Ở quê, các em được tận hưởng nhiều điều thú vị và là cơ hội để thêm yêu quê hương, nguồn cội; biết quan tâm, thương yêu người thân, gắn kết các thế hệ, bà con họ hàng…
Trải nghiệm quý giá
Từ sau kỳ nghỉ ngắn dịp 30/4 năm ngoái, nhận thấy con hứng thú với công việc nhổ cỏ, bắt sâu, chăm sóc đàn gà cùng ông bà nội, vợ chồng chị Trần Thị Hồng Vân (trú phường Hòa An, Cẩm Lệ) bàn nhau sẽ cho con về quê trọn kỳ nghỉ Hè.
Chị Vân kể: “Lúc đầu, con còn rụt rè, chưa cởi mở lắm khi gặp các bạn cùng độ tuổi ở quê. Chơi trò gì con cũng sợ bẩn áo quần. Nhưng chỉ sau vài hôm, con bắt đầu tham gia các trò chơi cùng bạn quanh xóm. Chỉ là những trò đơn giản như cắt bẹ chuối, hoa râm bụt để chơi nấu ăn; cùng nhau đi kiếm ổi, mận quanh vườn nhà, nghịch đất, cát; chơi nhảy dây, trốn tìm… thế nhưng con rất hào hứng, có khi trốn ngủ trưa để chơi”.
Bé Hạ Uyên, con chị Vân kể: “Do bơi chưa thành thạo nên em chỉ được cùng ông đi cắt cỏ chứ không được tắm sông. Lần đầu tiên lội ruộng, em hơi sợ vì cảm giác bị bùn kéo xuống và đỉa bám chân nhưng dần dà quen rồi thì rất thích. Em có thể ôm từng bó cỏ nhỏ đem ra xe kéo để phụ giúp ông”.
Còn Hà An - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) nhờ những trải nghiệm mùa Hè ở quê mà biết tự làm diều thủ công, học được cách lựa theo chiều gió để diều bay cao. Lần đầu tiên, An nhìn thấy máy xay xát lúa, biết để có được hạt gạo bóng bẩy, những người nông dân phải một nắng hai sương trên đồng ruộng… Em cũng phân biệt được các nông cụ sản xuất như cuốc, xẻng, thúng mủng; biết cái trang để kéo lúa và cái cào để trải đều, làm mỏng đống lúa khi phơi khác nhau thế nào.
Chị Nguyễn Thị Hải Phước (trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) kể, nhờ về quê trong các dịp Hè các con biết gọi tên và phân biệt một số loại nông sản; thành thạo trong phụ giúp mẹ việc nhà như nhặt rau, rửa chén bát, nấu cơm…
“Nhờ quan sát, tiếp xúc thực tế với khung cảnh làng quê, những bài văn tả cảnh của con sinh động, có cảm xúc chân thật chứ không phải sao chép từ những bài văn mẫu. Tình cảm của con gửi vào các bài tập làm văn khi viết về ông bà cũng gần gũi, mộc mạc. Nếu không có trải nghiệm thực tế chắc con không thể viết nên câu văn tạo cảm xúc cho người đọc như thế”, chị Phước chia sẻ.
Trẻ em thành phố háo hức khi lần đầu sử dụng cối đá để xay bột làm bún, sợi mì Quảng. Ảnh: NVCC |
Nhắm mắt thấy mùa Hè
Phần thưởng cho một năm học tập xuất sắc của Lê Bảo Ngọc, học sinh lớp 4/4, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) là chuyến trải nghiệm ở lớp học “Đón Hè cùng cộng đồng” tại xã Hòa Bắc (Hòa Vang). Lớp học “Đón Hè cùng cộng đồng” giúp mềm hóa hình thức học kỹ năng sống cho những học sinh nhỏ tuổi nhưng đồng thời là trải nghiệm về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, học cách trồng cây, gieo hạt…
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Bảo Ngọc có đợt trải nghiệm ngắn ngày trong chương trình lớp học trải nghiệm theo hình thức du lịch cộng đồng. Ngọc kể: “Trong 2 ngày, em được sống trong khung cảnh làng quê bình dị. Lần đầu tiên, em được lội ruộng, tắm sông, tập múa điệu Tung Tung Da Dá của đồng bào Cơ Tu… Nhưng thú vị nhất là cảm giác khi lội ruộng, đi qua những cánh đồng lúa dập dìu theo gió. Nghe đơn giản và không có gì thú vị nhưng em nghĩ mỗi người có một cảm xúc khác nhau”.
Anh Thư - học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Liên Chiểu không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy cái cối bằng đá có thể “nghiền” nát gạo thành nước bột để tráng lá mì cho món mì Quảng. “Cái cối đá trông nhỏ thế mà phải 2 bạn cùng quay mới bắt đầu nhúc nhích. Mà phải quay đều tay chứ làm khác nhau một tí là không thể xay bột được”, Thư kể đầy thú vị về quá trình xay bột từ số gạo đã ngâm nước sẵn.
TS Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), người khởi xướng chương trình học tập dựa vào cộng đồng, cho biết: “Ngoài khám phá, trải nghiệm thực tế, học sinh còn có những hoạt động rèn luyện thể lực, kết nối thiên nhiên. Các em có thể đạp xe để ngắm nhìn làng xóm, cánh đồng, dòng sông. Cô giáo ở trường dạy học chữ, cô giáo ở xóm làng dạy biết cắt lá mì, quay nước mía, gói bánh, nấu cơm. Thậm chí, các em còn học cách phân loại rác tại nguồn…”.
Những học sinh học trải nghiệm theo hình thức du lịch cộng đồng lúc đầu còn rụt rè khi đi chân đất trên bờ ruộng, rồi dần dà có thể lội bùn, thậm chí bắt được ốc, mò cua đồng. Nhìn nhóm các em quan sát con cua đồng vớt từ kênh lên rồi tranh cãi con cua có 8 cẳng và 2 càng có đúng không, hay chỉ 4 cẳng, mới thấy có những trải nghiệm sẽ trở thành ký ức đẹp khi nhớ về tuổi thơ.
Bất cứ hoạt động, trải nghiệm nào nếu có sự quan tâm, sâu sát của người lớn sẽ mang đến cho học sinh những điều thú vị. Cho dù về quê hay ở phố thì an toàn cho các em luôn được đặt lên hàng đầu.
Sự an toàn không phải là nhốt trẻ trong 4 bức tường hay bắt con theo lớp học thêm để tránh xa sự lôi cuốn của các trò chơi điện tử. Sự an toàn cho trẻ những ngày Hè phải xuất phát từ quan tâm yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ, người thân khi thường xuyên nhắc nhở, dõi theo dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn cần thiết.