy định. Bây giờ mà không trả lương cho họ thì trường có giáo viên Thể dục. Hay như môn Địa lý của trường hiện có 1 giáo viên biên chế và 1 giáo viên hợp đồng. Nếu cắt hợp đồng thì 1 giáo viên còn lại không thể đảm nhận dạy cả 26 lớp”, cô Trần Thị Thu Hương nói.

Trong văn bản ngày 21/01/2025 thì UBND TP Vinh đề nghị nhà trường phải trả lương cho 7 trường hợp này bằng nguồn thu của trường. Theo tính toán của Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa, với 7 giáo viên, nhân viên hợp đồng, trung bình mỗi tháng cần hơn 70 triệu để chi trả lương, nhân lên mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn chi thường xuyên của trường mỗi năm chỉ được cấp hơn 400 triệu cho tất cả hoạt động. Vì vậy, nhà trường không đủ và không có nguồn thu nào để trả lương cho giáo viên hợp đồng.

Còn thầy Phạm Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Hương (TP Vinh) cũng cho biết rất bối rối khi văn bản của thành phố không nói rõ có sử dụng giáo viên, nhân viên hợp đồng nữa hay không, nguồn lương “tự chủ” lấy từ đâu. “Theo quy định, nguồn thu từ học phí được trích lại 40% góp vào quỹ lương chi trả cho giáo viên biên chế, nhưng những giáo viên hợp đồng này cũng không nằm trong danh mục chi. Nếu lấy từ học phí trả lương thì cũng chưa đủ và không đúng mục đích, đối tượng. Chính vì vậy, hy vọng các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có hướng xử lý phù hợp”, thầy Sơn nêu ý kiến.

Chi trả lương theo văn bản chỉ đạo

Trước đó, năm 2024, nhiều địa phương của Nghệ An gặp vướng mắc về việc chi trả lương cho giáo viên hợp đồng. Có thời điểm, nhiều giáo viên hợp đồng các huyện cũng bị tạm dừng chi trả lương. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản ban hành ngày 27/9/2024 để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 111/2022-ND-CP.

giao-vien-hop-dong-cua-lo-5.jpg
Các trường học mong muốn giáo viên, nhân viên hợp đồng sớm được tuyển dụng vào biên chế vì họ đều là nhân sự quan trọng đối với hoạt động giáo dục của nhà trường. Ảnh: Hồ Lài

Văn bản nêu, đối với các hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ ngoài chỉ tiêu biên chế, “đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3, nhóm 4 xác định nguồn đảm bảo chi trả tiền lương đối với các trường hợp hợp đồng lâu năm (từ năm 2022 trở về trước) do tính chất đặc thù nghề nghiệp, do lịch sử để lại hoặc do sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy… để đề nghị Kho bạc Nhà nước thực hiện chi trả tiền lương. Đồng thời ưu tiên trong tuyển dụng vào viên chức nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển”.

Còn đối với các trường hợp hợp đồng từ năm 2023 trở về sau, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm tự đảm bảo nguồn chi trả tiền lương và đề nghị Kho bạc Nhà nước chi trả tiền lương cho các trường hợp đã được hợp đồng.

Qua rà soát, các giáo viên, nhân viên hợp đồng đang bị dừng chi trả lương của TP Vinh đều được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng từ trước năm 2022. Như vậy, những trường hợp này đều thuộc diện sẽ tiếp tục được ngân sách chi trả lương, và ưu tiên tuyển dụng vào biên chế nếu có chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trong quyết định về việc giáo viên biên chế viên chức và hợp đồng lao động trong các trường học năm 2025 của UBND thành phố Vinh ban hành ngày 21/01/2025, những người này không thuộc diện “hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu đơn vị”. Cùng với quyết định này, Kho bạc Nhà nước đã dừng chi trả lương từ tháng 1/2025.

Mới đây, thành phố Vinh cũng đã có văn bản xin ý kiến của Sở Nội vụ liên quan đến giáo viên, nhân viên hợp đồng. Sở Nội vụ cũng đã có văn bản trả lời đề nghị thành phố làm theo như chỉ đạo trong văn bản của UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 27/9/2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