'Hiến kế' để xóa mù chữ ở Lai Châu

GD&TĐ - Để người học đến với lớp xoá mù chữ, nhiều trường học đã vận dụng mọi cách để tuyên truyền giá trị của việc học, biết chữ mang lại.

Khai giảng lớp xoá mù chữ ở bản Xì Miền khan xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Ảnh NTCC.
Khai giảng lớp xoá mù chữ ở bản Xì Miền khan xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Ảnh NTCC.

Khó khăn mấy cũng phải làm

Là trường học đóng ở xã miền núi khó khăn, Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) ngoài việc chú trọng vào giảng dạy nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác xoá mù chữ.

Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Dào San: “Các lớp xoá mù chữ của nhà trường đã đạt chuẩn mức độ 2. Hiện, chúng tôi đang mở 3 lớp xoá mù chữ với 60 học viên chủ yếu là người dân tộc Mông ở hai điểm bản U Ní Chải và Dền Thàng.

Trong quá trình triển khai công tác xoá mù chữ, chúng tôi ngoài phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ còn có thêm sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế Quốc phòng 356 để đồng hành trong công tác truyên truyền, vận động học viên ra lớp. Nhờ vậy đã nhận được sự đồng lòng của người dân, các học viên”.

“Bên cạnh đó, quá trình giảng dạy lớp xoá mù ở mức độ 1 chúng tôi rất thuận lợi. Tuy nhiên, khi giảng dạy lên mức độ 2 (lớp 4-5) gặp phải một số khó khăn như: Các học viên đều là lực lượng lao động, lượng kiến thức nâng cao dần nên việc huy động học viên đến lớp phần nào đó bị khó khăn.

Với quan điểm khó khăn mấy cũng phải bằng mọi cách tuyền truyền, vận động học viên đến lớp, chúng tôi đã đến nhà phân tích cho học viên hiểu được những quyền lợi, giá trị của việc học đến với người dân”, cô Xuân chia sẻ.

Cô Xuân kể lại: “Thực tế là nhiều học viên sau khi học xong lớp xoá mù ở mức 1 thì nghỉ và xin đi làm. Tuy nhiên khi đến công ty, cơ sở làm việc vì không biết chữ nhiều nên họ đã không nhận. Vì vậy, các học viên đó đã quay trở lại lớp học đi học tiếp. Đó cũng là một thuận lợi cho đội ngũ làm công tác xoá mù của chúng tôi”.

Trường PTDTBT Tiểu học Dào San hiện có 1044 học sinh với 36 lớp, có 44 giáo viên, cơ sở vật chất phòng học đảm bảo học hai buổi trên ngày. Ngoài thiết bị và huy động xã hội hoá, trường đã tận dụng tối đa thiết bị cũ để tái sử dụng.

Một lớp xoá mù ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Một lớp xoá mù ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Tạo mọi điều kiện tốt để tổ chức lớp xoá mù chữ

Theo cô Hoàng Thị Bích Huệ - Trường TH&THCS Nùng Nàn (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu): “Hiện nay, các chế độ cũng như chính sách hỗ trợ cho người tham gia học cũng như giáo viên giảng đang tạo điều hiệu ứng rất tốt để thực hiện công tác xoá mù ở huyện chúng tôi. Đặc biệt, chế độ trợ cấp tiền (150.000/tháng/học viên, theo thời gian học thực tế), dụng cụ học tập, sách bút, vở. Đối với thầy cô dạy tham gia giảng dạy sẽ được hỗ trợ 100.000/tiết.

Như vậy, người học có thêm động lực, giáo viên cũng có thêm chế độ động viên, tạo thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Các chính sách, chế độ đối với người dạy, người học xoá mù chữ được quy định tại Nghị quyết 57/2022 của hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu”, cô Huệ nhấn mạnh.

Hiện nay, Trường TH&THCS Nùng Nàn đang có hai lớp xoá mù với 26 học viên tại hai điểm bản là Xì Miền Khan và Phan Chu Hoa. Nhà trường linh động thời gian và chọn dạy tại điểm bản để học viên giảm bớt thời gian đi lại, tạo điều kiện cho học viên tham gia học thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, khi giảng dạy tại điểm bản sẽ tạo hiệu ứng, vận động người chưa biết chữ đi học nhiều hơn.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đối mặt khó khăn là người học trong độ tuổi lao động, do đó để duy trì sĩ số cũng như chuyên cần cho các học viên trong quá trình học chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm, động viên những học viên có hoàn cảnh khó khăn. Hay nghỉ học dài ngày sẽ tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ giúp họ. Vì vậy, sĩ số lớp học luôn đảm bảo.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xoá mù, thường xuyên kiểm tra giám sát lớp học của chúng tôi để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh”, cô Huệ cho biết.

Được biết, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Lai Châu phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND các huyện, thành phố rà soát thực trạng nhu cầu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có cơ sở học bán trú, nhu cầu đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2021-2025 dự kiến đầu tư cơ sở vật chất 94 trường; mở lớp dạy xoá mù chữ cho 5583 người. Trong đó năm 2022 đầu tư cơ sở vật chất 23 trường, đầu tư phục vụ chuyển số 22 trường, mở 80 lớp xoá mù chữ với 1630 học viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.

Sách giáo khoa Ngữ văn từ năm 1995 - 2024. Ảnh: Văn Lự

Lại bàn thêm về môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa báo hiệu quan niệm học để thi, học thuộc nhớ nhiều đã kết thúc.