Hình tượng người vợ trong thơ Tú Xương

GD&TĐ - Các nhà thơ Nho sĩ thường hiếm khi viết về vợ, nhất là khi người vợ còn sống. Lịch sử mười thế kỷ văn học Trung đại với hàng nghìn tác giả, hàng vạn tác phẩm, song số tác phẩm viết về người vợ rất hiếm hoi, có chăng các nhà thơ Nho sĩ thường làm đối, trướng khóc vợ khi các bà qua đời như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Khuyến…

 Bài “Thương vợ” được mở đầu bằng cái vòng thời gian khép kín “quanh năm” của người đàn bà buôn bán, tảo tần và gói trong một không gian nhỏ hẹp “mom sông”. Ảnh minh họa
Bài “Thương vợ” được mở đầu bằng cái vòng thời gian khép kín “quanh năm” của người đàn bà buôn bán, tảo tần và gói trong một không gian nhỏ hẹp “mom sông”. Ảnh minh họa

Nhưng với Tú Xương, người vợ đã trở thành một hình tượng với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Người vợ trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ông với cách gọi thân mật dân dã: Mẹ mày, mẹ đĩ, bu nó, mình…

Ngoài các tác phẩm như Văn tế sống vợ, Thương vợ… còn khoảng hơn chục bài thơ đề cập đến người vợ với tình cảm thực sự, khi nghiêm chỉnh nhưng cũng có khi bỡn cợt, vui đùa kiểu “Vuốt râu nịnh vợ con bu nó”.

1. “Con riêng” của bà Tú

Là một nhà thơ Nho sĩ được học văn chương cử tử để đi thi, tất nhiên là một Nho sĩ “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” vì “Nôm hay mà chữ dốt” nhưng sự nghiệp văn chương của Tú Xương để lại hầu hết được viết bằng chữ Nôm, phải chăng chính ưu thế của chữ Nôm đã giúp cho Tú Xương có những câu thơ rất bình dị, nôm na ấy viết về bà Tú, đây không chỉ là tình cảm của ông Tú đối với bà Tú mà ở đó còn là một quan niệm “hành xử” đối với chữ Nôm, thứ chữ lúc bấy giờ vẫn bị coi là “nôm na mách qué”. 

Đọc thơ Tú Xương người đọc tưởng ông cứ nghĩ sao nói vậy, có những câu thơ không hề dụng công tý nào mà vẫn thấy cái “ăn người” của ông, đây chính là sự độc đáo của thơ ông và quan trọng hơn là tình cảm thực của người viết: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm (Tự cười mình 2), Vuốt râu nịnh vợ con bu nó (Tự cười mình 1). Phải nhìn nhận trong môi trường xã hội Trung đại khi Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn thì mới thấy hết được ý nghĩa cũng như đóng góp của Tú Xương ở mảng đề tài này. 

Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, khi giảng dạy bài Thương vợ của Tú Xương, chúng tôi đã đứng trước nhiều băn khoăn, do dự, làm thế nào để học sinh tiếp thu bài có hiệu quả, ấn tượng khái quát về hình ảnh bà Tú cũng như thấy được nét tâm tình hóm hỉnh trong thơ Tú Xương.

Trong xã hội truyền thống, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống chi phối mọi mặt của đời sống thì các thuyết “Tam tòng”, “Phu xướng phụ tùy” đã từng dẫn các ông chồng tới lối sống ăn bám vợ, đôi khi còn “lên mặt” với vợ. Tú Xương chắc cũng khó tránh khỏi điều ấy nhưng ít ra Tú Xương còn biết ăn năn, biết đem “tấm lòng suông” của mình ra mà đối đãi với vợ. Viết về người vợ còn đang sống lại càng ít, từ đó mới thấy thái độ và việc làm của Tú Xương với vợ trở nên hiếm và đáng quý.

Tú Xương xây dựng gia đình sớm, vợ là bà Phạm Thị Mẫn người gốc Hải Dương nhưng đến đời cha mẹ đã sang định cư ở Nam Định. Người “con gái nhà dòng”  ấy gặp một người “nổi tiếng tài hoa” đất Vị Xuyên. Những tưởng cuộc sống gia đình “xuôi chèo mát mái” nhưng ngờ đâu cái nghèo túng luôn rình rập trên đầu họ, những đứa con lần lượt ra đời, bà phải lam lũ khó nhọc bán buôn để chèo chống cho gia đình.

Tú Xương từng ghi lại những cảm xúc ấy một cách chua xót: Van nợ lắm khi trào nước mắt/ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi/ Gạo cứ lệ đong ăn bữa một/ Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi. Ngoài bài thơ Thương vợ, qua khảo sát chúng tôi thấy khoảng hơn chục tác phẩm đề cập đến vai trò hình ảnh của bà Tú. Đó là một người vợ đảm đang, lam lũ chịu trách nhiệm chính trong gia đình Lương vợ ngô khoai tháng phát dần (Tự trào).

