Hè về gợi miền ký ức

GD&TĐ - Hè đến là cả một “trời ký ức” tươi đẹp ùa về trong mỗi giáo viên những năm 70, 80 của thế kỷ XX nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. 

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Những hoạt động Hè ý nghĩa ngày ấy giúp học sinh có một kỳ nghỉ vui khỏe, an toàn và bổ ích.

Cô Lê Thị Thu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa, Hà Nội): Rộn tiếng cười đùa

Háo hức đón Hè về nhưng chúng tôi vẫn trăn trở làm sao để các em có kỳ nghỉ bên gia đình vui khỏe, an toàn, bổ ích. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng học sinh bây giờ không có nhiều trò chơi như ngày xưa mà thay vào đó là tivi, máy tính, trò chơi điện tử, clip trên Youtube. Còn những năm 70, 80 của thế kỷ XX, trước nghỉ Hè, học sinh được giáo viên chủ nhiệm phát tờ phiếu và căn dặn nộp cho tổ dân phố nơi các em sinh sống để tham gia sinh hoạt, chấm điểm, nhận xét, nộp lại khi vào năm học mới.

Ngày đó, khoảng 6 giờ sáng, anh chị phụ trách đi khắp các khu nhà, thổi còi gọi chúng tôi dậy tập thể dục. Có bạn còn ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở. Sau đó, mọi người cùng nhau dọn vệ sinh khu tập thể. Ban ngày bố mẹ đi làm, nhiều bạn không có người trông, bị nhốt trong nhà, thế là cứ rủ nhau chơi qua song cửa sổ, đủ trò, có gì ngon lại chia nhau, chỉ là chút sữa bột hay vài hạt đường. Mỗi tuần, đều đặn 3 buổi tối, anh chị trong đoàn thanh niên dạy chúng tôi múa hát, tổ chức chơi rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột...

he ve goi mien ky uc (5).jpg
Cô Lê Thị Thu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa, Hà Nội).

Đến ngày nghỉ, cả khu tập thể nhà máy liên hợp thực phẩm ở Quang Trung, Hà Đông lại rộn ràng với tiếng cười đùa của lũ trẻ. Đứa thì đuổi bắt trốn tìm, ném lon, nhảy dây, nhảy ngựa, tìm kim. Có khi lại rủ nhau đi mót lúa, hái rau tập tàng (rau dền cơm, rau sam…) về cho bố mẹ nấu canh.

Khoác áo sinh viên, tôi được giao phụ trách sinh hoạt đoàn. Vui và ấn tượng nhất là thi cắm trại tại vườn hoa. Mỗi khu phố một lều trại, ai cũng say sưa, nghĩ đủ thứ trang trí sao cho trại khu mình đẹp nhất. Đến hôm thi văn nghệ, đồng diễn báo cáo Hè, đứa nào đứa nấy môi đỏ chót.

Tuổi nhỏ, nhiều đứa cũng đùa dại, lúc thì bấm chuông các nhà đang nghỉ trưa, lúc chui qua chui lại song sắt rào chắn, có bạn mắc kẹt cả đầu vào đó, không lôi ra được, phải gọi người lớn đến giải cứu. Có lần, tôi theo hội bạn nhảy tàu điện, đi bộ lên chợ Đồng Xuân, ra hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền. Ngày ấy, có mỗi que kem, chuyền tay, nhưng ai nấy đều mãn nguyện vô cùng.

Ngày bé, tôi có chút máu văn nghệ, thích múa hát, thế là mẹ cho tham gia câu lạc bộ ở nhà văn hóa. Có lần còn được lên tivi, chương trình Bông hoa nhỏ hẳn hoi. Hè vui nhưng không quên đọc sách. Học sinh thường xếp hàng vào thư viện mượn, thuê truyện về đọc. Mắt lúc nào cũng dán vào quyển truyện, có những lúc còn mang cả vào nhà vệ sinh để đọc, lúc chui ra áo quần ướt sũng.

Lúc trưởng thành, tôi vẫn thích tham gia hoạt động Hè, tổ chức tình nguyện tiếp sức mùa thi, múa hát văn nghệ, tiễn thanh niên nhập ngũ. Khi làm giáo viên chủ nhiệm lớp, để các con có mùa Hè ý nghĩa, ngoài giao bài tập, tôi còn động viên, theo sát, khen ngợi các em khi sinh hoạt ở địa phương.

Bây giờ, khi không trực tiếp tham gia sinh hoạt với các em, tôi vẫn đến trường trực Hè. Trường Tiểu học Thịnh Hào luôn chào đón các hoạt động, sân chơi cho thiếu nhi, điểm đến khám sức khỏe cho người cao tuổi, điểm hiến máu tình nguyện hay hội diễn văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ, hội của địa phương, đất nước. Thư viện vẫn mở cửa, khuyến khích, nâng cao văn hóa đọc.

