Lập kế hoạch để… chơi
Lý giải việc tại sao phải lập kế hoạch mới rèn được tính tập trung cho trẻ, cô Nghiêm Thị Mai – giáo viên Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội) chia sẻ: Đối với cả người lớn hay trẻ nhỏ, khi làm một việc gì đó mà có kế hoạch sẵn, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.
Việc lập kế hoạch giống với việc đề ra mục tiêu trước giờ học nhưng ở chế độ mở rộng hơn, có thể là kế hoạch cho một ngày, một tuần hoặc một tháng. Phụ huynh hãy giúp trẻ tạo lịch trình cá nhân theo từng ngày, bao gồm thời gian chơi, thời gian học tập hoặc các công việc khác. Sau đó, cần quan sát và nhắc nhở trẻ tuân theo lịch trình để rèn luyện thành thói quen hữu ích.
Cô Mai chia sẻ: “Nhiều trẻ bước vào giai đoạn tiểu học thường có biểu hiện không tập trung gây ra hệ lụy không tốt. Thời điểm này, việc học là hoạt động chính chứ không còn vui chơi như mẫu giáo.
Nếu trẻ nào khả năng tập trung chú ý hạn chế sẽ rất mau mệt mỏi. Nhiều trẻ khó ngồi yên để chú ý đến lời cô giảng hoặc tập trung làm bài tập của mình mà thường biểu hiện phá bạn, nói chuyện với bạn. Nếu giáo viên nhắc nhở nhiều lần, trẻ sẽ có cảm giác khó chịu, không muốn học nữa, thậm chí bất hợp tác với cô giáo. Từ đó sẽ sinh ra rất nhiều vấn đề ở trẻ”.
Cũng theo cô Mai, hoạt động thể chất là cách rèn tập trung cho con khá tốt. Vận động có thể giúp trẻ hình thành khả năng loại trừ phiền nhiễu, tăng sự tập trung và theo đuổi mục tiêu cố định. Trong các nhà trường, hoạt động thể chất được đưa vào giờ nghỉ giữa các buổi học với mục đích cải thiện hành vi, tăng hiệu suất học tập.
Trên thực tế, nếu các vận động viên mà chỉ cần phân tâm trên sân đấu cũng có kết quả không mong muốn. Tâm lý trẻ nhỏ luôn thích được chiến thắng. Vì vậy, các con sẽ cố gắng tập trung vào hoạt động để đạt được điều mình mong chờ. Cho nên, hoạt động thể chất thường đem lại hiệu quả cao trong việc rèn tính tập trung.
Tuy nhiên, dù là vận động, chơi đùa thì cũng cần có môi trường để duy trì nó. Cha mẹ không nên ép con chơi thể thao chỉ vì mục đích là để rèn con tập trung trong việc khác.
Để con thực sự yêu thích, người lớn cần tạo sự hứng khởi cho trẻ, thường xuyên đổi mới cách chơi hoặc có thể dành thời gian chơi cùng con. Đôi khi, tạo cuộc đấu nhỏ có phần thưởng cũng là sự khích lệ trẻ cố gắng tập luyện. Điều này tự “đẩy thuyền” để con thích thể thao, từ đó tăng khả năng tập trung trong học tập.
Giúp con chơi theo độ tuổi
Theo cô Nguyễn Thị Phương Thảo – giáo viên Trường Mầm non Song ngữ VPS (Hà Nội): Khi lên 5 tuổi, trẻ thường gặp khó khăn về tập trung học tập. Lúc này, trẻ đã có nhận thức và nhiều mối quan tâm hơn. Điều này cũng khiến con dễ bị chi phối gây ra sự xao nhãng, lơ là trong học tập.
Đặc biệt, khối lượng kiến thức, bài tập cũng không phải là niềm hứng thú của nhiều trẻ trong độ tuổi này. Tuy nhiên, cách hướng dẫn dạy dỗ của cha mẹ sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để tạo ra những thói quen có lợi cho trẻ.
Rèn luyện khả năng tập trung không phải là việc có thể thực hiện trong vài ngày hay vài tuần mà cần có sự kiên trì của cả cha mẹ và con cái. Với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, thời gian tập trung của trẻ trung bình có thể kéo dài tầm 15 - 20 phút. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có mức độ tập trung giống nhau. Cha mẹ có thể linh hoạt thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh gia đình và khả năng con của mình.
Cô Thảo gợi ý: Những trò chơi tư duy đòi hỏi sự tập trung sẽ khiến trẻ buộc phải nghiêm túc nếu muốn chơi thắng. Phụ huynh có thể cho trẻ chơi một số trò chơi cần đến khả năng tập trung như: Ghép hình, xếp lego, tô màu tranh, chơi đàn, cờ vua, những trò chơi tập thể… Người lớn cần chú ý về mặt thời gian hoàn thành để con cố gắng, không bị phân tâm vào việc khác.
Cha mẹ nên chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của con mình, nếu đồ chơi khó quá trẻ sẽ nhanh nản chí và bỏ cuộc, không muốn tập trung vào nó nữa.
Tùy vào từng độ tuổi thì khả năng tập trung chú ý của trẻ phải phù hợp với độ tuổi đó, vì mức độ học của mỗi trẻ khác nhau. Do đó, việc luyện tập trung chú ý cho trẻ ngay khi còn nhỏ rất quan trọng. Dần dần theo thời gian, khả năng tập trung chú ý của trẻ sẽ tăng lên rất nhiều.
Cô Thảo cũng cho rằng: Trong quá trình rèn luyện tập trung cho con bằng vận động, chơi trò chơi, cha mẹ cần tạo một không gian yên tĩnh. Hạn chế những đồ vật gây phân tán sự tập trung vào hoạt động của mình. Đồng thời, không nên la mắng, áp đặt trẻ phải thực hiện cho xong bài tập, trò chơi đó. Điều này sẽ khiến con cảm thấy hoạt động này là việc bắt buộc phải làm, chẳng có gì hứng thú.
“Tốt nhất ba mẹ nên hiểu sở thích của con như sử dụng các đồ chơi, các trò chơi mà con thích để phát triển khả năng chú ý cho con. Sử dụng biện pháp khen thưởng cho trẻ khi trẻ hoàn thành bài tập, trò chơi.
Ngoài ra, có thể sử dụng các lời động viên khuyến khích trẻ như: Cố lên con, sắp xong rồi, còn chút xíu nữa thôi, con giỏi rồi đó cố lên nhé… Việc tạo không gian để cả gia đình cùng tham gia sẽ khiến con tự tin, ấm áp và tập trung hơn rất nhiều” – cô Thảo chia sẻ.