Quyền tự chủ càng lớn, trách nhiệm giải trình càng cao
Trách nhiệm giải trình của các trường là bắt buộc để cân bằng với quyền tự chủ, khả năng tự chủ tới đâu thì trách nhiệm giải trình tới đó, quyền tự chủ càng lớn thì trách nhiệm giải trình càng cao. Nội hàm của trách nhiệm giải trình bao gồm nghĩa phụ: báo cáo, giải thích, chịu trách nhiệm về hậu quả và phải chịu “hình phạt” trong trường hợp có hành vi sai trái về những gì tổ chức, cá nhân đó đã cam kết, hoặc theo một quy định hay khế ước nào đó của luật pháp, của xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền lợi của người dân trong tham gia quản lý đất nước và xã hội, mà còn là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng chống tham nhũng.
GS.TS Trần Đức Viên nhìn nhận, khi trường đại học (ĐH) được trao quyền tự chủ nghĩa là họ trở thành đối tượng được (Nhà nước) trao quyền và trao gửi sứ mệnh (agent) trên thực tế. Quyền lực và nghĩa vụ đó là do Nhà nước giao phó. Nhà nước đóng vai trò “principal - tiếp nhận giải trình”; do đó, nhà trường phải giải trình trước Nhà nước. Nhà nước không thể giám sát được tất cả, nên giám sát hoạt động của các trường tự chủ, Nhà nước thường đặt ra các quy tắc để công chúng (xã hội) cùng giám sát. Khi đó, công chúng (cụ thể và trực tiếp hơn là sinh viên và gia đình, doanh nghiệp) đóng vai trò người thụ hưởng (beneficiaries); đồng thời cũng là người giám sát.
Thế nhưng bản thân Nhà nước, cụ thể ở đây là các cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng phải có trách nhiệm giải trình với nhân dân, xã hội; trong đó có các cơ sở giáo dục (CSGD), người học, các bậc phụ huynh về hoạt động của họ. Vì suy cho cùng, Nhà nước cũng chỉ là một chủ thể có liên quan; vì vậy cũng có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm giải trình như các chủ thể khác.
Nghĩa là, CSGD có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước, thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng có trách nhiệm giải trình với cơ sở đào tạo, bình đẳng trong mối quan hệ chung vì sự phát triển của giáo dục ĐH nước nhà trong tiến trình dân chủ hóa. Cần làm cho xã hội thấy, trách nhiệm giải trình không phải chỉ có theo chiều dưới lên, dưới hình thức báo cáo của cấp dưới “kính gửi” cấp trên theo trật tự trên - dưới, mà cần có cả chiều trên xuống: Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm giải trình với xã hội; trong đó có các CSGD, đảm bảo một xã hội thực sự dân chủ (dân làm chủ) như đã được Hiến định. Nếu cấp trên không giải trình với cấp dưới, với xã hội thì đó là áp đặt, là các trị, không còn là quản trị và quản lý hệ thống thời dân chủ và hội nhập nữa.
Tạo khoảng mở cho thực hành tự chủ Đại học
Để hạn chế tối đa các chuệch choạc và “lạc hướng” của các CSGD, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, họ cần được hướng dẫn để “làm đúng” trong tiến trình tự chủ. Chúng ta có thể tham khảo nguyên tắc: “tuân thủ - hoặc - giải trình” của hệ thống quản trị ĐH Anh Quốc. Các bộ tài liệu hướng dẫn như: Bộ hướng dẫn KPIs, Bộ hướng dẫn thẩm định chất lượng do Ủy ban Chủ tịch Hội đồng ĐH (CUC) ban hành đều triển khai theo nguyên tắc này. “Tuân thủ - hoặc - giải trình” là một cách tiếp cận trong mô hình quản trị hiện đại nhằm cho phép các tổ chức linh hoạt áp dụng quy định, trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện đầy đủ vai trò của mình, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho CSGD.
