Ngay trước ngày bước vào hải trình cùng Đoàn công tác số 6 đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tôi may mắn được gặp Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Khương Văn Chữ và nghe ông kể về chuyến đi công tác ở đảo Song Tử Tây. Dù đã gần 40 năm trôi qua nhưng ký ức ấy trong ông chẳng bao giờ phai mờ!
Nghĩa tình chiến thắng gian khổ
45 năm trước, có người trai Khương Văn Chữ quê ở Tiên Du (Bắc Ninh) xung phong nhập ngũ. Năm sau, chàng lính trẻ ấy trúng tuyển Học viện Quân y. Năm 1984, anh được chọn là một trong 20 người tham gia lớp đào tạo chuyên ngành Hải quân.
Khi tốt nghiệp, Khương Văn Chữ được điều về công tác tại Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân và tiếp tục được cử đi học thêm về ngoại khoa ở Bệnh viện đa khoa Phú Khánh (nay là Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa). Tháng 3/1987, bác sĩ trẻ mới ngoài đôi mươi ấy được đơn vị cử đi công tác đảo Song Tử Tây.
“Dù gian khổ, vất vả nhưng bộ đội đóng quân trên đảo rất thiện xạ, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện, tình huống. Khi tập luyện, những mục tiêu chuyển động như tấm bia thả trôi biển và diều bay trên không đều bị bắn tả tơi. Vì vậy, nhân dân ở đất liền cứ yên tâm, vững tin vào cán bộ, chiến sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam!” Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Khương Văn Chữ
Trên con tàu mang lá cờ đỏ thắm lướt sóng ra khơi, xác định hướng bằng hải đồ có khi bị sóng gió đẩy làm lệch đích đến để thủy thủ phải dò đường lại, mà lòng người trai ấy phơi phới những niềm vui, háo hức và lạc quan xác định rằng, được đi là đi, không biết khi nào về, nhất là với quân y phải có người ra thay nhưng trong bối cảnh đội ngũ này vẫn thiếu rất nhiều.
Ngày đó, Song Tử Tây là một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể đảm bảo điều kiện sống khá tốt cho bộ đội vì khá rộng, có giếng nước ngọt, địa hình trũng giữa nên giữ được nước. Ở đây, ngoài trồng rau còn có thể nuôi gà, chó và bò để cải thiện đời sống. Riêng với bò, vì thức ăn có hạn nên chỉ được biên chế theo “khuôn khổ”: 5 con, nếu tăng thêm từ con thứ 6 là thịt khao bộ đội.
Giữa gió biển rát mặt, chưa có điều kiện trang thiết bị như bây giờ nên lượng rau xanh trên đảo cũng rất ít ỏi. Mỗi lần thu hoạch cũng chỉ đủ nấu canh song cần thái nhỏ. Thế nên, sau những bữa sáng – trưa – tối chỉ quanh đi quanh lại thịt hộp với rau đông lạnh mà được húp bát canh rau xanh, những người lính tiền tiêu ấy mới thấy mát lòng, mát dạ làm sao!
Chuyện thiếu nước ở đảo thì đã thành “giai thoại”, kiểu như suất nước trong ngày là thế, nếu đem rửa mặt thì nghỉ uống. Và, trong cái khó đó sẽ ló cái khôn… lỏi. Ví như, ai đến phiên trực nhật lấy cơm và phát nước cho tiểu đội thì kiểu gì cũng chơi bài uống thật đã ở nhà bếp rồi lấy 2 ca mang về chia cho mọi người.
Hoặc từ việc biết là, quân y có nước dự trữ cho thương binh, bộ đội hay lên xin viên thuốc đau bụng - nhưng cốt là để uống nước. Gặp tình huống đó, bác sĩ phải nghiêm khắc nhắc nhở đồng thời “tặng” cốc nước nếu điều kiện cho phép.
Vào mùa mưa, nhiều chiến sĩ còn sử dụng ống phóng hấng nước mưa trữ vào đó dành cho mùa khô kéo dài. “Chuyện vui thế này, có anh lính trẻ chôn ống nước mưa dưới chòi gác và bị phát hiện nên hôm sau ra lấy thì chẳng còn. Anh lính òa khóc “mách” bác sĩ: Bác ơi, bọn nó đào hết nước của con…”, bác sĩ Chữ kể trong tiếng cười vui.
Ngoài ra còn là những khó khăn từ nhà cửa, chỗ đi lại, không có các phương tiện nghe nhìn… nên có điếu thuốc lá để anh em giải khuây vô cùng quý. Nhưng lượng hàng được cấp phát mỗi đợt có hạn, chưa đến ngày tàu ra thì thuốc lá, thuốc lào, thuốc rê (quấn giấy) đã hết từ lâu.
Để ứng phó với tình hình này, những người có kinh nghiệm thường giấu kỹ vài điếu để lúc thực sự hết sẽ cắt thành 10 đoạn chia cho anh em. Khi đó, mỗi người một mẩu đặt vào điếu cày “bắn” những tràng dài khoan khoái… Có chiến sĩ tên Lộc ở Tuy Hòa giỏi tẩm quất. Cứ lần nào Lộc nói với đảo trưởng: “Bố để con khuyến mãi 40 phút tẩm quất” là biết ngay cần “trả công” cho cậu ta bằng… mẩu thuốc.
