Tổ chức các bước thực hiện dạy học tích hợp liên môn
3 bước thực hiện dạy học tích hợp liên môn được thầy Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ như sau:
Bước 1: Tổ chuyên môn, giáo viên phải kiểm tra, rà soát lại nội dung chương trình môn học và môn học có liên quan với nhau trong các chương trình cụ thể của lớp để tìm ra nội dung có kiến thức chung có thể xây dựng được các chủ đề dạy học tích hợp và tích hợp liên môn.
Việc này đòi hỏi người giáo viên nắm chắc chương trình và có sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong tổ chuyên môn với nhau.
Bước 2: Xác định mục tiêu của chủ đề. Xây dựng các mức độ câu hỏi dựa trên nhận thức của học sinh và cần có câu hỏi cốt lõi để giúp học sinh tìm ra kiến thức và từ những kiến thức đó có thể vận dụng để giải quyết vấn đề trong học tập cũng như khám phá ra các kiến thức khác trong bài học.
Bước 3: Tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp liên môn. Trong đó, phải xây dựng kế hoạch dạy học.
Trong kế hoạch dạy học này, người giáo viên cần phải xác định được nội dung kiến thức, tiến trình dạy học, phương pháp, hình thức dạy học tích cực.
Giáo viên, tổ chuyên môn cần lưu ý kế hoạch dạy học của mỗi môn học có liên quan sau khi đã tách một số nội dung để xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn, đảm bảo sự phù hợp và hài hoà giữa các môn học.
Kế hoạch của mỗi môn học cần phải tính đến thời điểm dạy chủ đề tích hợp, tránh tình trạng là để nội dung còn lại và thời gian dạy nội dung đó quá xa, khi đó không còn “phù hợp”.
Căn cứ vào nội dung dạy học của các môn học liên quan và căn cứ thời lượng “trích ra” từ các môn học tương ứng, giáo viên, tổ chuyên môn cùng thống nhất thời điểm dạy học phù hợp với kế hoạch dạy học các môn học và phù hợp với kế hoạch thời gian năm học.
Bên cạnh đó, tổ chuyên môn cũng như bộ phận chuyên môn trường tổ chức rút kinh nghiệm dạy về chủ đề tích hợp liên môn sau mỗi lần áp dụng. Cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thực hiện chủ đề này thật tốt để góp phần giúp nâng cao năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, còn nâng cao các năng lực: tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học liên môn cho giáo viên. Nhà trường mạnh dạn giao quyền để giáo viên tự chủ động trong các hoạt động này.
Ngoài ra, hoạt động này cũng đòi hỏi sự phối hợp của các bộ phận, đoàn thể, cá nhân, tổ chức trong nhà trường như: Liên Đội, Chi đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách, Ban đại diện cha mẹ học sinh,... đảm bảo các mục tiêu để nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao năng lực của học sinh trong nhà trường.
Nguyễn Minh Nhựt trong một hoạt động tổ chức tại trường |
Đổi mới sinh hoạt chuyên môn của các tổ chuyên môn và trường
Đổi mới sinh hoạt chuyên môn là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình hoạt động chuyên môn. Muốn có một chủ đề tích hợp liên môn hiệu quả đòi hỏi trí tuệ và sáng tạo của tập thể mà trong đó các tổ chuyên môn là người giữ lửa cho việc tổ chức các hoạt động: rà soát nội dung chương trình, thiết kế các nội dung tích hợp, lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học tích cực.
Yêu cầu các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ nội dung công văn 1067/SGDĐT-GDTH của Sở GD&ĐT Đồng Tháp ngày 8/8/2016 hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn kể từ năm học 2016-2017, cũng như các nội dung cần triển khai thực hiện để chủ động, đa dạng về hình thức sinh hoạt chuyên môn.
Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ trưởng cùng xác định được nội dung, phần hỗ trợ, tư vấn các tổ chuẩn bị nội dung để trao đổi sinh hoạt chuyên môn thật hiệu quả. Tăng cường rút kinh nghiệm điều chỉnh nội dung dạy học, phương pháp hình thức dạy học như thế nào cho các chủ đề đó phát huy hiệu quả hơn và năm sau chúng ta có thể vận dụng tốt hơn.
Giáo viên cần phát huy vai trò chủ động
Chia sẻ về kết quả triển khai tại Trường tiểu học Phú Mỹ, thầy Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Giáo viên tham gia dạy học tích hợp liên môn tự tin hơn khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tiễn. Năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khả năng phối hợp giữa các bộ phận, đoàn thể, cá nhân, tổ chức trong nhà trường và giải quyết các tình huống đột xuất trong dạy học được nâng lên. Giáo viên ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động.
Giáo viên nhận thức được sự cần thiết của dạy học tích hợp liên môn giúp tiết kiệm được thời gian công sức do không trùng lặp về mặt kiến thức trong môn học và giữa các môn học.
Học sinh được trải nghiệm thực tế, phát triển các kỹ năng và năng lực học tập. Các em chủ động trong các hoạt động để rút ra nội dung bài học. Qua đó, các em thấy kiến thức trong các bài học gần gũi với cuộc sống của các em hơn.
Sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với nhà trường ngày càng khăng khít hơn, chặt chẽ hơn. Sự đoàn kết giữa các thành viên và hỗ trợ của các đoàn thể trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong dạy học tích hợp liên môn được tốt hơn.
Để nhà trường triển khai tốt hơn dạy học tích hợp liên môn, thầy Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, giáo viên cần chủ động nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức dạy học tích hợp liên môn; phối hợp với cha mẹ học sinh, đoàn thể để tổ chức các hoạt động dạy học trải nghiệm phù hợp.
Sở, Phòng GD&ĐT sớm thành lập hoặc hợp tác để có 1 trung tâm thực hành trải nghiệm để các trường chủ động hơn và có thể bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức cũng như các kĩ năng thường xuyên hơn cho đội ngũ giáo viên.