Cô giáo mầm non Quảng Trị hiến đất xây trường

GD&TĐ - Nhà cô Hồ Thị Trung (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị) nằm cạnh điểm trường Kreng. Mỗi lần điểm trường rộng hơn là nhà cô Trung bé lại. Nhà chật, vườn rau nhưng cô giáo mầm non ấy chưa bao giờ tiếc nuối.

Cô Hồ Thị Trung hàng ngày chăm sóc trẻ tại chính ngôi trường được xây dựng trên phần đất mà gia đình mình đã hiến tặng.
Cô Hồ Thị Trung hàng ngày chăm sóc trẻ tại chính ngôi trường được xây dựng trên phần đất mà gia đình mình đã hiến tặng.

Yêu thương, thấu hiểu

Sau 3 lần hiến đất để xây rồi mở rộng điểm trường Kreng, đất ở của gia đình cô Hồ Thị Trung bị thu hẹp dần, không còn vườn để trồng trọt rau màu. Nhưng cô Trung chưa bao giờ tiếc nuối, ân hận. Niềm vui của cô là mỗi sáng, nhìn trẻ con trong thôn tung tăng đến trường. Các cháu được học, được chơi với phòng học thoáng đãng, sạch sẽ, đầy đủ đồ dùng học tập thiết yếu.

Gần 20 năm trước, cô Trung đang là GV mầm non dạy hợp đồng ở điểm trường Kreng. “Mỗi lần đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ đến lớp rất khó khăn, vất vả. Đường sá thì lầy lội, trơn trượt vào mùa đông, bụi mù mịt vào mùa hè. Gia đình nào, giáo viên cũng phải lui tới vài lần thì may ra phụ huynh mới đồng ý cho trẻ đi học. Đưa con lên rẫy, họ không phải mất thời gian đưa đón mỗi ngày. Trường lớp lại tạm bợ, cũng không có gì hấp dẫn với lũ trẻ” – cô Trung nhớ lại.

Chính vì vậy, khi nghe tin có một tổ chức phi chính phủ có dự định đầu tư xây dựng điểm trường ngay tại bản nhưng chưa tìm được mặt bằng, cô Trung liền nghĩ ngay đến mảnh đất vườn nhà mình. Mảnh đất đủ rộng, lại bằng phẳng, nằm ở vị trí trung tâm của thôn. Đây vốn là tài sản được ba mẹ chồng cho khi vợ chồng cô ra ở riêng. Để có 800m2 đất xây dựng phòng học, có cả sân chơi, thì đất vườn nhà cô Trung sẽ thu hẹp lại đáng kể. Nguồn lợi từ cây trái trong vườn cũng sẽ giảm đi. Nhưng đổi lại, trẻ con của bản sẽ có ngôi trường khang trang không thua gì điểm trường trung tâm của xã. Trường đẹp, lại có nhiều đồ chơi hấp dẫn, các cháu sẽ thích đến lớp thay vì lên rẫy cùng cha mẹ.

Cô Trung bày tỏ nguyện vọng với chồng. Hai vợ chồng cô Trung không mất nhiều thời gian để cân nhắc, đắn đo. Cho đi thì sẽ nhận lại. Một phòng học được nhanh chóng xây dựng lên trên mảnh đất vườn của gia đình cô Trung hiến tặng.

Chỉ vài năm sau đó, khi quy mô trẻ ở điểm trường Kreng tăng lên, đòi hỏi phải xây thêm một phòng học, mở rộng thêm sân chơi, gia đình cô Trung lại vui vẻ hiến tặng thêm một khoảnh đất vườn nữa. Sau hai lần hiến tặng 900m2 đất, điểm trường Kreng của Trường Mầm non Hướng Hiệp chủ yếu được xây dựng trên phần đất vườn cũ của vợ chồng cô giáo Trung.