Chính phụ huynh là cầu nối, cùng nhà trường định hướng, hỗ trợ con em mình tham gia hoạt động ngoài trời lành mạnh, câu lạc bộ rèn kỹ năng sống, lớp dạy bơi, võ, múa hát, năng khiếu để nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất. Thông qua các nhóm Zalo, giáo viên vẫn đồng hành, theo dõi, động viên các em có những thành tích trong Hè. Từng là đoàn viên, thanh niên sôi nổi, tôi mong các bạn khoác áo đoàn, áo xanh tình nguyện tự rèn luyện, làm mới bản thân, hết mình vì những hoạt động của nhà trường, địa phương. Thời gian trôi qua, chính các bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc vì những điều tốt đẹp đã làm.

Cô Đào Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (Yên Hòa, Cầu Giấy): Rong chơi và trải nghiệm thú vị

he ve goi mien ky uc (3).jpg
Cô Đào Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy).

Sinh ra và lớn lên ở làng Mễ Trì, ngoại thành Hà Nội, nơi có rất nhiều gia đình làm cốm, ký ức trong tôi là những ngày Hè rong chơi cùng anh chị, bạn bè với các trò chơi dân gian như chơi chuyền, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, nhảy dây…

Mỗi dịp Hè về, hội trẻ con lại ríu rít cùng bà ngoại đi nhặt lúa. Những buổi trưa nóng nực, đám trẻ cùng bắt chuồn chuồn, chơi ở những đống rơm phơi khắp đường làng hay giúp bố mẹ phơi, đi và cất thóc vào tải chạy thật nhanh kẻo trời mưa xuống. Tôi cùng những người bạn nhỏ luôn háo hức, mong chờ trời tối thật nhanh, ăn cơm xong là gọi nhau ầm ĩ, rủ nhau ra hợp tác xã để sinh hoạt Hè. Tụi nhỏ rất thích được anh chị dạy múa, hát ca, nhảy nhịp điệu.

Trong kí ức tuổi thơ của tôi, đó là những ngày Hè sung sướng đầy ắp niềm vui. Mỗi khi hồi tưởng lại, tâm hồn tôi cứ thế dịu dàng, nhẹ nhõm, càng thêm yêu thương, trân quý hơn những kỷ niệm một thời. “Nếu luôn mang tuổi thơ bên mình - Bạn sẽ chẳng bao giờ già đi”. Tuổi thơ là những tiếng cười giòn tan khi cùng chúng bạn rượt đuổi nhau trong xóm hay cảm giác hứng thú chơi chẳng muốn về lúc chơi các trò chơi dân gian, hái hoa, hái lá làm nghé ọ…

Với mong muốn giúp học sinh rời xa máy tính, điện thoại và có những trải nghiệm thú vị của một mùa Hè đúng nghĩa, tôi thường tổ chức cho các con đi tham quan dạo chơi ngoài trời, tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi vận động có sẵn trên sân trường. Qua quá trình chơi chung, trẻ sẽ học được cách chia sẻ và tôn trọng những nhu cầu của người khác và tăng khả năng vận động, phát triển tư duy.

Ngoài việc giúp trẻ tăng cường kỹ năng phát triển vận động tôi cũng định hướng hình thành thói quen đọc, yêu sách. Đặc biệt ở trường, tôi đã xây dựng một góc đọc sách thư giãn trong lớp. Trẻ say sưa, hào hứng lắng nghe tôi đọc sách, kể chuyện.

Bên cạnh đó, Hè về là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất tôi luôn tìm tòi, học hỏi, khám phá các phương pháp giáo dục tiên tiến qua tài liệu, sách báo như: Hướng dẫn hoạt động STEAM, thiết kế bài giảng STEM/STEAM, 52 thí nghiệm STEAM… Sau đó, tôi ghi chép, chắt lọc những nội dung hay nhất để ứng dụng vào năm học mới trong quá trình giáo dục trẻ.

Để vững vàng, tự tin và bản lĩnh hơn trong quá trình chăm sóc trẻ, tôi thường đọc các cuốn sách như: Nuôi dạy một đứa trẻ thích đọc sách, cách nuôi dạy một đứa trẻ có trái tim ấm áp, chăm sóc và nuôi dạy con toàn tập, nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc, cẩm nang phòng chống tai nạn thương tích…

Hồi là sinh viên, tôi tham gia công tác Đoàn thành niên địa phương, xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt Hè như: Nhảy nhịp điệu, múa hát tập thể… Khi làm giáo viên, tôi tích cực tham gia các hoạt động hè do BGH Nhà trường xây dựng, tham mưu đề xuất những hoạt động kích thích tư duy, tăng cường hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm gắn liền với thực tiễn. Lồng ghép tổ chức các hoạt động thú vị như: Cắm trại Hè, ngày hội bé với nước…

Cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội): Kỷ niệm tình nguyện Hè khó quên

he ve goi mien ky uc (6).jpg
Cô Lê Hoàn Châu đi gia sư miễn phí cho học sinh nghèo ở xã Việt Hùng khi còn là sinh viên năm 1996.