Để tạo ‘khoảng mở’ cho CSGD thực hành tự chủ ĐH, các văn bản quy phạm dưới luật chỉ nên đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc để cơ quan quản lý nhà nước dựa vào đó giám sát, đảm bảo việc thực hiện nhất quán với toàn bộ hệ thống một cách công bằng, minh bạch; tạo “khoảng trời tự do” đủ lớn cho các CSGD năng động thể hiện thực lực tự chủ ĐH của nhà trường.
Nguyên tắc này được đề xuất trên cơ sở lập luận không có “một cỡ áo vừa vặn cho tất cả” hay “không có một tấm lưới nào bắt được tất cả các loại cá”; vì thực tiễn thì mênh mông nên khi áp dụng nguyên tắc này vào quản trị sẽ giúp tránh nguy cơ dập khuôn, cứng nhắc, áp đặt; qua đó duy trì sự đa dạng về các loại hình, phương thức tự chủ trong hệ thống, tạo sự linh hoạt, năng động và tự chủ thật sự cho CSGD.
Theo nguyên tắc “Tuân thủ - hoặc - giải trình”, các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc các hiệp hội có thể đặt ra “bộ quy tắc ứng xử” hoặc các bộ tài liệu hướng dẫn để các CSGD thực hiện, nếu họ không thể áp dụng được, thì CSGD phải giải trình sự không phù hợp của các phương thức, và cách thức thay thế do CSGD đề xuất. Bằng quy định như vậy, một mặt cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có thể thực hiện vai trò của mình; đồng thời cho phép các trường nhiều cơ hội tự chủ hơn, phù hợp với “thể tạng” từng CSGD.
Chuyển từ kiểm soát “đầu vào” sang kiểm giám sát “đầu ra”
Theo GS.TS Trần Đức Viên, để tự chủ có thể trở thành hiện thực, hệ thống kiểm định chất lượng nhất thiết phải được củng cố toàn diện cả về năng lực triển khai cũng như tính thực chất để trở thành căn cứ vững chắc cho cơ chế tự chủ ĐH toàn diện.
GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, tự chủ là quyền của các trường ĐH được tự quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển ĐH mà không bị ràng buộc bởi các quy định bên ngoài. Điều này khác hoàn toàn với tự lo. Nhưng tự chủ cũng không có nghĩa là tự lo. Để tự chủ ĐH thành công, ngoài việc xây dựng và thực hành các quy chế quản trị nội bộ, trách nhiệm giải trình của các CSGD, thì vấn đề mang tính quyết định là cơ quan quản lý Nhà nước phải hình thành khung pháp lý phù hợp, thiết kế quy tắc giám sát, hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ, công bằng của xã hội và của Nhà nước theo chỉ số KPIs mà CSGD cam kết. Thay vì kiểm soát “đầu vào”, Nhà nước chỉ giám sát kết quả ‘đầu ra’ KPIs mà CSGD đã cam kết. Qua đó đánh giá, phân loại, xếp hạng, và là tiêu chí quan trọng cho đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho từng CSGD.
Theo GS.TS Trần Đức Viên, KPIs thường được chia thành 4 nhóm gồm: Thứ nhất, thành tựu khoa học công nghệ như: số sản phẩm khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng, số bằng phát minh, sáng chế, số bài báo thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus, số lượng giải thưởng quốc gia, quốc tế về khoa học và công nghệ, số lượt giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tỷ lệ kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học/tổng kinh phí, số hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, với địa phương...
Thứ hai, chất lượng đào tạo như tỷ lệ giảng viên/người học, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư/phó giáo sư, số chương trình đào tạo được kiểm định, kinh phí đầu tư/đầu sinh viên, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, sau 12 tháng tốt nghiệp, lương khởi điểm của sinh viên,...
Thứ ba, mức độ quốc tế hóa, như tỷ lệ chuyên gia nước ngoài đến làm việc, tỷ lệ giảng viên được mời giảng dạy ở nước ngoài, số bài báo công bố chung với người nước ngoài, số giảng viên, nghiên cứu sinh được đào tạo tập huấn ở nước ngoài, số sinh viên quốc tế, hội thảo quốc tế, số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, số lượng hiệp hội hay mạng lưới quốc tế CSGD là thành viên,...
