Quan sát, điều chỉnh hành vi
Hình thành thói quen đọc sách đã khó, đối với học sinh miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn khó gấp bội. Hầu hết thầy, cô giáo xác định, không gian thư viện và Tiết đọc thư viện là “chìa khóa” để gỡ khó đối với vấn đề này.
Cô H’ Pa Ra Ayun - Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (huyện Cư M’gar) chia sẻ, gần 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Khi vào lớp 1, các em mới biết nói tiếng Việt ở những câu thông dụng, còn việc đọc, viết khó khăn.
“Dạy học nơi đây, thầy cô giáo xác định, giúp các em làm quen tiếng Việt là nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Mỗi thầy cô sẽ có phương pháp riêng cho từng lớp, nhóm học sinh. Thậm chí, mỗi nhóm đến từ một buôn lại phải dùng phương pháp tiếp cận khác nhau mới đạt hiệu quả. Khi các em đã nói thông, viết thạo tiếng Việt, thầy cô tiếp tục quan sát, uốn nắn, điều chỉnh hành vi đọc, viết cho phù hợp”, cô H’ Pa Ra nói.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đầu tư hệ thống thư viện mở, mua sắm sách, tài liệu... nhưng để đáp ứng yêu cầu dạy học và nhu cầu đọc của từng lứa tuổi vẫn gặp khó. Cô H’ Pa Ra cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ cấp chính quyền và nhân dân để tăng cường sách, báo, tài liệu cho thư viện.
“Theo Chương trình GDPT 2018, Tiết đọc thư viện là nội dung mới, quan trọng. Đây là cơ hội để mỗi thầy cô nỗ lực giúp học sinh tiếp cận sách và đọc sách một cách khoa học, phù hợp lứa tuổi, năng lực”, cô H’ Pa Ra nói thêm.
Với hơn 14 năm công tác trong ngành, hầu hết thời gian gắn bó với các trường vùng dân tộc thiểu số huyện Krông Ana trước khi chuyển về Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP Buôn Ma Thuột), cô Vũ Thị Oanh khẳng định, trước hết phải xem sách như “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống.
“Dạy học ở vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi thấy rõ, các em thua thiệt nhiều, không chỉ thiếu sách, vở, tài liệu tham khảo, thời gian để tự học, tự đọc cũng ít vì đi học về còn phụ giúp cha mẹ. Tiết đọc thư viện giúp thầy cô có điều kiện định hướng, cùng chọn sách, chủ đề, nội dung và đọc với học sinh”, cô Oanh nói và bày tỏ băn khoăn về những thách thức chung: Nhiều em “lười đọc” do được cha mẹ cho sử dụng điện thoại quá nhiều. “Đôi khi thầy cô cảm thấy bất lực vì hành vi đọc của các em thay đổi do ở nhà được sử dụng điện thoại thường xuyên. Một số em nói rằng, đọc sách không thích bằng xem điện thoại”, cô Oanh tâm sự.
![Cô giáo H’ Pa Ra Ayun chia sẻ về nỗ lực hình thành thói quen đọc sách cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: TT hinh-thanh-thoi-quen-doc-sach-cho-hoc-sinh-mien-nui-1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb36453974581a00e99c3b46831439d2e669dd82887434d10123cdbbea83eae82d7d0cddf117cbc771b3ed8ebe776e91cf29c4b7380168369d4a4932a1bec755f519058186a8904041fc31274acb4faf5c0a71469e/hinh-thanh-thoi-quen-doc-sach-cho-hoc-sinh-mien-nui-1.jpg)
Chọn sách phù hợp lứa tuổi
Theo cô Lê Thị Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc), trong Chương trình GDPT 2018, lần đầu xuất hiện một tiết đọc mở rộng ở môn Tiếng Việt (Tiết đọc thư viện). Cứ sau 2 tuần học sẽ có 1 tiết đọc mở rộng theo chủ đề cho trước như đọc một bài văn, thơ về chủ đề gia đình và trả lời câu hỏi: Tên bài đọc, tác giả, nhân vật, đặc điểm, từ ngữ hay, hình ảnh đẹp, biện pháp nghệ thuật…
Để trả lời được những yêu cầu trên, học sinh phải tìm sách để đọc. Thế nhưng, ở vùng khó khăn, thư viện trường học gần như là nơi duy nhất các em có thể đến để tìm câu trả lời. Vì vậy, việc lựa chọn sách cho các thư viện cần được quan tâm, bảo đảm phù hợp môn học, lứa tuổi.
Chung quan điểm, cô Vũ Thị Oanh lý giải thêm, đọc sách rất tốt, nhưng lứa tuổi tiểu học, cần kiểm soát chặt về nội dung, hình thức bảo đảm, vừa đẹp mắt, dễ đọc, dễ hiểu.
“Lứa tuổi tiểu học, thầy cô đóng vai trò chủ đạo trong việc chọn sách, tuy nhiên cũng khuyến khích các em có niềm đam mê chọn đọc những sách hay, tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới. Không gian đọc, giá sách… cần được trang trí bắt mắt nhằm tạo hứng thú để không chỉ Tiết đọc thư viện mà giờ ra chơi các em cũng yêu thích, đến đọc sách”, cô Oanh cho hay.
Cô H’ Pa Ra thì mong muốn sở GD&ĐT, cơ quan quản lý tạo nhiều sân chơi bổ ích để các đơn vị, trường học giao lưu, trao đổi sách giữa các thư viện trường học; vừa tăng đầu sách, nâng cao năng lực, nghiệp vụ về Tiết đọc thư viện, giúp phát triển văn hóa đọc nhà trường.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Lê Thị Kim Oanh lý giải, thay vì hướng dẫn cụ thể từng bước theo đúng quy trình, tài liệu như trước đây, giáo viên được cung cấp, tiếp cận kiến thức, công cụ một cách tổng hợp, toàn diện. Được trao quyền chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai. Điều này giúp tiết đọc thư viện bám sát hơn vào mục tiêu phát triển của Chương trình GDPT 2018.
Bà Oanh đồng thời khẳng định, với 3 loại hình tiết dạy gồm: Đọc to, cùng đọc và đọc to nghe chung, đều là những hình thức giảng dạy sáng tạo, giúp học sinh không chỉ yêu thích đọc sách mà còn phát triển khả năng tư duy và kỹ năng ngôn ngữ. Nhiều thầy cô công tác ở vùng DTSS đã có những sáng tạo giúp nâng cao năng lực, hứng thú cho học sinh.
Sở GD&ĐT vừa tổ chức thành công Hội thi “Tiết đọc thư viện” cấp tỉnh đối với cấp tiểu học. Có 165 thầy cô đến từ 15 phòng GD&ĐT tham dự. Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai tại các trường học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. - Bà Lê Thị Kim Oanh (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk)