Huyện miền núi đa dạng giải pháp giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, huyện Chợ Đồn đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo, tạo động lực để phát triển bền vững.

Huyện miền núi đa dạng giải pháp giảm nghèo bền vững.
Huyện miền núi đa dạng giải pháp giảm nghèo bền vững.

Huy động mọi nguồn lực

Chợ Đồn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 95%, trong đó dân tộc Tày chiếm gần 70% số dân toàn huyện. Trong những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực đem lại hiệu quả, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Năm 2023, Chợ Đồn được giao trên 10,6 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và chuyển tiếp trên 260 triệu đồng nguồn vốn từ năm 2022. Từ nguồn vốn trên, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung thực hiện các mô hình, dự án theo kế hoạch.

Trong đó với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang triển khai 18 dự án cộng đồng tại 17 xã, thị trấn với các mô hình nuôi lợn thịt bản địa, nuôi gà thịt, trâu bò sinh sản, dê sinh sản, sản xuất cây chè búp; triển khai 7 dự án tại 7 xã nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng với các mô hình nuôi trâu sinh sản, lợn thịt, gà thịt lông màu, hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết chăn nuôi và tiêu thụ lợn thịt bản địa…

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề kết hợp giải quyết việc làm cũng đang được triển khai theo kế hoạch. Năm 2023, huyện thực hiện hỗ trợ 103 nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở; giải quyết việc làm cho 600 lao động; tổ chức 41 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Chợ Đồn cho biết: Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 còn gặp một số khó khăn, tuy nhiên huyện sẽ từng bước nghiên cứu tháo gỡ và đề ra giải pháp tổ chức thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhằm ổn định nguồn thu nhập, góp phần cải thiện nâng cao đời sống sinh hoạt, tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững

Qua triển khai, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến đáng kể. Tính đến cuối năm 2022, số hộ nghèo của huyện so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia còn 2.125 hộ, chiếm 16,05%; hộ cận nghèo còn 1.030 hộ, chiếm 7,78%, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn 29,39%.

Mô hình nuôi trâu của hộ anh Triệu Vân Nình (Bản Chang, xã Bằng Phúc, Chợ Đồn) được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Mô hình nuôi trâu của hộ anh Triệu Vân Nình (Bản Chang, xã Bằng Phúc, Chợ Đồn) được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Cùng với sự tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện, việc triển khai thực hiện Chương trình cơ bản đúng đối tượng, mục tiêu và đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Trong năm 2023, để tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, đa chiều, hạn chế tái nghèo, giảm nghèo gắn với phát triển bền vững kinh tế- xã hội, huyện đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo… Đồng thời chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo.

Bên cạnh đó, huy động, lồng ghép các nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Kế hoạch giảm nghèo bền vững, tăng cường sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, khai thác sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh từ các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực kinh tế xã hội của địa phương tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.