Già Rơ Lan Dyel hiến đất mặt tiền xây trường học

GD&TĐ - Thương trò nghèo đi học xa nhà, già Rơ Lan Dyel tình nguyện hiến hơn 1.800 m2 đất mặt tiền Quốc lộ 25 của gia đình để xây dựng trường tiểu học.

Ở tuổi 72 nhưng già Rơ Lan Dyel vẫn quán xuyến được mọi công việc của gia đình.
Ở tuổi 72 nhưng già Rơ Lan Dyel vẫn quán xuyến được mọi công việc của gia đình.

Từ đó, các em không phải học dưới mái nhà tạm, bà con cũng yên tâm lao động, sản xuất.

Thương lũ trẻ

Già Rơ Lan Dyel (tên thường gọi Ama Thiệu) sinh ra và lớn lên ở vùng đất cằn làng Ia Kơal (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Ở cái tuổi 72 nhưng già vẫn khỏe khoắn, thoăn thoắt đôi tay dọn dẹp, cắt cỏ cho đàn trâu, bò của gia đình.

Ngược dòng thời gian, già Rơ Lan Dyel tâm sự, trước kia làng Ia Kơal vẫn còn hoang sơ, khô cằn. Khi đó, sát bên nhà già là ngôi trường Mẫu giáo Ia Piar nơi lũ trẻ trong làng đến học chữ. Nói là trường nhưng đó chỉ là căn nhà tạm được người dân chung tay làm bằng tre, nứa và lợp tranh. Những ngày mưa gió, nước tạt bốn bề, có khi gió thổi rách mái tranh. Lũ trẻ ngồi co ro học chữ dưới tiếng mưa lộp độp.

Thương lũ trẻ, già Rơ Lan Dyel về bàn với vợ con hiến đất xây trường học. Thế nhưng khi vừa nghe già đề cập đến cả nhà một mực phản đối.

“Theo tập tục của người Jrai mình thì đất đai là của cải của ông bà để lại. Do đó, con cháu phải có trách nhiệm giữ gìn và mở rộng diện tích. Chính vì vậy, vợ và con mình không đồng ý cho mình hiến đất để xây dựng trường học.

Già Rơ Lan Dyel hiến đất để xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi khang trang như hiện nay.
Già Rơ Lan Dyel hiến đất để xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi khang trang như hiện nay.

Tuy nhiên, thương các cháu nhỏ phải học dưới căn nhà dột nát nên mình cố gắng thuyết phục gia đình. Bởi nếu trường học xây dựng gần nhà thì trước mắt là con, cháu mình đến trường thuận lợi hơn. Ngoài ra, những đứa trẻ trong làng đi học cũng bớt vất vả. Khi đó, các cháu sẽ không ngại đến trường và biết con chữ để sau này thoát đói nghèo”, già Rơ Lan Dyel tâm sự.

Ngồi cạnh bên, anh Siu Thiệu (36 tuổi, con trai cả của già Rơ Lan Dyel) tiếp lời bố: “Trước kia theo phong tục thì đất đai, tài sản ông bà để lại thì con cháu phải cất nhà ở hoặc sản xuất để phát triển kinh tế. Chính vì vậy ban đầu, mình không đồng ý cho bố hiến đất vì sợ ông bà trách tội. Tuy nhiên, khi nghe bố giải thích về lợi ích của việc hiến đất xây trường thì mình suy nghĩ lại và đồng ý. Bởi, mình cũng có con nhỏ. Do đó, mình muốn các con được đi học gần nhà dưới một mái trường khang trang. Khi có trường mới thì những cháu nhỏ trong làng cũng không phải vượt 6 - 7km đến nơi khác học nữa”.

Già Rơ Lan Dyel kể lại cho học sinh nghe về những ngày xưa khi ngôi trường còn tạm bợ.
Già Rơ Lan Dyel kể lại cho học sinh nghe về những ngày xưa khi ngôi trường còn tạm bợ.

