(GD&TĐ) - Phương pháp kỷ luật tích cực được hiểu là những biện pháp giáo dục học sinh mà không sử dụng đến các hình thức bạo lực, trừng phạt... Trong đó, giáo viên, nhà quản lý giáo dục áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp để giúp học sinh giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách toàn diện, bền vững.
Roi vọt không làm nên con người
Thực tế cho thấy, cách thức giáo dục học sinh của giáo viên phần lớn dựa vào kiến thức và kinh nghiệm sẵn có. Nhiều giáo viên chưa hiểu hết được tâm lý, nhu cầu, sở thích của học sinh trong xã hội công nghệ. Còn trong các trường sư phạm, dường như người giáo viên được trang bị nặng hơn về kiến thức chuyên ngành mà nhẹ về kiến thức kỹ năng nghiệp vụ.
Mặt khác, dù Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của châu Á tham gia ký kết Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, các hành vi trừng phạt thân thể và xúc phạm tinh thần đối với học sinh ở Việt Nam đều bị nghiên cấm song ở đâu đó có thể vẫn còn hiện tượng này do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau và một trong số đó là giáo viên vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm giáo dục như “Yêu cho roi cho vọt”, “Thuốc đắng giã tật”. Nhiều giáo viên chưa được trang bị cũng như chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò của phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh. Các quy định dành cho học sinh trong nhà trường đôi khi chưa thực sự tạo được sự tham gia tích cực của học sinh...
Cần tránh sử dụng các hình thức bạo lực trong giáo dục |
Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề giáo dục học sinh, đặc biệt là những học sinh có hành vi lệch chuẩn, thì việc hỗ trợ giáo viên vận dụng có hiệu quả phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh và đưa nội dung phương pháp kỷ luật tích cực vào hoạt động giáo dục cho sinh viên sư phạm - những nhà giáo dục trong tương lai là rất cần thiết. Mỗi giáo viên cần được trang bị, nâng cao nhận thức về phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh; giáo viên, cơ sở giáo dục cũng cần giúp học sinh thực hiện các quy định bắt buộc của nhà trường với tính tích cực, tinh thần tự giác cao...
Kỷ luật tích cực - Phương pháp giáo dục hiệu quả
Các nhà khoa học và giáo dục đã khẳng định, việc tác động của phương pháp kỷ luật tích cực đối với giáo viên và học sinh nhà trường là vô cùng cần thiết và có hiệu quả lớn trên nhiều phương diện.
Cô giáo Nguyễn Thị Thương- Trường Tiểu học Văn Bán (Cẩm Khê, Phú Thọ) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất bực mình, nhiều lúc không kiềm chế được nên đã mắng học sinh khi các em đi muộn, không thuộc bài, đánh nhau bị ghi sổ đầu bài làm ảnh hưởng tới kết quả thi đua của lớp. Tuy nhiên, sau những lần như thế tôi cảm thấy các em không thay đổi và cũng không có kết quả gì”. Chỉ sau khi nhà trường áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực, và cô Thương được tham gia lớp tập huấn thì: “Bây giờ khi vào lớp tôi thấy không khí trong lớp không còn căng thẳng như trước nữa. Do được động viên, khuyến khích, được lắng nghe và khuyên bảo nhẹ nhàng nên học sinh cũng đã biết nghe lời hơn và biết tự giác nhận thức khuyết điểm khi mắc lỗi.
Học sinh mong muốn "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" |
Như vậy có thể khẳng định, việc hiểu biết kiến thức, nội dung của phương pháp kỷ luật tích cực đã giúp cho giáo viên, học sinh có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức. Đội ngũ giáo viên phong phú thêm về vốn tri thức, về chuyên môn nghiệp vụ công tác, hiểu biết hơn về tâm sinh lý của trẻ, thấy được trách nhiệm nhiều hơn, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hay trong việc giáo dục trẻ, không còn hiện tượng sát phạt xúc phạm đến thân thể hoặc tinh thần, danh dự trẻ. Còn đối với học sinh đã nhận thức được hành vi, việc nên hoặc không nên làm, nhận thức đâu là những hành vi đúng, sai...
