Một con người giản dị, gần gũi và điều hơn hết khiến người khác nhớ nhất về ông đó chính là tấm lòng cao cả.
Chuyện ông Bùi Văn Anh (73 tuổi, ở thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tự nguyện hiến đất của gia đình để xây trường học vẫn được cán bộ và người dân nơi đây nhắc đến với lòng kính phục, biết ơn.
Với ông Anh, mảnh đất có đem về lợi lộc cho mình bao nhiêu cũng không phải là vấn đề, quan trọng hơn hết là con cháu người Cor có chỗ học hành đàng hoàng, sạch sẽ.
Tri ân đất lành
Vẻ khang trang tại điểm trường thôn Thọ An. |
Hơn 33 năm trước, sau lần làm ăn thất bại ở thành phố, tài sản còn lại chẳng bao nhiêu, ông Anh cùng vợ con quyết định đến vùng đất Thọ An (xã Bình An) để gây dựng lại kinh tế gia đình. Lúc bấy giờ, nơi đây là vùng đồi núi xa xôi, đất đai cằn cỗi và lác đác trong xóm chỉ vài mái nhà đồng bào Cor.
Từ việc khai hoang đất để trồng cây, chăn nuôi, rồi mở thêm tiệm tạp hóa nhỏ phục vụ bà con, cứ thế vợ chồng ông Anh làm lụng không ngơi nghỉ suốt thời gian dài. Họ từ người sống ở phố đã trở thành những nông dân chính hiệu. Nỗ lực bao nhiêu đáng giá bấy nhiêu, kinh tế gia đình nhanh chóng được vực dậy cùng với đó 3 người con đều được học hành đến nơi đến chốn.
Ngần ấy năm trôi qua, ông Anh chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Vùng đất Thọ An heo hút ngày nào, nay đã có nhiều khởi sắc, những công trình dân sinh được đầu tư, đánh dấu sự quan tâm của Nhà nước, kéo theo đời sống của người Cor cũng được nâng lên rõ rệt.
“Từ lâu, gia đình tôi đã xem đây như là quê hương thứ hai và rất muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho bà con nơi này. Khi hay tin chính quyền địa phương đang loay hoay tìm phương án để mở rộng điểm trường mẫu giáo Thọ An, không cần suy nghĩ nhiều, tôi liền đồng ý hiến tặng luôn mảnh đất ngay đầu xóm để xây trường cho con cháu học”, ông Anh nhớ lại.
Dù cuộc sống của gia đình ông Anh vẫn còn nhiều nỗi lo toan, và nếu giữ lại miếng đất đã hiến tặng, cứ 4 năm ông cũng thu được vài chục triệu đồng từ tiền bán keo gỗ hoặc bán đứt thì ít gì cũng vài trăm triệu đồng. Ông có thể dùng số tiền đó để làm nhiều việc hay có thể chia cho các con. Nhưng tất cả vì nghĩa tình với vùng đất, vì con cháu của người Cor, ông Anh đã bỏ qua những toan tính cho riêng mình.
“Trước đây, cô giáo cùng với hơn 30 cháu nhỏ là con em của đồng bào Cor phải dạy và học trong căn phòng rất chật chội, ngày nắng mái tôn nóng hầm cả lớp, hay có những hôm mưa dội lấn át tiếng cô trò, tôi thấy rất thương mấy cháu”, ông Anh tâm sự.
Đầu năm 2022, miếng đất hơn ngàn mét vuông do ông Anh hiến tặng đã được chính quyền đầu tư xây dựng phòng học mới, khang trang, đầy đủ trang thiết bị dụng cụ học tập cho các cháu mẫu giáo ở điểm trường Thọ An.
Lan tỏa nghĩa cử đẹp
Việc ông Anh tự nguyện hiến đất xây trường mẫu giáo khiến bà con xóm làng ngưỡng mộ, chính quyền tán thưởng, nhưng ông chẳng màng chuyện được tuyên dương. “Ở vùng đất này, giá trị lớn nhất không phải là tiền, mà là thế hệ con cháu người Cor phải được học tập ở ngôi trường khang trang hơn. Như thế các cháu mới có tương lai tốt đẹp được”, ông Anh chia sẻ.
Cô giáo Ngô Ái Phước - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình An cho biết, trước đây, khi trường lớp tạm bợ, điều kiện dạy và học còn nhiều hạn chế, việc có trường mới, khang trang hơn là ước mơ từ lâu của cô trò nơi đây.
Nỗi lo lớn nhất là mặt bằng để xây dựng, nhưng khi ông Anh hiến đất thì vấn đề khó nhất đã được giải quyết. Không những thế, với phần đất còn lại nhà trường có thể làm khuôn viên sân chơi cho các cháu.
“Trong buổi đầu đến nhà nói chuyện với gia đình ông Anh, phía chính quyền vừa dứt lời ngỏ ý, ông Anh đã đồng ý hiến luôn phần đất của mình cho trường, khi đó cả đoàn ai cũng ngỡ ngàng. Đó là một cuộc vận động diễn ra nhanh như chớp”, cô Phước kể.
Giữa cái thời “tấc đất, tấc vàng”, tấm lòng của ông Anh thật đáng trân quý và càng ý nghĩa hơn nữa khi việc làm của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.
Nằm cạnh phòng học mẫu giáo mới xây là điểm trường Tiểu học Thọ An với dãy phòng trệt gồm 3 phòng học được xây từ hơn 15 năm trước. Không gian học tập vốn đã chật hẹp thì phía sân trường lại bị xé một góc lớn bởi mảnh đất hơn 400m2 của một người dân, khiến sân chơi của học sinh bị thu hẹp đáng kể. Nhưng khi biết được việc làm của ông Anh, chủ nhân miếng đất trên cũng đã tình nguyện hiến toàn bộ phần đất này cho trường.
Không phụ lòng người, để chuẩn bị cho năm học mới, chính quyền đã gấp rút cho xây mới dãy phòng học với hai tầng kiên cố, tiện nghi trong sự vui mừng của học sinh và người dân nơi đây.
Theo ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình An, vị trí đất mà ông Anh hiến tặng được xếp vào hàng “đất vàng” ở làng, nếu không có sự tự nguyện của ông thì chắc chắn chính quyền địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân.
Việc làm của ông Anh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giúp xã hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới, phát huy trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng quê hương. Đối với một địa phương đặc biệt khó khăn như Bình An thì những việc làm như ông Anh đáng quý vô cùng.
"Chính quyền địa phương rất cảm ơn ông Anh, vì đã tiên phong, chung tay, góp sức vì tương lai của con em đồng bào Cor. Xã đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng ông Anh và hy vọng trên tiến trình xây dựng quê hương sẽ có nhiều tấm gương cao cả như ông Anh”, ông Tuấn nói.