Với quân y, đôi khi bác sĩ Chữ cũng gặp những ca “lém lỉnh” kiểu như bỗng một ngày đảo trưởng dẫn 5 - 6 chiến sĩ cáo ốm, xin nghỉ lao động. Sau một hồi được khám bệnh và nghe lời tư vấn từ bác sĩ, mấy thanh niên ấy liền đăng ký buổi chiều tiếp tục làm nhiệm vụ.
Hay có trường hợp chiến sĩ tự nhiên bỏ ăn, nằm một chỗ, kêu ốm dài ngày. Bác sĩ Chữ đã đến khám trực tiếp và trò chuyện với chiến sĩ đó thì nắm được tâm tư của người cháu mồ côi, nhớ bà ngoại và nghe tin bà ốm mà sinh thế.
Nhờ lời động viên của bác sĩ, cậu chiến sĩ đã tự vực dậy, tiếp tục sống vui vẻ, chan hòa, hoàn thành nghĩa vụ để sớm trở về quê thăm bà. Bác sĩ khi đó không chỉ phải giỏi chuyên môn, nắm chắc tình trạng sức khỏe bệnh nhân mà còn là chuyên gia tâm lý kiên trì đón nhận và chia sẻ tâm tư với chiến sĩ, giống như người anh, người bạn vậy.
“Cuộc sống ở đảo thiếu thốn tứ bề, xa xôi cách trở, có khi, lời nhắn trên trang thư “Em hôn anh” nhưng mãi 6 - 7 tháng mới tới tay người nhận. Vậy nhưng, bộ đội sống với nhau rất tình cảm, thư cũng đọc chung, cái gì cũng chia nhau.
Anh em yêu thương, giúp đỡ nhau trong quá trình học tập, rèn luyện. Ở đây, cái tình rất lớn át và chiến thắng mọi gian khổ, khó khăn để luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, giữ chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương”, bác sĩ Chữ nhấn mạnh.
Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Khương Văn Chữ (thứ tư từ phải qua) tham gia đoàn công tác đối ngoại quân sự trên tàu bệnh viện 561. Ảnh: NVCC. |
Không gì khuất phục được!
Đến giờ, bác sĩ Chữ vẫn nhớ như in chiều ngày 13/3/1988, ông cùng đồng đội thấy tàu hộ vệ 556 của Trung Quốc tiến vào Song Tử Tây. Đã mấy tháng không có tàu ra, ban đầu mọi người tưởng là tàu của Nga nên ra kéo bong tong vào, nhưng không phải. Nó cứ thể lao tới. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo liền tập trung hỏa lực, sẵn sàng chiến đấu.
“Tôi Lương Xuân Kính - Đảo trưởng, chỉ huy bằng hiệu lệnh cờ trên đài chỉ huy (tức bó cờ tay – PV). Đồng chí Đại đội trưởng Đại đội pháo 85 là người thay thế số 1, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội pháo phòng không 37 là người thay thế số 2. Tất cả theo hiệu lệnh cờ là hiệu lệnh chiến đấu” – Tiếng đảo trưởng Lương Xuân Kính sang sảng thúc giục toàn đơn vị sẵn sàng chiến đấu.
Khi đó, tàu hộ vệ 556 của Trung Quốc vẫn xăm xăm tiến vào, chỉ cách đảo khoảng 3,5 hải lý (khoảng 5 km). Đảo trưởng Lương Xuân Kính hô bắn cối chiếu sáng vào mũi tàu, cảnh báo không được xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nó đi vòng ra xa xa, rồi tiếp tục quay trở lại lần 2.
Nhưng lần này đảo trường không hô bắn nữa. Sau này nói chuyện thì bác sĩ Chữ được biết, từ kinh nghiệm, nếu nó bắn mình thì phải đứng ở xa khoảng 10km mới trong tầm pháo, nhưng vào gần như thế thì chắc chắn không bắn. Phán đoán ấy là chính xác.
Sau đó, tàu hộ vệ 556 ra đảo Đá Nam cách Song Tử Tây khoảng 5 hải lý (hơn 7km) và dừng ở đấy. Đảo trưởng ra lệnh chia đôi lực lượng để vừa tranh thủ ăn cơm vừa trực sẵn sàng chiến đấu. Đạn đã lên nòng và tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao.
Đêm hôm đó, nhận thông tin từ trong bờ báo ra, đảo trưởng hội ý chỉ huy các đầu ngành, nói đêm nay sẽ bắn nhưng bắn pháo sang hướng khác để uy hiếp. Khuya, Song Tử Tây bắn khoảng 3 lần. Tờ mờ sáng hôm sau thì không thấy tàu hộ vệ 556 đâu nữa, mọi người thở phào.