Ngày xưa, ai có phiếu sinh hoạt Hè đều có trách nhiệm vì phiếu sẽ được anh chị phụ trách, bác tổ trưởng tổ dân phố nhận xét. Hết Hè, phiếu điền đủ thông tin tham gia hoạt động gì, tốt khá ra sao, từ dọn vệ sinh, tập văn nghệ, thi trại Hè…

Gia đình tôi có 5 anh chị em, ngoài tham gia sinh hoạt, mùa Hè cũng là lúc các con phụ giúp cha mẹ. Thường ngày, hai chị em đi hái bèo ở ao (Thái Thịnh) về cho bố mẹ nuôi lợn. Cũng từ bèo mà lũ trẻ chúng tôi tự hình thành kỹ năng phòng chống đuối nước, ngày ấy chỉ dám lội gần bờ, dùng gậy dò mức nước để di chuyển.

Đến bữa cơm, ai cũng háo hức vì đây là lúc bố mẹ kể chuyện đi làm, hỏi han các con chơi gì hôm nay, rồi căn dặn việc sinh hoạt vui chơi hàng ngày. Mỗi tháng, cán bộ công chức được mua một cân thịt trong tem phiếu, cả nhà chỉ được liên hoan vào ngày lễ. Khi ấy, tôi nhớ là một cân thịt nhưng nồi nước nhiều gấp 3 lần số thịt, để lấy nước thịt chan cơm. Thịt ít, nhà đông con, nên thế là quý lắm rồi mà ăn vèo cái là hết.

Khi là sinh viên ngành Sư phạm, mùa Hè năm 1996, tôi nhớ có chương trình SV96 trên tivi. Khi đó là sinh viên xuất sắc tôi vinh dự vào nhóm sinh viên được cử sang xã Việt Hùng (Đông Anh) chia theo thôn, tổ dân phố thực hiện tình nguyện Hè.

Mỗi nhóm 5 sinh viên được giao nhiệm vụ tổng hợp danh sách gia đình chính sách trên địa bàn được giao, đến từng gia đình chính sách tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, giúp đỡ gia đình như: Làm việc nhà, tưới cây, quét nhà dọn dẹp…

Đáng nhớ nhất là tạo một nhóm học sinh có nhu cầu học tập để ôn Hè, gia sư miễn phí cho các em. Buổi tối, các thầy cô lại vào vai giáo viên dạy văn nghệ, đến ngày kỷ niệm thì biểu diễn văn nghệ cho địa phương ở sân kho hợp tác xã…

Chỉ chừng 10 ngày tình nguyện nhưng đầy ắp kỷ niệm, ở tại nhà văn hóa của xã. Mọi việc từ ăn uống, dọn dẹp đều do sinh viên đảm nhiệm, nhà trường và một đơn vị khác sẽ cung cấp thực phẩm. Khi ấy, hoàn thành tình nguyện có bạn tôi còn được đài báo phỏng vấn.

Để được là sinh viên tình nguyện năm 1996 khi đó, nhà trường tuyển chọn rất gắt gao, phải là sinh viên giỏi, lựa từ các khoa. Mỗi khoa chỉ tuyển chọn 4 - 5 sinh viên giỏi nhất, nhiệt tình và có nhiều năng khiếu nhất. Có khi cả mấy năm sinh viên chỉ được đi một lần. Tôi may mắn được thi sinh viên tài năng sư phạm toàn quốc trước khi thực tập.

Tôi nhớ năm 1997, hồi ấy mới ra trường, tôi được Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội trực tiếp liên hệ công tác về Trường THCS Nguyễn Trãi, ngót nghét cũng phải 26 năm công tác, từ giáo viên, cán bộ đoàn, cán bộ quản lý đến khi làm Hiệu trưởng. Tháng 8/2023, tôi được cử sang Trường THCS Nguyễn Công Trứ nhận nhiệm vụ mới.

