>>> Chống ‘sốc' cho con khi chuyển nhà mới
Ngoài ra, kỹ năng thích nghi sẽ giúp trẻ chủ động hơn trong việc khám phá và tìm hiểu, học tập những điều mới.
Thay đổi là một thứ đáng sợ đối với bất kỳ ai, nhưng đó cũng là điều mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Vậy nên, cha mẹ cần giáo dục trẻ biết chấp nhận những sự thay đổi của cuộc sống.
Xét về cấp độ sinh học, kỹ năng thích ứng giúp con người duy trì sức khỏe, thể chất. Về tâm lý, kỹ năng thích ứng giúp con người tồn tại cân bằng trong mọi điều kiện. Khả năng thích ứng sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái trong những sự thay đổi không ngừng của cuộc đời. Kỹ năng này đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống tinh thần và hạnh phúc của mỗi người.
Xét về xã hội, kỹ năng thích ứng được hiểu là sự tích hợp của cá nhân trong xã hội. Kết quả của kỹ năng này là tự nhận thức và vai trò được hình thành, tự kiểm soát và khả năng tự phục vụ, kết nối đầy đủ với người khác.
Khả năng thích ứng cao của con người góp phần vào thực tế là họ nhanh chóng đối phó với căng thẳng và chấp nhận rằng, tình hình đó không thể tránh khỏi. Ngoài ra, những người có khả năng thích nghi tốt có thể giúp mọi người đối phó với trải nghiệm của họ và thích ứng các tình huống.
Sự linh hoạt và khả năng thích ứng trong các hành động của con người, phản ứng thường đôi lúc có thể giúp một cá nhân sống sót ngay cả trong những tình huống nguy hiểm tiềm tàng.
Do đó, nhằm bảo vệ sức khỏe và giúp cho trẻ được phát triển một cách toàn diện, các phụ huynh nên xây dựng và rèn luyện kỹ năng thích nghi cho trẻ từ khi còn nhỏ. Việc cung cấp đầy đủ thức ăn ngon, quần áo đẹp và môi trường sống trong sạch nhất không phải là điều tốt nhất mà các cha mẹ nên dành cho trẻ.
Thay vào đó, phụ huynh nên hình thành cho trẻ khả năng phát triển trong mọi điều kiện sống. Tức là, trẻ có thể tồn tại và lớn khôn dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù điều kiện thiếu thốn hay dư đủ.
Trẻ có kỹ năng thích nghi sẽ có khả năng phân tích và xử lý các tình huống thách thức, trở ngại, khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt và làm việc. Trau dồi và tích lũy kinh nghiệm cũng như khả năng làm việc nhóm, tập thể. Đồng thời, trẻ sẽ trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn mỗi khi đối đầu với những cám dỗ, thử thách.
Trẻ cần có kỹ năng thích nghi với môi trường. Ảnh minh họa: ITN. |
Biết chấp nhận sự thay đổi
Chuyên viên Hồ Thị Thu Hương - Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục và đào tạo quốc tế Rồng Việt cho biết, kỹ năng thích nghi được hiểu đơn giản là khả năng thích ứng đủ nhanh và tốt trước sự biến động, thay đổi của hoàn cảnh, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đối với trẻ.
Trẻ em cần được trang bị kỹ năng thích nghi để phù hợp hơn với nhịp sống hối hả, vội vàng như hiện nay. Do đó, chuyên gia Thu Hương chia sẻ các phương pháp phụ huynh có thể áp dụng để hỗ trợ cho việc tăng cường khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường xung quanh ở trẻ.
Trước hết, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh sống. Phụ huynh được khuyến khích tạo cho trẻ thói quen suy nghĩ và làm việc độc lập. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần tập cho con mình tính độc lập trong suy nghĩ, hành động, ăn uống hay mọi khía cạnh của cuộc sống.
“Đây là cách tốt nhất giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống và dễ dàng thích nghi với môi trường luôn có sự biến động ngày nay. Cha mẹ không nên quá bảo bọc và che chở”, chuyên gia chia sẻ.
Cha mẹ cần cho phép con trẻ được chịu đựng “chút nắng, chút sương” để thích ứng với sự thất thường của thời tiết, đồng thời không cần phải “cứu nguy” cho con mọi lúc. Bởi, trẻ có thể tự giải quyết vấn đề của chúng và rút ra được những bài học cho riêng mình.
Mỗi khi có chuyện xảy ra, điều cần thiết là cha mẹ hãy dẫn dắt để trẻ suy nghĩ rằng, những quyết định của bé có thể gây ra ảnh hưởng gì. Từ đó, giúp bé đưa ra quyết định tốt nhất. Khi thường xuyên tự đưa ra quyết định cho bản thân, trong tương lai, khả năng suy nghĩ và làm việc độc lập của trẻ sẽ phát triển mạnh. Thậm chí, trẻ sẽ dễ dàng ứng phó trong những tình huống phức tạp.
