Hiệu quả không rõ ràng của kính ngăn ánh sáng xanh

GD&TĐ - Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã kết luận rằng, kính mắt ngăn ánh sáng xanh có thể không thực sự hiệu quả.

Không có kết luận nào được đưa ra về lợi ích của kính ngăn ánh sáng xanh đối với sức khỏe mắt.
Không có kết luận nào được đưa ra về lợi ích của kính ngăn ánh sáng xanh đối với sức khỏe mắt.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã kết luận rằng, kính mắt ngăn ánh sáng xanh có thể không thực sự hiệu quả. Nhóm nghiên cứu cảnh báo, người tiêu dùng nên suy nghĩ kỹ về việc sử dụng sản phẩm này.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Melbourne (Australia) cùng đồng nghiệp từ Trường Đại học Monash, Đại học London (Anh) đã xem xét 17 nghiên cứu được công bố từ 6 quốc gia khác nhau liên quan đến việc sử dụng kính mắt ngăn ánh sáng xanh. Các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên có quy mô từ 5 đến 156 người tham gia. Mỗi nghiên cứu diễn ra trong khoảng thời gian chỉ dưới một ngày đến năm tuần.

Nhóm phát hiện, dựa trên nghiên cứu hiện tại, không có kết luận nào được đưa ra về lợi ích của kính ngăn ánh sáng xanh đối với sức khỏe mắt tổng thể, chất lượng giấc ngủ hoặc hiệu suất thị giác. Trong khi đó, có nhiều quảng cáo được đưa ra liên quan đến lợi ích của kính ngăn ánh sáng xanh.

Bà Laura Downie - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Kết quả đánh giá của chúng tôi dựa trên bằng chứng tốt nhất hiện có cho thấy hiệu quả không thuyết phục đối với những tuyên bố này. Những phát hiện của chúng tôi không ủng hộ việc yêu cầu người dân dùng kính ngăn ánh sáng xanh. Những kết quả này có liên quan đến nhiều bên, bao gồm các chuyên gia chăm sóc mắt, bệnh nhân, nhà nghiên cứu và cộng đồng”.

Downie và đồng nghiệp chỉ ra rằng, ngay cả khi đã xem xét toàn diện nghiên cứu hiện tại về kính ngăn ánh sáng xanh, thì vẫn cần một nghiên cứu quy mô lớn hơn nhiều. Từ đó, nhằm có được dữ liệu thực sự giá trị về việc sử dụng các thông số kỹ thuật đó. Một trong những vấn đề nhóm chỉ ra là không có nghiên cứu nào có thời gian theo dõi đủ dài.

Trong khi đó, đồng tác giả Sumeer Singh cho biết: “Các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn, chất lượng cao với thời gian theo dõi lâu ở những quần thể đa dạng vẫn cần phải xác định rõ ràng hơn những tác động tiềm tàng của kính ngăn ánh sáng xanh đối với hiệu suất thị giác, giấc ngủ và sức khỏe của mắt. Nghiên cứu nên kiểm tra xem hiệu quả và kết quả an toàn có khác nhau giữa các nhóm người sử dụng những loại kính khác nhau hay không”.

Tác giả Singh cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi không có các nghiên cứu lớn và dài hơn, hiệu quả của kính ngăn ánh sáng xanh vẫn còn đáng ngờ.

“Lượng ánh sáng xanh mà mắt chúng ta nhận được từ các nguồn nhân tạo, như màn hình máy tính, chỉ bằng khoảng một phần nghìn so với ánh sáng ban ngày tự nhiên. Cũng cần lưu ý rằng, các thấu kính lọc ánh sáng xanh thường lọc ra khoảng 10 - 25% ánh sáng xanh, tùy theo sản phẩm cụ thể. Việc lọc ra các mức ánh sáng xanh cao hơn sẽ yêu cầu thấu kính phải có màu hổ phách rõ ràng. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến nhận thức màu sắc”, ông Singh nhấn mạnh.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