Hiệu trưởng trước yêu cầu đổi mới giáo dục

Hiệu trưởng trước yêu cầu đổi mới giáo dục

(GD&TĐ) - Ở bất cứ lĩnh vực nào thì người quản lý cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các nhà trường, hiệu trưởng chính là đầu tàu để khởi động cả cỗ máy cùng vận hành về phía trước. Trước yêu cầu đổi mới, đầu tàu ấy phải có những bước đột phá tự biết làm mới mình mới có thể dẫn dắt các đồng nghiệp cùng thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Thay đổi trước tiên về nhận thức

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục dù tiếp cận ở bất cứ góc độ nào thì giải pháp đổi mới quản lý giáo dục (QLGD) luôn được coi là khâu đột phá then chốt. Nghĩa là các cơ sở giáo dục cần phải tập trung giải quyết tốt việc đổi mới QLGD.

Điều này sẽ tạo “cú hích” làm chuyển động toàn bộ hệ thống, phát huy hiệu quả đồng bộ nhằm tạo thế và lực để giáo dục nước ta tiến lên, tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Cho nên người lãnh đạo tại các cơ sở GD cần phải đổi mới đầu tiên.

Phó giáo sư Bùi Thị Minh Hiền, nguyên Trưởng Khoa Quản lý Giáo dục Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trong quá trình đổi mới thì người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần phải thay đổi trước hết về tư duy nhận thức.

Và điều quan trọng là cần phải tác động đến đội ngũ nhà giáo để họ cùng có những chuyển đổi đúng đắn và phù hợp đến công tác giảng dạy hàng ngày. Với trách nhiệm của mình, những người quản lý cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch dài hơi trong việc tổ chức lãnh đạo.

Cụ thể họ phải triển khai được việc đổi mới ở từng khâu, thiết lập lộ trình đổi mới bằng những việc làm cụ thể như: Đổi mới ở khâu nào? Cách thức đổi mới ra sao? Khâu nào là căn cốt… Để nâng cao chất lượng giảng dạy thì các vấn đề quan trọng cần được người hiệu trưởng quan sát và thực thi một cách thiết thực, đó là mục tiêu, phương pháp, nội dung chương trình…

Và sự tài hoa khéo léo của họ sẽ được thể hiện ở quá trình tạo lập một môi trường làm việc khoa học nhưng thân thiện. Bởi có tạo được môi trường làm việc thân thiện thì người quản lý mới kích thích được khả năng sáng tạo, từ đó tạo động lực cho các đồng nghiệp cùng cố gắng. 

Song song với việc thay đổi nhận thức, bên cạnh đó thì người hiệu trưởng cần phải biết khích lệ biểu dương, tạo điều kiện cho các cá nhân cùng phát huy năng lực nổi trội của mình. Từ thực tế cho thấy, trong QLGD cần tránh đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý theo kế hoạch. Người hiệu trưởng cần đổi mới quan điểm, phải có cách nhìn mới, sâu rộng hơn để có thể cùng lan tỏa ý thức tự đổi mới trong mỗi GV.

Hiệu trưởng có vai trò quan trọng đối với việc đổi mới tại các trường phổ thông (Ảnh T. Anh)
Hiệu trưởng có vai trò quan trọng đối với việc đổi mới tại các trường phổ thông 

Trang bị năng lực và kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới

Để có thể thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng quản lý thì mỗi người cán bộ QLGD trong xu thể đổi mới và hội nhập cần có những kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Kỹ năng này sẽ là những trợ thủ đắc lực để họ hiện thực hóa khả năng lãnh đạo cũng như tiếp cận các vấn đề khoa học, tiến tiến trong lĩnh vực quản lý giáo dục.

Điều này cũng giúp họ thích nghi với sự đổi mới trên các phương tiện quản lý. Vì vậy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ QLGD, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng và dành các học phần đáng kể cho các vấn đề về CNTT và truyền thông.

Tiêu chí mà UNESCO đã đặt ra đó là: Học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để biết chung sống cùng nhau - đây cũng là điều mà vấn đề đổi mới giáo dục cùng hướng tới. Đích đến là phát huy tối đa năng lực của người học. Những người có vai trò lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục để có thể đáp ứng tốt sự đổi mới này cần không ngừng trau dồi các năng lực chuyên môn và khả năng lãnh đạo.

Theo PGS. TS Đặng Thị Thanh Huyền (Học viện QLGD), người cán bộ quản lý phải có năng lực khái quát cập nhật, năng lực biết hỗ trợ những người khác, có ảnh hưởng tích cực tới những người xung quanh. Cụ thể, họ phải có khả năng nắm bắt những biến đổi lớn từ môi trường bên ngoài tác động đến sự hoạt động của giáo dục về các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và quốc tế.

Quan trọng hơn nữa là họ có khả năng thuyết phục, trình bày, lắng nghe, có khả năng hỗ trợ các đồng nghiệp cùng phát triển. 

Nhiều giáo viên khi được hỏi họ mong ước gì về người lãnh đạo của mình, thì phần lớn đều chia sẻ: Mong muốn người đứng đầu trong các nhà trường không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn mà cần vững vàng trong công tác quản lý; Biết đánh giá đúng năng lực từng cá nhân, công tâm trong phê phán cũng như khen thưởng.

Đồng thời biết chuyển đổi mềm dẻo linh hoạt sự đổi mới chung thành những việc làm cụ thể thiết thực trong quá trình xây dựng một nhà trường hiệu quả, thân thiện. Người hiệu trưởng giỏi còn là người dám đột phá xây dựng những mô hình mới mẻ bắt kịp với các xu hướng tiên tiến trên thế giới.   

Một trong những tiêu chí quan trọng quy định chuẩn hiệu trưởng là về năng lực quản lý: Có khả năng phân tích và dự báo; Hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương; Nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách và quy định của ngành Giáo dục; Phân tích tình hình và dự báo được xu thế phát triển của nhà trường. 

Về  Tầm nhìn chiến lược:  Xây dựng được tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị của nhà trường hướng tới sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường...

(Theo Quy định về Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Ban hành theo Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT)

Châu Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