Cũng theo đánh giá ban đầu, việc triển khai áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực của giáo viên trong nhà trường nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần thay đổi về việc sử dụng các biện pháp giáo dục học sinh của giáo viên. Mức độ sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực (đánh, mắng, trừng phạt...) sẽ giảm rõ rệt. Mức độ sử dụng các phương pháp của kỷ luật tích cực (xây dựng nội quy lớp học thân thiện, biết lắng nghe trẻ một cách tích cực trước khi đưa ra quyết định, khen thưởng khích lệ...) tăng lên đáng kể. Từ chỗ một số giáo viên chỉ biết sử dụng kiến thức của tâm lý học sư phạm là chính đến chỗ 100% giáo viên đã biết dùng “kiến thức” của kỷ luật tích cực.
Ở một góc độ khác, thầy Hoàng Xuân Bính - THCS Văn Bán (Cẩm Khê, Phú Thọ) còn cho biết. Triển khai các nội dung của phương pháp kỷ luật tích cực trong trường học cũng góp phần đáng kể vào việc xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực: “Học sinh đã coi trường học là ngôi nhà thứ hai. Các em dành cho nhau nhiều lời khen tặng thay cho những lời chê bai, biết thân thiện với bạn bè trong giao tiếp, ứng xử và đặc biệt luôn biết nói lời xin lỗi – cảm ơn. Giáo viên được đổi nếp suy nghĩ, nâng tầm nhận thức trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh và phát huy các phương pháp dạy học tích cực. Đặc biệt, trường học không có hiện tượng bạo lực học đường; giáo viên – học sinh – phụ huynh cùng hợp tác thực hiện tốt”.
Được thay đổi tích cực về hành vi, học sinh sẽ biết sống ngoan ngoãn hơn, văn minh, đoàn kết, trưởng thành, chăm chỉ tích cực hơn. Các hiện tượng như chửi tục nói bậy, đánh nhau của học sinh giảm đi đáng kể; học sinh không những biết chăm sóc vệ sinh cá nhân tốt hơn mà còn biết giữ gìn vệ sinh, trang trí trường lớp và tham gia làm vệ sinh nơi công cộng, chăm sóc các di tích lịch sử địa phương, tham gia phòng chống tốt các tệ nạn xã hội...
Dưới góc độ người quản lý, nhà giáo Hoàng Minh Phương - Hiệu trưởng Trường TH Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội) khẳng định, phương pháp kỷ luật tích cực đã tạo nên môi trường sư phạm thân thiện cho trường. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đó là khẩu hiệu mà mỗi cán bộ, giáo viên nhân viên và học sinh của trường đều thuộc và tâm đắc. Đồng thời đó cũng là thực tế mà mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh của nhà trường cảm nhận được. Các mối quan hệ trò với trò; thầy với trò, thầy với thầy, thầy với cha mẹ học sinh... đều trở nên hết sức thân thiện dưới mái trường” Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn quát mắng. Làm cha mẹ thầy cô không phải dễ nhất là việc rèn kỷ luật cho trẻ. Sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục đòi hỏi nhiều thời gian tâm sức và không có người lớn nào đều đúng ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng nếu người lớn biết yêu thương, tôn trọng trẻ bằng trái tim thì nhất định sẽ có học sinh ngoan, tiến bộ...” - Đó cũng là những thông điệp của nhà giáo Hoàng Minh Phương.
Nhiều giáo viên khi được hỏi cho rằng việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực (PPKLTC) vào hoạt động dạy học, giáo dục học sinh giúp học sinh giải quyết các yếu tố tâm lý, giáo dục kỹ năng sống. Quá trình này còn giúp cho học sinh biết cách ứng phó với căng thẳng và cảm xúc. Không những thế, nếu người giáo viên chưa được trang bị nội dung PPKLTC thì thông thường là thói quen (bản năng) sẽ có ảnh hưởng không tốt đến giáo dục học sinh. Để đưa PPKLTC vào nội dung giáo dục và hoạt động giáo dục của nhà trường một cách hiệu quả thì người giáo viên – người trực tiếp thực hiện nội dung này giữ vai trò quan trọng. |
Mai Hoàng