Thứ tư, cơ sở vật chất, như kinh phí đầu tư thiết bị nghiên cứu và giảng dạy, số phòng nghiên cứu, số cơ sở thực nghiệm, số phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO, kinh phí đầu tư cho trung tâm học liệu, diện tích khu vực thể thao trên đầu người... “Việc giám sát KPIs nên giao cho một cơ quan, tổ chức độc lập xếp hạng, đánh giá” - GS.TS Trần Đức Viên đề xuất.
Nguyên tắc “tuân thủ - hoặc - giải trình”
GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, bản chất tự do học thuật là trách nhiệm cung cấp cho người học chất lượng đào tạo cao nhất và nhân văn nhất, với các giá trị cốt lõi là dân tộc, nhân bản và khai phóng; còn tự chủ ĐH không gì khác đó là trách nhiệm của trường ĐH trong việc nỗ lực đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ phục vụ thiết thực nhất cho nhu cầu phát triển của xã hội.
Ở các nền giáo dục ĐH có quyền tự chủ toàn diện, quyền hạn quản trị tối cao thuộc về hội đồng trường và bộ máy quản lý đứng đầu là hiệu trưởng (thực chất là giám đốc điều hành) là mô hình quản trị ĐH hoạt động linh hoạt “như”, chứ không phải ‘là” một doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời vẫn mang đậm hương vị ‘”cận thị trường” nhằm thích ứng với kinh tế thị trường nhưng tránh bị thương mại hóa tuyệt đối với sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của xã hội và của Nhà nước, đang được cho là mô hình tối ưu và phù hợp nhất với các trường ĐH của các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi.
Với nền quản trị ĐH khi các CSGD có quyền tự chủ toàn diện, chính phủ không can thiệp vào hệ thống quản trị ĐH qua hệ thống cơ quan chủ quản hay bằng các phương tiện truyền thống như các định chế chỉ huy kiểu tập quyền, Chính phủ chỉ đóng vai trò “chỉ đạo từ xa” bằng nhiều hình thức.
Ví dụ qua các hệ thống kiểm định chất lượng của các trường đào tạo, hệ thống hỗ trợ phát triển nghiên cứu và bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, cung cấp tài chính và đầu tư theo “kết quả đầu ra” của CSGD. Còn các trường, thông qua hội đồng trường, tự lãnh đạo, tự lên kế hoạch phát triển, tự hành động, tự ra quyết định và đi kèm với trách nhiệm giải trình. Nhờ thế, từng bước hình thành đội ngũ các trường ĐH danh tiếng dựa trên chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội.
Theo GS.TS Trần Đức Viên, khi CSGD tự chủ hoàn toàn, trở thành một pháp nhân độc lập, Nhà nước cần tập trung vào bốn việc sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách quản lý và phát triển hệ thống giáo dục ĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, có cơ chế tự chủ của các trường ĐH và chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH.
Thứ hai, tiếp tục tăng đầu tư của Nhà nước gắn với đổi mới phương thức và cơ chế đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, nâng cao hiệu quả đầu tư, theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có tính cạnh tranh gắn với kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường (KPIs); Tạo ‘sân chơi’ bình đẳng và minh bạch, không phân biệt đẳng cấp “chiếu trên, chiếu dưới”; đồng thời, tạo động lực thực sự cho công cuộc phát triển giáo dục ĐH dựa vào chất lượng và hiệu quả, theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”.
Thứ ba, xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước về cơ cấu và quy mô giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ; bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát sự phát triển và chất lượng giáo dục ĐH.
Thứ tư, xây dựng lộ trình rõ ràng và khả thi, đảm bảo giáo dục ĐH Việt Nam từng bước vươn tầm trên ‘bản đồ’ giáo dục ĐH thế giới, tạo niềm tin cho xã hội và cho các CSGD.