Cô Trung chia sẻ: “Tôi được phân công đứng lớp ngay tại điểm trường này. Tôi gắn bó với lớp học, chăm chút từng góc lớp, từng cụm hoa như ở chính trong ngôi nhà, mảnh vườn của mình”. Khi chính quyền địa phương quyết định đầu tư xây dựng hàng rào, cổng ngõ cho điểm trường Mầm non Kreng, gia đình cô Trung lại nhường đủ phần đất để nhà trường đủ hoàn chỉnh cơ sở vật chất.

Vừa dạy học, cô Trung vừa học nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc.
Vừa dạy học, cô Trung vừa học nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc.

Tấm gương về tinh thần học tập suốt đời

Năm 2021 này, cô Hồ Thị Trung vừa hoàn chỉnh xong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm mầm non. “38 tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề nhưng tôi chưa bao giờ ngừng học. Tốt nghiệp sơ cấp mầm non năm 2000 rồi lập gia đình, theo chồng về sinh sống ở Kreng. Hai vợ chồng dù khó khăn, chật vật, con cái lại còn quá nhỏ nhưng chúng tôi động viên nhau học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của công việc” – cô Trung kể.

Từ thôn Kreng xa xôi, để xuống Đông Hà theo học các lớp học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, vợ chồng cô Trung gom góp, vay mượn mua chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. “Cứ ngày nghỉ cuối tuần và mùa hè là hai vợ chồng mình thay phiên nhau đi học.

Cũng có người nói ra nói vào chuyện đi học lên của vợ chồng mình lắm chứ. Rồi con cái còn nhỏ, cần chăm ăn, chăm học. Nhưng vợ chồng mình nghĩ khác. Học là để có kiến thức cho mình. Học cũng là để làm gương cho con. Học thì biết bao giờ cho đủ. Hơn nữa, cách đây gần hai chục năm, bà con mình không quan tâm nhiều đến chuyện học hành của con cái. Vợ chồng mình đi học, cũng là mong ít ra, có chút gì đó để tác động, làm thay đổi nhận thức của bà con. Mình đi vận động con em ra lớp cũng thuận lợi hơn” – cô Trung chia sẻ.

Thế nên, dù đường sá khó khăn, cách trở, nhưng cô Trung chưa bao giờ vắng mặt một buổi học nào. Từ thôn Kreng ra đến Quốc lộ 9, chỉ có chưa đầy 10km nhưng là nỗi ám ảnh của những ai qua lại vào mùa đông. Đường đất xẻ lối rừng toàn sỏi đá và bùn lầy trơn như chảo mỡ, lại lắm gập ghềnh. Có những khi, hai vợ chồng đến được điểm học thì áo quần ướt sũng nước mưa, bùn đất lấm lem.

“Lý do duy nhất để chúng tôi vắng mặt một buổi học nào đó, chỉ có thể là do… hết tiền đổ xăng. Thế nên, thầy cô giáo rất thông cảm, cho dù kỷ luật của lớp học rất nghiêm nhưng chúng tôi vẫn được thầy cô hỗ trợ, cho mượn tài liệu những hôm vắng học” - cô Trung kể.

Cứ như thế, vợ chồng cô giáo Trung sắp xếp, hỗ trợ nhau trong quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái để có thời gian học tập nâng cao trình độ. Ba năm trước, chồng cô Trung đã hoàn thành xong chương trình đại học.

Anh Hồ Văn Thạch - một người dân ở thôn Kreng không giấu được tự hào: “Trước đây, học trò thường chỉ học xong tiểu học là nghỉ luôn vì đường sá đi lại khó khăn. Nhưng giờ thì nhiều gia đình trong thôn đã thuê nhà ở thị trấn cho con trọ học. Nhà nào không có điều kiện để thuê chỗ trọ cho con thì cũng sắm được chiếc xe đạp cho các cháu đến trường”.

Cô Trần Thị Thu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Hiệp cho biết: “Việc hiến đất để xây trường của cô giáo Hồ Thị Trung và gia đình là hành động rất đáng khích lệ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường. Đến nay, Kreng là điểm trường đẹp nhất, khang trang nhất trong các điểm trường của Mầm non Hướng Hiệp”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.