GD&TĐ - Là nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1719), huyện Pắc Nặm luôn quan tâm, tạo đòn bẩy cho công tác xóa mù chữ trên địa bàn.
Đòn bẩy từ các chính sách hỗ trợ
Nhằm tạo động lực cho đồng bào DTTS tích cực tham gia các lớp học xóa mù chữ, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) đã triển khai nghiêm túc nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp tỉnh, chương trình MTQG và các nguồn khác theo quy định. Trong đó, theo Nghị quyết 19/2022/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/12/2022, quy định mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ, giai đoạn 2021-2025 là 2 triệu đồng/ người sau khi hoàn thành 9 tháng học tập.
Đồng thời, học viên tham gia các lớp học xóa mù chữ được hỗ trợ học phẩm theo quy định (Quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục học phẩm hỗ trợ cho học sinh các lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030).
Các lớp học xóa mù chữ được hỗ trợ kinh phí thắp sáng ban đêm 900.000 đồng/lớp/ giai đoạn (9 tháng) học tập, ứng với hỗ trợ 100.000 đồng/lớp/tháng; đồng thời hỗ trợ cho người tham gia hoạt động tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp; phụ cấp cho người làm công tác chủ nhiệm lớp xóa mù; hỗ trợ mua sổ sách theo dõi quá trình học tập và văn phòng phẩm cho lớp xóa mù chữ; chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ.
Là xã khó khăn của huyện Pắc Nặm, việc triển khai kịp thời các chính sách từ các chương trình mục tiêu trên địa bàn đã hỗ trợ kịp thời cho xã An Thắng thực hiện phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu xóa mù chữ trên địa bàn.
Ông Lý Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thắng cho biết: Xã có 7 thôn đều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh, mỗi học viên được hỗ trợ 2 triệu đồng sau khi hoàn thành (đạt) 9 tháng học tập, tạo động lực tích cực, hỗ trợ kịp thời cho người dân địa phương. Đây tiếp tục là tiền đề để xã An Thắng mở thêm 2 lớp vào năm tới và phấn đấu sớm đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cùng với xã An Thắng, tại các xã Xuân La, Công Bằng, Cổ Linh… việc hỗ trợ đang khuyến khích và tạo động lực rất lớn cho bà con tích cực tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Phấn đấu đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Với quyết tâm nâng tỉ lệ người dân biết chữ, hướng tới xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã chủ động mở lớp xóa mù chữ tại các thôn bản, điểm trường vùng khó. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện mở được 25 lớp xóa mù chữ, với 952 học viên tham gia học.
Tại xã Xuân La, trong các năm 2022, 2023, chính quyền xã, trung tâm học tập cộng đồng trường tiểu học và các thôn phối hợp tổ chức vận động bà con học lớp xóa mù chữ, trong đó mở được 01 lớp ở điểm trường Mù Trị với 30 học viên và 01 lớp ở điểm trường Khuổi Bốc với 33 học viên.
Lớp học xóa mù chữ tại xã Bộc Bố, Pắc Nặm, Bắc Kạn. |
Thầy giáo Văn Phúc Hòa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân La, phụ trách lớp học xóa mù chữ trên địa bàn cho biết: Ban đầu vận động bà con ra lớp rất khó khăn, nhưng khi lớp học được mở tại thôn, bà con đi học thuận lợi nên chủ động tham gia. Đến nay, học viên đã biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản. Hiện những người chưa tham gia, rất muốn theo học, họ tiếp tục đăng ký với trưởng thôn đề xuất mở thêm lớp.
Tại xã An Thắng, các lớp học được xã, trung tâm học tập cộng đồng linh động tổ chức dạy vào buổi tối nhằm tạo thuận lợi nhất để bà con theo học. Thầy giáo Ngô Văn Thế, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã, Hiệu trưởng trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS An Thắng cho biết: Ngay từ năm 2022, Trung tâm phối hợp với thầy, cô giáo, trưởng thôn, người có uy tín tuyên truyền mở 2 lớp tại thôn Nà Mòn, Khuổi Làng, với 25 học viên đăng ký. Từ 2 lớp này, chúng tôi linh động mở thành 4 điểm dạy học ở Nà Mòn, Khuổi Làng, Nà Mu, Tiến Bộ, nhờ đó thu hút được 49 học viên theo học.
Năm 2023, chúng tôi tiếp tục mở 4 lớp xóa mù chữ tại các thôn Tân Hợi, Khuổi Làng, Tiến Bộ, Nà Mòn với 77 học viên tham gia và dự kiến mở thêm 2 lớp tại Khuổi Xỏm, Phiêng Pẻn, bởi nơi đây còn nhiều đồng bào Mông, Dao chưa biết chữ.
Ngoài các xã Xuân La, An Thắng, xã Công Bằng cũng mở 4 lớp với 62 học viên theo học; xã Cổ Linh mở được 3 lớp với 81 học viên theo học… Qua đánh giá, đến nay toàn huyện có 6/10 xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 4/10 đơn vị xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tăng 1 xã). Toàn huyện duy trì chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 1.