Bà Tú cũng như bao người phụ nữ khác có chồng đi học, đi thi bà luôn lo toan, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để chồng có tên trong “bia đá, bảng vàng” để có dịp “xênh xang”, “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” nhưng mọi cái lo toan của bà lại trở nên trớ trêu, bi hài kịch: Tiễn chân cô mất hai đồng chẵn/ Sờ bụng không thấy một chữ gì (Đi thi).

Không phải ông Tú không thấy vai trò của bà Tú nhưng dường như “con người nghệ sĩ” của ông lấn át quá cho nên đôi lúc ông tỏ ra thờ ơ với vai trò ấy. Khi sực tỉnh mới thấy đây là chỗ dựa của mình, của các con, ông viết về bà Tú với một niềm tri ân sâu sắc: Thưng đấu nhờ lưng một mẹ mày (Hễ mai tớ hỏng), Hỏi ra quan lấy ăn lương vợ (Quan tại gia). Với Tú Xương, ông tự nhận là kẻ ăn bám, là đứa “con riêng” của bà Tú, cái thái độ ấy không dễ gì có được ở nhà Nho chính thống: Nếu có khôn ngoan đã vợ nhờ/ Dại mà nhờ vợ vợ làm ngơ (Ta chẳng ra chi).

Có thể nói Tú Xương đã vượt được cái nhìn thiển cận, hẹp hòi của Nho giáo đối với phụ nữ để nhìn nhận vợ mình, như vậy dù không làm được điều gì cho vợ nhưng ít ra bà Tú cũng đỡ tủi thân hơn, cũng thấy mát lòng, mát ruột hơn.

Với học vị Tú tài, Tú Xương chưa được bổ dụng làm quan, mà đó mới chỉ là “chứng chỉ” để ông “hành nghề” Nho - y - lý - số như bao nhà Nho khác, điều đặc biệt ở Tú Xương là ông đi “dạy thuê” cho chính vợ mình, bà trả đủ tiền chè rượu, cơm canh, bà Tú không hề phàn nàn, mà chỉ mong các con có lúc “xênh xang hội gió mây”: Gần có một mụ/ Sinh được bốn anh/ Tên Uông, tên Bái/ Tên Bột, tên Bành/ Mẹ muốn con hay, rắp một nỗi biển cờ mũ áo/ Chủ rước thầy học, tính đủ tiền chè rượu cơm canh (Phú thầy đồ dạy học). Những tưởng ông dạy Tứ thư, Ngũ kinh để con sửa soạn “lều chõng” đi thi nào ngờ Tú Xương dạy con rặt “ngón” ăn chơi của người tài tử: Dạy câu kiều lẩy/ Dạy khúc lý kinh/ Dạy những khi xuống ngựa lên xe đứng ngồi phải phép/ Dạy những lúc cao lâu chiếu hát ăn nói cho sành (Phú thầy đồ dạy học). 

Con người Tú Xương là thế, vì vậy mà bà Tú không hề ca thán điều gì. Có những lúc ông Tú mượn giọng bà Tú để “nhấn mạnh” cái tài năng của mình, đó cũng rất có thể là thái độ “trân trọng” của bà đối với ông, tết đến ông viết câu đối đưa ra để hỏi bà, ngay trong việc làm ấy cũng đủ thấy ông coi trọng bà Tú như thế nào: Viết vào giấy dán ngay lên cột/ Hỏi mẹ mày rằng dở hay hay/ Rằng hay thì thật là hay/ Không hay sao lại đỗ ngay tú tài/ Xưa nay em vẫn chịu ngài (Tết dán câu đối). Trên đây là một cái nhìn toàn cảnh mảng thơ viết về vợ của Tú Xương, chúng tôi thấy cần phải đi sâu vào một số tác phẩm để có cái nhìn đầy đủ hơn.

2. Văn tế sống vợ - lời tri ân hóm hỉnh

Bìa tuyển tập thơ Tú Xương. Ảnh: NXB Văn học
Bìa tuyển tập thơ Tú Xương. Ảnh: NXB Văn học

Có nhà nghiên cứu cho rằng: Cứ nhìn vào đời sống tình cảm của Tú Xương thì thấy rõ thái độ của Tú Xương đối với vợ thật cởi mở, hồn nhiên, chân tình. Trên đời có mấy ai yêu vợ như Tú Xương, ông đưa bà ra làm văn tế sống, điều đó đủ thấy tình cảm của ông đối với bà, phải chăng sau những lần “ăn chơi” quá đà để vợ lam lũ nhọc nhằn, Tú Xương cũng ăn năn, thấy mình cũng không giúp được gì cho vợ, thôi thì viết một bài Văn tế coi như để tạ lỗi vậy.

Văn tế sống vợ là một bản “lai lịch” đầy đủ nhất về con người bà Tú: Con gái con nhà dòng lấy người kẻ chợ/ Tiếng có miếng không gặp chăng hay chớ/ Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng gầy/ Người ung dung, tính hạnh khoan hòa, chỉ mỗi nỗi hay gàn hay dở. 

