Hiện thực hóa giấc mơ vắc-xin nội

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một cuộc họp mới đây yêu cầu các cá nhân, đơn vị làm việc với trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy sản xuất bằng được vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Để hiện thực hóa mục tiêu này rất cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo Thủ tướng, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phòng, chống dịch hiệu quả thì vắc-xin có tính chất quyết định và ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.

Thực tế, về mặt quan điểm, ngay từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ đã xác định nghiên cứu, sản xuất vắc-xin tuy rất khó khăn và đầy rủi ro nhưng là con đường tất yếu phải đi nếu muốn chủ động nguồn cung.

Kết quả đến nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm các loại vắc-xin phòng Covid-19 gồm: Nanocovax, Covivac, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vắc-xin của Cuba, Ấn Độ... Hiện đã có 6 nhà máy nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19.

Đáng chú ý, đã có đơn vị đang triển khai thử nghiệm lâm sàng đối với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu để phòng và điều trị Covid-19. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy, các thuốc cổ truyền có tính an toàn, về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn.

Với kết quả bước đầu như vậy, niềm kỳ vọng vào vắc-xin nội ngày một lớn dần. Nhưng sức khỏe, tính mạng con người là trên hết, vì thế dù sốt ruột tới đâu chăng nữa, các bước thử nghiệm và đánh giá vắc-xin vẫn phải được tuân thủ nghiêm túc.

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ một tác động, sức ép nào với một mục tiêu chung: Tất cả vì quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng. Người dân rất, rất cần vắc-xin nhưng đó phải là vắc-xin an toàn!

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu “sản xuất bằng được vắc-xin Covid-19”, rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Bởi lẽ, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 là một sự đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp. Quá trình phát triển vắc-xin đòi hỏi nguồn lực lớn, cả trong giai đoạn nghiên cứu lẫn giai đoạn sản xuất.

Trong tiến trình này, đầu tư tài chính từ Chính phủ là rất cần thiết. Mỹ hiện dẫn đầu cuộc đua vắc-xin Covid-19 chính là nhờ những đầu tư tài chính quyết đoán lên đến hàng tỷ USD của chính quyền ông Donald Trump cho Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson…

Những tập đoàn hàng đầu, nguồn lực dồi dào như vậy mà vẫn cần hỗ trợ thì các doanh nghiệp nhỏ hơn ở Việt Nam đương nhiên cần có trợ lực từ Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để họ tăng tốc thử nghiệm và đầu tư như cách nước Mỹ đã làm. Các quỹ khoa học công nghệ quốc gia cần ưu tiên xem xét và hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng.

Về phía Bộ Y tế, một mặt tuân thủ quy trình thử nghiệm, đánh giá vắc-xin nhưng Bộ có thể làm việc sát sao với doanh nghiệp trong tiến trình thực hiện thủ tục hành chính, ưu tiên thực hiện các bước nhanh nhất khi nhận được hồ sơ, giấy tờ từ doanh nghiệp.

Tính minh bạch trong tiến trình này cũng cần được bảo đảm nhằm tạo niềm tin rằng Bộ không gây khó dễ cho doanh nghiệp đồng thời cũng là tạo niềm tin cho người dân về chất lượng của vắc-xin nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.