Một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng là cha mẹ cần giáo dục trẻ biết chấp nhận những sự thay đổi của cuộc sống. Cha mẹ hãy dạy trẻ rằng, thay vì cảm thấy khó khăn, hoảng sợ và không làm gì cả, con hãy học cách chấp nhận những sự thay đổi đó. Khi đã chấp nhận được, trẻ sẽ dần bình tĩnh và đưa ra những phương pháp để có thể đối mặt với điều đó một cách tốt nhất.
“Phụ huynh cũng cần giúp trẻ chủ động hơn trong học tập. Rèn cho trẻ tính chủ động tìm tòi, học hỏi cái mới trong học tập là một cách giúp rèn luyện kỹ năng thích nghi cho trẻ hiệu quả. Hơn nữa, sự chủ động của trẻ không những có ích trong học tập, mà còn giúp bé thuận lợi hơn trong công việc tương lai”, nữ chuyên gia cho biết.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc phát minh ra những cái mới mẻ thật sự rất quan trọng. Vì vậy, nếu cứ giữ mãi lối học tập bị động, trẻ sẽ gặp khó khăn khi tham gia vào những môi trường mới trong tương lai. Cách để trẻ chủ động hơn mà cha mẹ có thể áp dụng có thể là rèn luyện cho con tư duy phản biện với bất cứ vấn đề gì, phát triển kỹ năng đọc hiểu, hoặc dạy bé cách tự sắp xếp thời gian học hợp lý.
Trẻ có kỹ năng thích nghi sẽ nắm bắt được những cơ hội dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: ITN. |
Những kỹ năng cần thích nghi
Trong khi đó, theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cha mẹ cần dạy cho trẻ những kỹ năng thích nghi trong các tình huống khác nhau.
Trước hết, kỹ năng thích nghi với thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó là điều mà các phụ huynh thường quan tâm, đặc biệt là việc cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp. Tuy nhiên, không ít trẻ thường xuyên chán ăn hay kén ăn. Vì vậy, cần có những kiến thức để giúp trẻ có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Bên cạnh đó, theo cô Mai Chi, cha mẹ không nên lúc nào cũng giữ trẻ trong môi trường quá sạch. Trái lại, trẻ cũng có thể nghịch cát, đất trong một chừng mực vừa phải. Bởi, hoạt động này giúp trẻ vừa thỏa mãn được tính năng động, vừa nâng cao khả năng đề kháng.
“Cha mẹ lưu ý là khi cho phép trẻ tham gia những hoạt động này, phụ huynh nên giám sát con. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên can thiệp khi nhận thấy những dấu hiệu của sự nguy hiểm. Ví dụ, trong trường hợp trẻ bị trượt ngã không gây nguy hiểm, cha mẹ có thể để con tự đứng dậy. Điều đó không chỉ giúp trẻ mạnh dạn và tự tin hơn, mà còn cho chúng ta tránh được sự mè nheo của con”, nữ giáo viên gợi ý.
Ngoài ra, kỹ năng thích nghi với đám đông cũng được coi là quan trọng không kém. Tuy nhiên, việc này phải dựa trên tính cách của các bé. Cha mẹ nên hiểu rằng, con mình thuộc loại tính khí nào, hướng nội hay hướng ngoại. Với trẻ hướng ngoại thì cha mẹ không cần quá lo ngại. Bởi, những trẻ này thường có xu hướng thích đám đông, thích sự ồn ào vui vẻ, náo nhiệt, cũng như các hoạt động tập thể.
Trái lại, với trẻ hướng nội, các bé sẽ ngại tiếp xúc với đám đông, có vẻ như nhút nhát. Do đó, cha mẹ cần có cách tiếp cận phù hợp. Từ đó, đưa ra định hướng đúng cho trẻ.
“Để xây dựng kỹ năng thích nghi, trẻ cũng cần có những thói quen tốt. Ví dụ, xếp hàng cũng được coi là một thói quen mà hầu hết người lớn chúng ta không có khi tham gia vào các hoạt động chung. Tuy nhiên, cha mẹ hãy cố gắng làm gương và tập cho trẻ có thói quen xếp hàng ngay từ nhỏ. Từ đó, giúp trẻ có cách ứng xử văn hóa nơi công cộng, thay vì chen lấn, xô đẩy”, cô Mai Chi gợi ý. Phụ huynh cũng nên giúp trẻ có thói quen bỏ rác vào thùng. Trẻ cũng cần có thói quen biết nói lời xin lỗi và cảm ơn.
Thích nghi là một kỹ năng sống quan trọng vì đó là khả năng để có thể hòa nhập hoặc phản ứng lại với môi trường bên ngoài. Trẻ nhỏ nếu có kỹ năng giao tiếp tốt có thể đạt được những thành công với những người xung quanh. Nhưng nếu thiếu kỹ năng thích nghi trong việc tham gia vào các hoạt động chung thì cũng khó đạt được những kết quả tốt cho cuộc sống của mình.