Một bà Tú nhưng “đầu sông bến bãi, đua tài buôn chín bán mười” để chèo chống cho gia đình. Cũng trong bài văn tế ấy, Tú Xương đã chân thành nhận ra mình chính là “món nợ” của bà Tú. Ông đã không giúp đỡ gì cho bà Tú mà chỉ biết đến khắp chốn ăn chơi, tất nhiên những chi phí ấy đều từ hầu bao của bà: Hay mình thấy tớ nay Hoàng Thao, mai Phố Giấy mà bụng mình ghen?/ Hay mình thấy tớ: Sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai mà lòng mình sợ/ Thôi thôi chết quách yên mồ, sống càng nặng nợ. Lời văn tế là những lời “kiểm điểm” chân thành của ông Tú, người đọc thấy ở đó nét hài hước, trào lộng, hóm hỉnh của một con người không che giấu bản thân mình bất kỳ điều gì. Đó là một ông Tú: Dở dở lại ương ương/ Cao lâu thường ăn quỵt/ Thổ đĩ lại chơi lường. 

Có thể nói cùng với Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái khóc vị hôn thê, Văn tế sống vợ của Trần Tế Xương xứng đáng được xếp vào những bài văn tế hay trong kho tàng văn tế Việt Nam. Không những ở tình cảm chân thành, mà còn ở chính sự độc đáo của nó: Tế vợ lúc còn sống.

3. Thương vợ - nhưng là thương cả…

Trong những bài thơ viết về vợ thì Thương vợ là áng thơ toàn bích nhất, thể hiện đầy đủ nhất hình tượng của bà Tú, một bà Tú “con gái nhà dòng” mà cũng phải phong trần, lấp láp như ai để đảm đương gánh nặng gia đình: Năm con với một chồng, với cái nghề mà lúc bấy giờ vẫn bị coi là hạ cấp xấu xa: Buôn bán, dân chợ búa. Thế nhưng bà Tú chẳng nề hà, sẵn sàng chấp nhận mọi khó nhọc để đua tài “buôn chín bán mười” ở “đầu sông cuối bãi” - cái mom sông chênh vênh, nguy hiểm ấy quanh năm vẫn thấy thấp thoáng bóng bà với gánh nặng trên vai. 

Bà nuôi con đã đành, đằng này còn phải nuôi cả chồng, ông cũng rất rạch ròi, rành mạch chứ không “nhập nhằng” - ông cũng thừa hiểu rằng nuôi năm đứa con cũng chưa bằng nuôi mình ông với những nhu cầu: Ăn rặt những thịt quay, lạp sườn/ Mặc rặt những quần vân, áo xuyến, nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu... Có thể nói để đáp ứng những nhu cầu ấy thì bà phải lam lũ như thế nào, có điều chắc Tú Xương cũng hiểu được điều đó nên ông tự tách mình đứng sau đàn con để “ăn ké”, ông cũng là một “thứ con” của bà Tú.

Bài thơ Thương vợ vẫn sử dụng những ý từ và hình ảnh từ văn học dân gian: Đó là những hình ảnh con cò để nói về bà Tú, nhưng Tú Xương đã gửi vào đó biết bao tình cảm thân thương nhất của mình. Đường đường là một bà Tú nhưng vẫn phải kiếm ăn một cách khó nhọc, vẫn phải eo sèo lời qua tiếng lại cực nhọc như vậy: Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Cực nhọc là thế, vất vả là thế nhưng bà Tú không hề “ca thán” điều gì mà coi đó là “duyên - phận” của mình nên “năm nắng mười mưa” có quản gì. Kết thúc bài thơ là tiếng chửi: Dường như ông mượn giọng bà Tú để chửi, chửi thay bà Tú, chửi thói đời bạc đã không cho ông Tú thương vợ một cách thiết thực, để bà phải lam lũ vất vả như vậy.

Tiếng chửi ấy không làm nhân cách ông bị hạ xuống mà càng thấy được cái bản tính tốt đẹp của ông. Nguyễn Tuân cho rằng: Bài thơ “Thương vợ” không chỉ góp phần vào bảo tàng con người Việt Nam một mẫu bà Tú - người vợ mà còn góp một mẫu ông Tú - người chồng rất nhân dân, nhân bản là vậy.

Trong thực tế giảng dạy bài thơ Thương vợ, chúng tôi thấy cần phải lồng ghép đưa vào một số bài thơ, câu thơ tiêu biểu khác để học sinh có cái nhìn đầy đủ về hình ảnh bà Tú. Chỉ xét riêng ở mảng thơ này chúng ta phải thừa nhận những đóng góp to lớn của Tú Xương trong lịch sử văn học Việt Nam.

Cùng với Tản Đà, Tú Xương được coi là cái gạch nối giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại, đó là những cái gạch nối có ý nghĩa, đúng như nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét: Ông nghè ông thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một tú tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