Vận động bà con di dời mồ mả

Mặc dù, gia đình Rơ Lan Dyel đồng ý hiến đất, nhưng với 1.800 m2 vẫn chưa thể xây dựng trường mầm non và tiểu học. Lúc bấy giờ, trường học nằm bên cạnh mồ mả (nghĩa trang - PV) của làng. Nghĩ rằng, việc mồ mả nằm sát bên trường học sẽ không phù hợp. Bên cạnh đó, nếu di dời mồ mả đi nơi khác sẽ có thêm một phần diện tích để xây thêm trường học. Nghĩ là làm, già Rơ Lan Dyel liền vận động, thuyết phục bà con di dời mồ mả của làng đến khu vực khác nhường đất xây trường.

Mặc cho già Rơ Lan Dyel thuyết phục, dân làng nhất quyết không đồng tình. Bởi theo phong tục thì việc chôn cất người mất ở gần làng sẽ thuận tiện cho bà con khi tổ chức lễ cúng, bỏ mả… Nhiều người truyền tai nhau việc di dời nơi ở của người đã khuất đi nơi khác sẽ bị thần linh quở trách. Cũng có người cho rằng, già Rơ Lan Dyel không muốn giữ gìn phong tục tập quán của người Jrai nữa nên có một số người đã kéo đến nhà già chửi bới rồi đập phá. Cũng có người nhìn già Rơ Lan Dyel với ánh mắt khác thường.

“Mặc dù, người dân không đồng tình và phản ứng khi mình vận động di dời mồ mả nhưng bản thân mình không bỏ cuộc. Bởi những điều mình làm là vì lợi ích chung của cả dân làng. Việc di dời mồ mả đến nơi xa hơn sẽ hạn chế được vi khuẩn lây lan trong khu dân cư. Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt của bà con cũng sẽ đảm bảo. Đặc biệt phần đất cũ sẽ được xây dựng trường học mang lại con chữ cho trẻ em trong làng”, già Rơ Lan Dyel tâm sự.

Trải qua 10 năm đằng đẵng vận động, mưa dầm thấm lâu cuối cùng dân làng cũng hiểu ra và đồng ý di dời mồ mả của cha ông vào sâu trong suối Chroh H’Dang cách làng 20km. Thay vì chôn chồng chất lên nhau trong cùng một mộ như trước kia, đến nay người dân tổ chức chôn riêng lẻ. Vào những dịp lễ bà con vào nghĩa trang dọn dẹp và tổ chức cúng bái như thường lệ.

Khi việc di dời mồ mả đã hoàn thành, già Rơ Lan Dyel tiếp tục vận động một số hộ gia đình khác hiến đất xây dựng trường học và được đồng ý. Năm 2012 sau khi nhận được sự đồng tình ủng hộ của dân làng, chính quyền địa phương phối hợp với chương trình “Đèn đom đóm” đã sửa sang lại Trường Mẫu giáo Ia Piar và xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi.

“Sau khi trường học được xây dựng bà con ai nấy đều vui mừng và phấn khởi. Bởi con cháu của mình không phải đi học xa mà được học tập dưới mái trường khang trang, sạch đẹp. Từ đó, người dân cũng yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế”, già Rơ Lan Dyel nói.

Thầy Nguyễn Văn Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cho biết, ban đầu trường chỉ có 2 phòng học tạm, sau đó được xây dựng lên thành 6 phòng. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học không đảm bảo cho học sinh học tập.

Theo thầy Linh, sau đó, già Rơ Lan Dyel đã hiến đất của gia đình, đồng thời vận động bà con di dời mồ mả để nhường đất xây trường. Đến năm 2012 từ quỹ đất mà già Rơ Lan Dyel hiến, cùng với chương trình khuyến học “Đèn đom đóm” Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã được khởi công xây dựng.

“Để có được ngôi trường khang trang cho các em học tập như hiện nay thì già Rơ Lan Dyel đã đóng góp công sức không hề nhỏ. Từ ngày đó đến nay, già cũng là Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh cùng nhà trường vận động học sinh ra lớp và giúp đỡ những em khó khăn vươn lên trong học tập”, thầy Linh chia sẻ.

“Có người hỏi tôi rằng có tiếc nuối khi hiến tặng 1.800 m2 đất mặt đường Quốc lộ để xây dựng trường học không. Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ hối hận. Bởi những việc làm của tôi và gia đình đều là vì lợi ích chung của cộng đồng và không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Vợ chồng tôi cũng có tuổi rồi, chỉ cần làm đủ ăn hàng ngày và gia đình khỏe mạnh là hạnh phúc rồi”, già Rơ Lan Dyel bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.