Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu

GD&TĐ - Dự án Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã giúp người dân tăng thu nhập, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) tham gia mô hình nuôi ong.
Thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) tham gia mô hình nuôi ong.

Giúp thanh niên khởi nghiệp

Để giúp thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, trong năm qua, Tổ chức Plan đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Hội liên hiệp phụ nữ; Đoàn thanh niên và Ban điều hành chương trình Plan của 5 xã: Dào San, Bản Lang, Nậm Xe, Khổng Lào, Hoang Thèn thuộc huyện Phong Thổ triển khai các hoạt động sinh kế cho thanh niên. Xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng và hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp.

Cùng với đó, đào tạo, tập huấn và hỗ trợ triển khai 4 loại hình sinh kế: nuôi gà, nuôi ong mật, trồng lạc và đậu tương. Đào tạo tập huấn về kỹ năng xanh, áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tham gia dự án nuôi ong mật do Tổ chức Plan hỗ trợ có 20 thành viên là đoàn viên thanh niên người Mông ở bản Sin Chải, xã Hoang Thèn. Dự án được triển khai từ tháng 9/2022. Trước khi tham gia, các thành viên đã được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và cách thu hoạch theo quy trình.

Tham gia dự án nuôi ong mật có 20 thành viên là đoàn viên thanh niên người Mông.

Tham gia dự án nuôi ong mật có 20 thành viên là đoàn viên thanh niên người Mông.

Nhờ chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, đặc biệt có sẵn các loại hoa rừng và khí hậu phù hợp nên đàn ong luôn phát triển tốt chỉ sau một tháng đã cho thu hoạch vụ đầu tiên vào tháng 10/2022. Hiện nay, các thành viên cũng đang chuẩn bị các dụng cụ được hỗ trợ để thu hoạch vụ mật thứ 2.

Anh Sùng A Pàng, bản Sin Chải, xã Hoang Thèn chia sẻ: “Tham gia dự án nuôi ong, nhóm chúng tôi được hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi ong và được hỗ trợ máy móc. Sau này, chúng tôi có thể tự nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình.

Tham gia dự án nuôi ong, nhóm thanh niên bản Sin Chải cũng được hỗ trợ quần áo bảo hộ, dụng cụ tiên tiến để thu hoạch và được hỗ trợ máy lọc, đóng thành sản phẩm tại chỗ. Từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong không chỉ giảm được công sức mà còn đảm bảo chất lượng, giá thành cao hơn.

Nếu như hiện nay, mật ong có giá từ 150 đến 200.000đ/lít, thì sản phẩm của nhóm một chai 300ml có giá 150 nghìn đồng. Đặc biệt hiện nay, sản phẩm mật ong của nhóm thanh niên bản Sin Chải đã được công nhận sản phẩm OCOP của huyện Phong Thổ.

Mặc dù mới triển khai nhưng cho đến nay dự án nuôi ong mật của Nhóm thanh niên ở bản Sin Chải đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp các thành viên có thêm thu nhập, đặc biệt kết thúc dự án các thành viên đã có kinh nghiệm tự nhân rộng mô hình để bà con nhân dân trong bản học tập và làm theo hoặc liên kết cùng Nhóm phát triển mô hình nuôi ong để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Máy lọc và đóng sản phẩm mật ong tại chỗ được nhóm thanh niên sử dụng thành thạo.

Máy lọc và đóng sản phẩm mật ong tại chỗ được nhóm thanh niên sử dụng thành thạo.

Anh Sùng A Páo, bản Sin Chải, xã Hoang Thèn cho biết: "Ở đây có khí hậu thuận lợi để nuôi ong. Cùng với đó, có nhiều loại hoa rừng nên không phải di chuyển đàn ong. Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ là mô hình giúp cho các thành viên trong nhóm có nguồn thu nhập ổn định”.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Cũng nằm trong chương trình dự án “Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số” của Tổ chức Plan, tháng 1/2022, mô hình “Sáng kiến khởi nghiệp nhóm thanh niên sản xuất kinh doanh chuối sấy dẻo, sấy giòn” tại xã Khổng Lào được thành lập với 6 thành viên đều là chị em phụ nữ người Thái, độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi.

