Thách thức từ vùng khó
Mã Hoàng Phìn - một trong những thôn xa, khó khăn của xã Minh Tân huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Để từ trung tâm xã lên thôn làm việc và trở về trong ngày phải nhanh chóng, đúng giờ. Nếu chậm 30 phút đến1h đồng hồ thì nhiều khả năng phải ở lại thôn bởi trời tối nhanh. Những ngày mùa đông,10h sáng nhưng tầm nhìn không quá 1m bởi sương mù dày đặc. Nếu gặp trời mưa thì việc di chuyển vô cùng vất vả bởi trơn trượt, quanh co khó đi…
Bí thư kiêm Trưởng thôn Hầu Mí Vương cho biết: Thôn có gần 40 hộ với hơn 170 khẩu. Trên 98% bà con thuộc dân tộc thiểu số, nghề chính làm ruộng, chăn nuôi lợn gà, dê nhưng thu nhập bình quân chỉ chưa tới 7 triệu/năm.
Cuộc sống người dân nói chung và đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19 khó chồng khó, tình trạng sinh 3 con và kết hôn sớm vẫn diễn ra. Còn một số ít người dân mù và tái mù chữ.
Cô giáo Lê Thúy Loan, dạy tại điểm trường Mầm non Mã Hoàng Phìn chia sẻ: Trước đây, trẻ Mầm non thôn Mã Hoàng Phìn phải học nhờ trong phòng 10m2 trụ sở thôn. Gọi là lớp học nhưng thực chất tường quây bằng gỗ ván. Giáo viên tự tay vẽ tranh trang trí xung quanh lớp. Bàn ghế học sinh thô mộc, đồ dùng giảng dạy thiếu thốn...
Đặc biệt, do trụ sở thôn được dựng bằng gỗ nên tường không kín, vào mùa đông khe hở giữa 2 tấm ván hút gió gây lạnh buốt. Lớp học tối bởi cửa sổ gần không thể mở để tránh gió, rét cho trẻ.
Ban ngày phòng học tại trụ sở thôn làm nơi để chăm sóc, dạy học cho gần 30 trẻ các lứa tuổi. Buổi tối giáo viên tá túc qua ngày. Điểm trường không điện, không nước, không sóng điện thoại. Mọi hoạt động, sinh hoạt của giáo viên và trẻ vô cùng bất tiện…
“Có 1 điểm trường tách biệt, khang trang đủ chỗ chăm sóc trẻ… là mong ước của nhiều gia đình, giáo viên. Tuy nhiên việc hiện thực hóa không dễ dàng bởi thiếu cả kinh phí lẫn mặt bằng đặt điểm trường…”, cô Loan trao đổi.
Điểm Trường Mã Hoàng Phìn khang trang đặt tại thôn Mã Hoàng Phìn |
“Đầu tư” cho trò nghèo dân tộc
Điểm trường Mầm non Mã Hoàng Phìn thuộc địa bàn đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (BĐBP Hà Giang) quản lý. Quá trình nắm bắt địa bàn, thăm lớp của cán bộ chiến sĩ trạm biên phòng Minh Tân (thuộc đồn Thanh Thủy) nhận thấy điều kiện học tập, giảng dạy của giáo viên và trẻ mầm non còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở đó đã đề xuất với lãnh đạo đồn tiến hành kết nối với các đơn vị, cá nhân… có tấm lòng từ thiện giúp xây lại điểm trường.
Một đoàn từ thiện đã nhận lời giúp đỡ, ủng hộ kinh phí xây mới điểm trường Mầm non Mã Hoàng Phìn với kinh phí gần 400 triệu. Song việc đặt điểm trường ở đâu trong điều kiện địa hình đồi núi hiếm mặt bằng không dễ giải quyết. Sau rà soát toàn bộ địa bàn thôn chỉ có khoảng đất duy nhất đủ đủ rộng trên đường vào thôn Mã Hoàng Phìn nhưng thuộc quyền sở hữu của gia đình trưởng thôn Hầu Mí Vương.
Không để đánh mất cơ hội cho học trò, khi có tiền mà không xây được điểm trường xảy ra, Đồn đã đề xuất xin đất của gia đình trưởng thôn Hầu Mí Vương để xây dựng điểm trường. Thấy được lợi ích, cần thiết cho tương lai thế hệ mầm non dân tộc, trưởng thôn Hầu Mí Vương quyết định nhanh chóng cắt đất để xây dựng điểm trường mầm non Mã Hoàng Phìn.
Trao đổi về lý do đi tới quyết định hiến đất cho giáo dục, ông Hầu Mí Vương nói: “Nhiều thế hệ bà con dân tộc nơi đây đã thiệt thòi về điều kiện vật chất dẫn tới giáo dục chịu thiệt thòi. Vì thế giáo dục nói chung và việc học tập nói riêng của học sinh dân tộc chưa phát triển, hiểu biết hạn hẹp.
Thiếu kiến thức, kỹ năng khiến việc chăn nuôi trồng trọt, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đặc biệt sự quan tâm đến giáo dục, nuôi dạy con em… còn nhiều hạn chế, đời sống khó khăn, năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân hàng năm chưa cao. Đời sống, văn hóa tại Mã Hoàng Phìn chậm phát triển…”.
Từ ý thức đó, 657m2 đất của gia đình đã được trưởng thôn Hầu Mí Vương hiến tặng 2 đợt. Đợt 1, công trình khởi công trên diện tích 623m2 gồm 1 phòng học 40m2, 2 phòng lưu trú cho giáo viên 30m2, 1 phòng ăn 20m2, sân chơi 280 m2 và khu vệ sinh. Đợt 2, nhằm mở rộng thêm khuôn viên và xây bờ kè điểm trường, tiếp tục tặng thêm 34m2 cho công trình.
Cô giáo Lê Thúy Loan bày tỏ: Từ khi có điểm trường mới người dân đưa trẻ đến lớp đều đặn hơn. Có cơ sở vật chất khang trang đầy đủ giúp giáo viên có thêm điều kiện chăm sóc, dạy bảo học sinh. Hiệu quả giáo dục tăng lên đáng kể so với năm học trước khi còn học nhờ học tạm ở điểm trường cũ.
Đặc biệt, công tác vận động trẻ tới lớp đã đảm bảo đông đủ, đúng độ tuổi. Giáo viên đã bớt vất vả hơn rất nhiều từ việc nuôi dạy, đón trả trẻ. Bà con dân tộc thêm tin tưởng vào nhà trường, chất lượng giáo dục, bỏ thói quen đưa trẻ theo cha mẹ đi nương rẫy hoặc cho trẻ nghỉ tại nhà để tự trông nhau..
Cô Loan cũng phấn khởi cho biết, công trình không chỉ đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ mà giáo viên còn có phòng lưu trú, yên tâm bám trường, bám lớp. Không vất vả trong việc sinh hoạt, đi lại. Bất kỳ giáo viên nào được phân công công tác tại điểm trường cũng yên tâm công tác…
“Mong muốn duy nhất của tôi và gia đình khi hiến đất xây trường là giúp thế hệ mầm non vùng biên cương tổ quốc có chỗ học khang trang, sau này các em sẽ trở thành chủ nhân phát triển và xây dựng thôn bản, quê hương phát triển hơn. Việc tăng cường các điều kiện cho giáo dục cũng là trách nhiệm, tự hào của người dân khi có điều kiện…”, Ông Hầu Mí Vương, Trưởng thôn Mã Hoàng Phìn trao đổi.