Nhưng đến khoảng 6 – 7 giờ sáng thì nghe tin nó thuộc biên đội tàu chiến 502 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc cùng các tàu khác vô cớ tham gia tấn công tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam đồng thời trắng trợn cướp bãi đá ngầm Gạc Ma của Việt Nam. Tàu vận tải 604, 605 bị bắn cháy và 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sẵn sàng chiến đấu, tự hào Hải quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
“Trong đợt ấy có cậu y sĩ ở Song Tử Tây tên là Nguyễn Văn Sơn quê Diễn Châu, Nghệ An. Sơn ra đảo trước tôi (27 tháng) và có y sĩ Hạnh ra thay nên dịp đó được vào bờ. Nhưng đang đi phép thì đơn vị gọi cậu ấy vào để nhận nhiệm vụ”. Kể đến đây bác sĩ Chữ ngừng lại, lặng trong giây phút. Đôi mắt dạn dày sương gió của người sĩ quan quân y ấy không thể nén được niềm xúc động dâng trào khi nhớ về đồng chí, đồng đội của mình.
“Nhiệm vụ của Sơn lúc đó là tham gia khung đi đóng chiếm đảo mới, di chuyển bằng tàu vận tải 604. Trên đường ra đảo thì gặp chiến sự Gạc Ma nên Sơn cùng các đồng chí, đồng đội đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh”, bác sĩ Chữ nói.
Y sĩ Sơn được vào bờ đi phép về với vợ con, gia đình chẳng được bao lâu lại tiếp tục hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc như thế. Năm ấy, liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn mới chừng 23 - 24 tuổi!
Dù ở cùng nhau khoảng thời gian ngắn nhưng bác sĩ Chữ rất mến người đồng nghiệp trẻ tuổi có ý ăn, ý ở chỉn chu, lịch thiệp. Anh luôn giành mọi việc vì: “Bác sĩ không được rửa bát, hái rau, nấu cơm mà tập trung vào chuyên môn khám chữa bệnh. Những việc đó để chúng cháu làm hết”.
(Dù anh em gần bằng tuổi nhau nhưng cán bộ, chiến sĩ lúc nào cũng gọi bác sĩ Chữ một điều bác, hai điều bác và xưng cháu). Sơn cũng rất khéo tay, biết gỡ dây tời cũ bện lại để đan võng rồi làm những cành hoa bằng sợi thép trang trí dịp lễ tết…
Đến tháng 10/1988, bác sĩ Chữ kết thúc chuyến công tác ở đảo Song Tử Tây với tổng thời gian là 19 tháng. Trong suốt quá trình này, ông có 10 lần yêu cầu y sĩ hấp đồ phẫu thuật song không phải dùng tới.
“Đó là điều may mắn đối với tôi, vì có nghĩa là, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây luôn được đảm bảo tốt, ổn định. Còn về mặt chuyên môn, tôi luôn tập trung cao nhất về trang thiết bị y tế, thuốc men trong điều kiện cho phép để ứng phó với mọi tình huống, không để bị chậm, muộn”, bác sĩ Chữ chia sẻ.
Sau khi đi đảo vào, bác sĩ Chữ về lại Lữ đoàn 146 rồi tháng 10/1988 ông được điều về Đội điều trị 486 thuộc Phòng Hậu cần Vùng 4 Hải quân. Ông đã kinh qua các cương vị như: Đội trưởng Đội điều trị, Chủ nhiệm Quân y Vùng 4, Chủ nhiệm Khoa huấn luyện chuyên ngành rồi Phó Giám đốc Viện Y học Hải quân; Chủ nhiệm Quân y Quân chủng Hải quân.
Gần như cả đời quân ngũ, ông đã gắn bó với biển, đảo góp phần nhỏ bé xây dựng Ngành Quân y Hải quân ngày càng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Giờ đây, Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Khương Văn Chữ đã nghỉ hưu nhưng thi thoảng ông vẫn vào Vùng 4 gặp gỡ đồng chí, đồng đội năm xưa. Và, với ông, ký ức về những tháng ngày công tác ở quần đảo Trường Sa, nhất là trên đảo Song Tử Tây luôn thao thức cùng bao cảm xúc thương nhớ không quên!
Thực ra, cuối tháng 12/1986, bác sĩ Chữ đã nhận quyết định đi công tác ở đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) nhưng vì sóng to gió lớn nên chưa thể khởi hành. Đúng khi đó ở nhà vợ ông sinh con gái.
Cùng thời điểm này, có người đồng chí ở Hà Nội đi phép vào Nha Trang đã trám vào nhiệm vụ đi công tác đảo Thuyền Chài để bác sĩ Chữ được về Hải Phòng thăm vợ. Sang tháng 3/1987, ông mới chính thức đi Song Tử Tây và biền biệt gần 2 năm. Lúc về, cô con gái đã biết đi, thấy chú bộ đội lạ vào nhà vội chạy trốn gầm cầu thang. Mấy ngày sau bắt đầu quen thì cô bé gọi: “Cậu bố”!
Bài cuối: Tự hào và tiếp bước