Hiện nay, nhóm chủ yếu sản xuất kinh doanh 2 sản phẩm chính là chuối sấy giòn, sấy dẻo.

Chị Vàng Thị Phạm, bản Huổi Loỏng, xã Khổng Lào nói: “Tham gia dự án, các chị em đều được tập huấn về cách sấy chuối, vận hành máy theo quy trình. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với công sức, không vất vả lại có thêm thu nhập”.

Công việc chính của các chị em trong nhóm là thu mua chuối của bà con thuộc dự án của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ. Sau khi thu mua về sẽ phân từng loại chuối để sấy.

Chị Lù Thị Thảo Nhi, bản Phai Cát, xã Khổng Lào cho biết: “Chị em làm việc chủ yếu là lúc nông nhàn hoặc có đông khách thì mới tập trung nên công việc cũng không vất vả. Hiện nay, sản phẩm chuối sấy dẻo, sấy giòn của nhóm đã trở thành sản phẩm đặc sản của huyện Phong Thổ. Từ khi tham gia dự án mô hình sản xuất kinh doanh chuối sấy đã giúp cho chị em có thêm thu nhập trung bình từ 2 – 3 triệu đồng mỗi tháng”.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Quản lý Tổ chức Plan tại Lai Châu chia sẻ: Trong năm thứ 2 triển khai dự án, Tổ chức Plan đã phối hợp triển khai chương trình dự án “Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Lai Châu”. Theo đó, chủ yếu tập trung vào các dự án sinh kế, bình đẳng giới”.

Chị em người Thái ở xã Khổng Lào tham gia sản xuất chuối sấy dẻo, sấy giòn.

Chị em người Thái ở xã Khổng Lào tham gia sản xuất chuối sấy dẻo, sấy giòn.

Để triển khai dự án đem lại hiệu quả, Tổ chức Plan đã phối hợp với cơ quan chuyên, các tổ chức đoàn thể huyện và những xã có dự án mở nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạch toán kinh tế hộ, nghiên cứu thị trường cho 400 học viên tham gia phát triển sinh kế.

Cùng với đó, đào tạo 5 lớp cho 125 học viên về kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản. Tổ chức 20 lớp tập huấn về bình đẳng giới. Tổ chức 15 sự kiện thôn bản về bình đẳng giới. Sinh hoạt 5 Câu lạc bộ về nội dung bình đẳng giới.

Chị Giàng Xá Mỷ, bản Sin Chải, xã Hoang Thèn cho biết: “Qua được tuyên truyền về bình đẳng giới, bây giờ chị em phụ nữ đều được bàn mọi công việc trong gia đình. Chồng cũng tham gia làm mọi công việc trong nhà chứ không như trước đây nữa”.

Trong thời gian triển khai dự án, Tổ chức Plan cũng đã phối hợp với các xã để thành lập 5 câu lạc bộ phát triển sinh kế tại 5 xã và hỗ trợ sinh hoạt định kỳ. Đồng thời, tổ chức tập huấn về điều hành và quản lý Câu lạc bộ cho thành viên cốt lõi. Tổ chức 5 cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương và thanh niên về cơ hội trong phát triển sinh kế…

Bà Phạm Thị Nương, Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Lào cho biết: "Sau khi triển khai dự án Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số, xã đã thành lập ban điều hành và tổ chức triển khai đến với các đoàn viên thanh niên. Hiện nay đã triển khai thành công mô hình nuôi gà, cơ sở sản xuất chuối sấy giòn, sấy dẻo. Từ đó, giúp các đoàn viên thanh niên và chị em có thêm nguồn thu nhập”.

Dự án có được sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Ban điều hành Plan huyện Phong Thổ trong việc ký kết, khảo sát, thiết kế các công trình chất lượng cao, cũng như việc giám sát, triển khai dự án. Hoạt động của dự án phù hợp định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Trong thời tới, Tổ chức sẽ tiếp tục triển khai trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Tổ chức Plan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thành thủ tục tiến trình phê duyệt ngân sách dự án trong năm 3. Các Ban quản lý dự án cấp huyện, Ban điều hành dự án các xã cần lập kế hoạch và chia sẻ kế hoạch hoạt động dự án chi tiết để có sự phối hợp thực hiện, giám sát”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