Hình thành kỹ năng lên kế hoạch học tập

GD&TĐ - Lập kế hoạch học tập hiệu quả có thể giúp trẻ luôn ngăn nắp và tập trung, dẫn đến kết quả tốt hơn.

Luôn khích lệ để trẻ hình thành thói quen lập kế hoạch trong học tập. Ảnh: TG
Luôn khích lệ để trẻ hình thành thói quen lập kế hoạch trong học tập. Ảnh: TG

Trẻ nỗ lực hơn

Chị Lê Phương Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, con gái học lớp 5 rất hay mất tập trung. Mỗi ngày, thầy cô và bố mẹ đều phải nhắc con làm bài tập. Con ngồi vào bàn học bài thì nhiều nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Theo chuyên gia, đốc thúc con học bài thường là thói quen của phụ huynh. Thế nhưng, điều này khiến con ỷ lại, không có mục tiêu cụ thể. Nhiều trẻ chỉ chờ cha mẹ giục mới học, nếu không giục thì mặc định đi chơi, hoặc khi bị phê bình thì trách móc “sao bố mẹ không nhắc con”. Do đó, với mỗi trẻ, cần rèn luyện cho con kỹ năng tự lên kế hoạch học tập, cha mẹ không cần nhắc nhở, con cũng có thể đạt thành tích tốt hơn.

Trẻ tự lên kế hoạch học tập sẽ xác định được mục tiêu rõ ràng, có động lực học và làm bài. Khi lập thời gian biểu, bé có thể tự giác, tập trung vào bài vở, ít bị phân tán tư tưởng bởi môi trường bên ngoài, chất lượng nhờ đó được nâng cao.

Chị Lê Thu Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con trai chị được rèn về ý thức tự lập sớm. Đối với việc học, con dần dần lập kế hoạch cho mình theo thời gian biểu, ngắn hạn, dài hạn và mục tiêu rất rõ ràng. Càng lớn, con càng có ý thức hơn trong việc học nhờ những mục tiêu đã được lập lên.

“Khi con còn bé, việc lập kế hoạch tưởng chừng rất to lớn nhưng thực tế chỉ là rèn con làm sao đúng giờ học bài, tập trung thế nào cho hiệu quả nhất, thời gian học sao cho hợp lý,… Bước vào cấp THCS, con chủ động trong mọi việc và có thể tự lên kế hoạch cho cả những vấn đề ngoài việc học tập như du lịch, vui chơi, giải trí. Vào lớp 9, con đã nỗ lực để thi đỗ vào trường THPT mà con mong muốn. Những kế hoạch mà con đề ra chính là động lực để con quyết tâm hoàn thành và đạt được thành công”, chị Hằng chia sẻ.

Theo chuyên gia, lập kế hoạch là kỹ năng quan trọng vì nó tạo điều kiện cho khả năng thiết lập các chiến lược, ưu tiên hành động và đạt được các mục tiêu. Đây là một kỹ năng quan trọng để hoàn thành các dự án học tập dài hạn và trở thành kỹ năng quan trọng khi con chuyển sang học ở trình độ cao hơn, nơi mà trẻ phải tham gia nhiều lớp, bài tập và các kỳ thi.

Cô Nguyễn Phương Hà - giáo viên Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội) cho rằng: “Nên rèn cho con kỹ năng biết lập kế hoạch từ sớm. Kỹ năng này sẽ giúp con vừa đạt được những thành công trong học tập, vừa có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhờ có kế hoạch, trẻ sẽ luôn cố gắng để hoàn thành mục tiêu hoặc có trách nhiệm với những việc mình làm. Thậm chí, con sẽ có tư duy tổ chức sắp xếp khoa học và đạt được thành tựu nhất định”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cha mẹ cùng tham gia

Cô Nguyễn Phương Hà cho rằng, ngay từ khi còn bé, cha mẹ và thầy cô chỉ nói “con phải có kế hoạch”, “con hãy lập kế hoạch đi” thì sẽ rất khó. Vì thế, luôn cần có sự đồng hành của người lớn hướng dẫn, thậm chí cùng tham gia để con có sự sắp xếp mọi việc hay đơn giản là con tìm được niềm vui trong mỗi hoạt động để rồi tự mình sáng tạo, có nhiều ý tưởng mới mẻ.

Muốn vậy, cha mẹ hãy ngồi cùng con, cung cấp một lịch tổng thể của các sự kiện để giúp trẻ lên kế hoạch trước. Con có thể trang trí theo sở thích cá nhân lịch này với hình ảnh, đồ họa, hình dán, và hình tượng trưng. Lưu ý rằng lịch phải bao gồm các sự kiện quan trọng, cuộc họp, trò chơi và thời hạn.

Với việc học, khuyến khích trẻ đặt mục tiêu cụ thể và thực tế trong năm. Điều này có thể là đạt được một số điểm nhất định trong lớp, cải thiện điểm kiểm tra hoặc học một kỹ năng mới.

“Trẻ chưa thể nào rõ ràng, khúc triết như người lớn khi mới bắt đầu đề ra kế hoạch cho bản thân trong việc học. Do đó, cha mẹ hãy giúp con chia mục tiêu thành các bước nhỏ hơn, dễ quản lý và xác định những gì cần làm mỗi tuần hoặc mỗi tháng để đạt được mục tiêu đó”, cô Hà lưu ý.

Đồng thời, cũng theo cô giáo này, người lớn nên khuyến khích trẻ em sắp xếp thời gian học tập và biến nó thành một phần thường xuyên trong thói quen của chúng. Trẻ em cũng nên dành thời gian cho việc giải lao, sở thích và các hoạt động quan trọng khác để tránh bị kiệt sức khi học quá nhiều.

Với việc học, cha mẹ có thể hướng dẫn con tạo các ghi chú tóm tắt, tạo thẻ nhớ để giúp ghi nhớ thông tin hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hãy giúp trẻ luôn ngăn nắp bằng cách tạo một khu vực học tập được chỉ định và sắp xếp các tài liệu của chúng theo thứ tự. Thường xuyên dọn dẹp ba lô, tủ đựng đồ hoặc bàn học để giảm bớt những gì khiến trẻ mất tập trung. Quan trọng nhất là hãy khuyến khích con tìm ra những gì phù hợp nhất với mình.

Ngoài ra, cần khuyến khích trẻ cải thiện các thói quen lành mạnh, chẳng hạn như ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm bổ dưỡng và tập thể dục thường xuyên. Điều này giúp trẻ không chỉ khoẻ mạnh mà khi lớn lên, con cũng sẽ biết cách lập kế hoạch cho những “hạng mục” này.

Cô Phương Hà cũng lưu ý, mặc dù kế hoạch mà con tự xây dựng có thể còn khiếm khuyết, nhưng là kế hoạch tự lập ra bằng sự háo hức, sáng tạo. Do vậy, cha mẹ cần cổ vũ khích lệ con cái, bởi ít ra chúng đã có khả năng tự hình dung và phân phối thời gian cho mình mà độc lập với hướng dẫn của cha mẹ. Việc khích lệ trẻ sẽ thúc đẩy sự tự tin và động lực cho con tiếp tục làm việc chăm chỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