Hè này, tôi cùng các thầy cô Trường THCS Nguyễn Công Trứ xây dựng kế hoạch, tổ chức các câu lạc bộ thể thao cho học sinh có nhu cầu đăng ký, chủ yếu là các môn mà các em thích thú như bóng rổ, bơi lội… Bên cạnh đó, nhà trường vẫn mở cửa thư viện để cán bộ, giáo viên, sinh viên đến đọc sách, tìm tài liệu, tham khảo.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội): Háo hức với bộ sách giáo khoa mới

he ve goi mien ky uc (4).jpg
Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hồi còn học tiểu học, tôi rất háo hức được tham gia các hoạt động biểu diễn ở tổ dân phố mỗi dịp Hè. Còn những ngày bình thường thì cùng chúng bạn chơi các trò chơi tuổi thơ, không thiếu trò nào, từ nhảy dây, ô ăn quan đến chơi chuyền.

Lên cấp hai, các trò chơi cũng lớn dần theo. Khi thì nhóm bạn say mê trò chơi vận động như cầu lông, cầu mây, đá cầu, bắn súng nước, khi thì tha thẩn rủ nhau trốn tìm đuổi bắt. Hôm nào oai hơn, được bố mẹ cho một ít tiền, cả lũ tự rủ nhau đạp xe đi vườn thú Thủ Lệ vì ở đấy có sân trượt patin, đạp vịt…

Thi thoảng, tôi cũng cùng bạn bè ra công viên. Vì không có điều kiện lên thư viện đọc sách báo, ở nhà đứa nào có sẵn tủ sách của bố mẹ thì đến nhà đứa ấy đọc.

Khi nhỏ, lúc nào, tôi cũng háo hức với bộ sách giáo khoa mới bố mẹ mua trước cho năm học tiếp theo. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác mang ra hít hà, run run bọc dán từng cuốn. Thấy cuốn sách mới, tôi tò mò khám phá những kiến thức trong sách, dần dần hình thành thói quen nghiên cứu trước từ lúc nào không hay.

Trở thành sinh viên, tôi đăng ký dạy học từ thiện cho trẻ em mồ côi ở Làng trẻ em SOS trong các mùa Hè. Đó là những quãng thời gian tràn đầy cảm xúc. Tôi thương các em thiếu thốn tình thương của ba mẹ nhưng rất vui vì “các mẹ” ở đó cũng chăm sóc hết lòng. Có em đang tuổi dậy thì ẩm ương nhất quyết không hợp tác. Hai chị em lại phải cùng nhau đi dạo quanh vườn, nói rất nhiều chuyện, để em bình tâm trở lại. Tôi cũng lớn lên nhiều sau những đợt làm việc cùng các em.

Đảm nhận công tác chủ nhiệm, tôi luôn suy nghĩ xem làm thế nào để học sinh có được mùa Hè hữu ích, vừa có thời gian nghỉ ngơi, rèn luyện kĩ năng, sức khoẻ, giúp đỡ được bố mẹ việc nhà, đồng thời cũng không quên kiến thức do nghỉ cách quãng quá lâu. Do đó, tôi chỉ giao lượng bài tập vừa phải, kết hợp với những dự án thú vị.

Đặc biệt, tôi đã triển khai một dự án Hè, học sinh gửi video tham gia thể thao, làm việc nhà hằng ngày lên một kênh chung của cả lớp. Chính các học sinh chia nhau ra để kiểm tra và thống kê số lượng nộp hàng ngày. Sau nhiều mùa Hè triển khai dự án này nhận được sự đồng thuận và hợp tác từ phía phụ huynh, học sinh.

Trong vai trò là người mẹ, tôi cũng luôn tâm niệm sẽ cùng các con tận dụng và khai thác một mùa Hè bổ ích. Tôi cùng các con rèn luyện thể lực và kỹ năng việc nhà hằng ngày, khám phá những cung đường mới mẻ quanh thành phố, tìm hiểu thành phố về ban đêm, đi chợ Long Biên, xem thượng cờ - hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình, luyện cho con kỹ năng đi xe bus và đạp xe quanh thành phố an toàn. Ngoài ra, tôi cũng cùng con khám phá thiên nhiên núi rừng sông suối qua những chuyến trải nghiệm Hè.

Bạn trẻ nên tận dụng mùa Hè tối đa để phát triển bản thân với những hoạt động hữu ích, tăng cường nâng cao thể chất và kỹ năng sống, hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Sau một mùa Hè, các bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn nhiều và gặt hái được giá trị nhất định. Đừng để mùa Hè trôi qua với ngủ nướng liên tục vì thức đêm triền miên cày phim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Không nên bảo quản khoai tây trong tủ lạnh cùng với táo hoặc chuối vì điều này có thể ức chế sự nảy mầm. (Ảnh: ITN)

Có nên ăn khoai tây mọc mầm?

GD&TĐ - Khoai tây mọc mầm có ăn được không là thắc mắc của nhiều người, chuyên gia sẽ giải đáp ngay trong bài viết này.