Minh bạch thông tin về vắc-xin nội

GD&TĐ - Dự kiến, cuộc họp xem xét khả năng cấp phép lưu hành khẩn cấp cho Nanocovax diễn ra trong tuần này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến tiến trình thử nghiệm và xem xét cấp phép lưu hành khẩn cấp vắc-xin phòng Covid-19 Nanocovax, vắc-xin nội duy nhất đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho đến thời điểm này.

Mới đây nhất, ngày 18/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (gọi tắt là Hội đồng Đạo đức) đã thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, gửi cho Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.

Chưa rõ Nanocovax có được cấp phép hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại đã có sự chia rẽ quan điểm dù tinh thần chung là đều ủng hộ vắc-xin nội. Trong khi một bên tràn đầy tin tưởng, nóng lòng mong Nanocovax nhanh chóng được cấp phép; thì bên còn lại tỏ ra hoài nghi, băn khoăn, nghi ngờ về chất lượng, hiệu quả của vắc-xin này.

Sự chia rẽ này xét đến cùng là do những “lùm xùm” trong quá trình phát triển Nanocovax.

Đầu tiên, vào cuối tháng 7, Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị phát triển vắc-xin Nanocovax) có văn bản gửi Thủ tướng “mong nhận được sự ủng hộ” để Nanocovax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện – khi mới vừa bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế lại khẳng định chưa đủ cơ sở để cấp phép ở thời điểm đó. Bởi dù Nanocovax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, có tính sinh miễn dịch rất tốt nhưng cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ, chưa thể hiện được nhiều khía cạnh bảo vệ của vắc-xin.

Hơn nữa, chỉ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vắc-xin này có hiệu quả bảo vệ hay không.

Tiếp đó, sau phiên họp của Hội đồng Đạo đức hôm 22/8 nhằm thẩm định tính an toàn, tính sinh miễn dịch ở giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a của Nanocovax, Bộ Y tế không đưa ra thông tin chính thức về kết quả phiên họp (như từng làm trước đó). Vài ngày sau xuất hiện các thông tin thiếu nhất quán.

Bên nói rằng kết quả thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3a đã được Hội đồng Đạo đức chấp thuận, chờ họp cấp phép; bên khẳng định Hội đồng chưa thông qua. Mãi đến ngày 28/8, Bộ Y tế mới có thông cáo báo chí về cuộc họp này.

Ngay trước cuộc họp quan trọng ngày 18/9 của Hội đồng Đạo đức về Nanocovax, mạng xã hội lại xuất hiện clip cúng khấn mong vắc-xin được thông qua. Thực hư không rõ ra sao nhưng đã khiến cho sự chia rẽ quan điểm càng thêm sâu sắc.

Không thể sống chung với Covid-19 nếu không có vắc-xin và niềm kỳ vọng vào vắc-xin nội đang rất lớn, nhất là khi Nanocovax đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với gần 14.000 người đã tiêm đủ 2 mũi, trong đó có 12.000 người tham gia giai đoạn 3b đang được theo dõi, lấy mẫu và đánh giá. Tuy nhiên, những “sự cố” như trên có thể khiến người dân băn khoăn, thậm chí nghi ngờ quá trình phát triển và phê chuẩn vắc-xin.

Điều này rất nguy hiểm, bởi “thái độ” của người dân với vắc-xin nói chung, vắc-xin nội nói riêng (chọn tiêm hay không) chính là dựa trên nền tảng niềm tin của người dân vào vắc-xin đó. Người dân tin khi và chỉ khi mọi thông tin về vắc-xin phải thật minh bạch và rõ ràng.

Dự kiến, cuộc họp xem xét khả năng cấp phép lưu hành khẩn cấp cho Nanocovax diễn ra trong tuần này. Trường hợp Nanocovax được cả 2 Hội đồng thông qua, quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Bộ Y tế. Dù sốt ruột tới đâu chăng nữa, các bước thử nghiệm và đánh giá vắc-xin vẫn phải được tuân thủ nghiêm túc, bởi sức khỏe, tính mạng con người là trên hết.

Người dân rất, rất cần vắc-xin,  nhưng đó phải là vắc-xin an toàn! Và sau cuộc họp, Bộ Y tế nên có ngay thông tin chính thức, tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với vắc-xin nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.