Chính nhờ vậy mà diện mạo giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự thay đổi. Trường lớp được xây dựng kiên cố hóa - hiện đại hóa theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh ngày càng được nâng cao.
Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục
Đến thăm các trường học ở các huyện miền núi, biên giới Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), đứng nhìn những con đường bê tông trải dài, những ngôi trường khang trang, nhà công vụ được xây dựng vững chãi… chúng tôi thực sự tin rằng những lời thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT Tây Giang - nói về thành quả và những đổi thay mạnh mẽ của ngành Giáo dục địa phương là sự thật.
Bởi nếu ai đã từng đến nơi đây chừng hơn chục năm về trước chắc hẳn vẫn chưa quên được hình ảnh những con đường đất quanh co rừng núi, những bản làng tạm bợ chẳng đủ che nắng, che mưa của người dân tộc Xơ Đăng, Cơ Tu nghèo khó. Cuộc sống của nhân dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Ngày ấy, hai huyện miền núi Đông Giang, Nam Trà My và hai huyện biên giới Tây Giang, Nam Giang được mệnh danh là những địa phương có nhiều tiêu chí “không” nhất trong toàn tỉnh Quảng Nam: “Không đường giao thông, không điện, không trường học, không chợ và không có hệ thống thủy lợi”.
Chỉ sau gần 20 năm tách lập tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhờ được hưởng thụ những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, xã hội và sự nỗ lực của chính quyền, ngành GD&ĐT, nên các địa phương đã phát triển, mở rộng được hệ thống mạng lưới trường lớp đến tận thôn, xóm, chất lượng giáo dục đã được nâng cao rõ rệt.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Nhờ có nhiều chính sách đầu tư cho giáo dục vùng khó đến với huyện biên giới Tây Giang, nhất là chính sách hỗ trợ tiền bán trú, cấp gạo… nên trường học nơi đây luôn đảm bảo sĩ số học sinh đến lớp, giảm dần tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao”.
Ngoài việc sử dụng hiệu quả các dự án, chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn khác để đầu tư cho giáo dục.
Thầy Hồ Văn Hưng - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Nam - cho biết: Để các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, các huyện miền núi, biên giới trong tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển mở rộng mô hình trường học bán trú, tạo điều kiện cho các thế hệ học sinh người dân tộc thiểu số có điều kiện học tập hết sức thuận lợi. Những chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục vùng khó tỉnh Quảng Nam đã thực sự góp phần giúp học sinh miền núi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở trong quá trình học tập.
Động lực cho giáo dục vùng khó phát triển
Đến huyện biên giới Nam Giang, được nghe những lời tâm sự của những cán bộ, giáo viên đã có thâm niên công tác, dạy học ở đây, chúng tôi thực sự phấn khởi khi ai ai cũng bày tỏ niềm vui mừng trước sự đổi thay này. Nhiều giáo viên phấn khởi cho biết, sẽ khó lòng có đổi thay như ngày hôm nay nếu như không có những chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn và cả những chính sách đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục vùng khó.
Thầy Nguyễn Hữu Tờn – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Cà Dy (xã Cà Dy, huyện Nam Giang) phấn khởi nói: “Trong những năm học gần đây, sau khi Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện, rồi Chương trình SEQAP hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh đã tạo nên một làn gió mới cho giáo dục vùng khó.
Chính vì vậy, con em đồng bào dân tộc chuyên tâm học hành, giáo viên cũng đỡ vất vả hơn trong việc vận động học sinh đến trường. Vui mừng hơn cả là người dân đồng bào dân tộc thiểu số giảm bớt được gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” cho con em đi học, chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới”.
Có gần 40 năm gắn bó với giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam, thầy Trần Trực – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) không giấu được niềm vui: “Trong những năm học vừa qua, nhờ được hỗ trợ tiền ăn và nhà ở bán trú, cùng với chính sách hỗ trợ 15kg gạo/tháng nên học sinh có điều kiện sống tốt hơn. Rõ ràng chính sách mà Chính phủ đưa ra đã có tác động tích cực đối với sự nghiệp phát triển giáo dục vùng khó. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn, đồng thời công tác vận động học sinh ra lớp cũng gặp rất nhiều thuận lợi”. Hệ thống trường lớp tại điểm trường chính được đầu tư xây dựng khang trang đã minh chứng cho những điều thầy nói là đúng thực tế.
Thầy Trực cho biết thêm: “Trước đây, để đến được trường, các em học sinh ở đây phải dậy từ rất sớm, băng rừng, lội suối cả chục km nên việc học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão.
Nhưng hiện nay, Trường PTDT bán trú Tiểu học Tr’hy được phân thành nhiều điểm trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em tại các thôn bản đến trường. Tất cả các điểm trường đều được đầu tư xây dựng mới hoặc được cải tạo, sửa chữa thay thế cho những lớp học tạm bợ, tranh tre nứa lá. Đây không chỉ là niềm vui của tập thể giáo viên, học sinh mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương”.